Xung đột Nga-Ukraine: Vũ khí thời Liên Xô bất ngờ thành công cụ tiêu diệt UAV hiệu quả
Trước các cuộc tấn công liên tiếp của thiết bị bay không người lái cảm tử của Liên bang Nga trong bối cảnh nguồn tên lửa phòng không ngày càng cạn kiệt, Ukraine đang chuyển sang sử dụng một loại vũ khí bất ngờ trên bầu trời, có từ thời Liên Xô.

Trực thăng MI-24 thuộc Lữ đoàn Hàng không số 12, cất cánh trong một buổi huấn luyện vào ngày 6/7/2023, tại tỉnh Lviv, Ukraine. Ảnh: Getty Images
Kênh United24media dẫn thông tin do Defence Blog đăng tải ngày 16/7 cho biết khi Liên bang Nga tăng cường các đợt tấn công bằng thiết bị bay không người lái cảm tử tầm xa Shahed vào Ukraine, các lực lượng của nước này đã triển khai một biện pháp đối phó bất ngờ nhưng hiệu quả: săn thiết bị bay không người lái của Liên bang Nga bằng trực thăng ngay cả khi chiến trường chìm trong bóng tối đen như mực.
Theo quan chức Ukraine, các trực thăng này có từ thời Liên Xô, sau khi được cải tiến và trang bị hệ thống cảm biến đa chức năng tiên tiến đã trở thành một trong những giải pháp hiệu quả nhất để chống lại mối đe dọa không kích dai dẳng từ thiết bị bay không người lái của Liên bang Nga, đặc biệt là vào ban đêm hoặc trong điều kiện thời tiết xấu, khi các hệ thống phòng không thông thường gặp khó khăn hoặc không sẵn sàng.
Với kho tên lửa phòng không đang chịu áp lực và đối mặt với việc có hàng trăm thiết bị bay không người lái đe dọa một khu vực không phận rộng lớn, các chỉ huy Ukraine đã chuyển sang một giải pháp trên không kiểu “lai ghép”: kết hợp phần cứng Liên Xô cũ với quang học tiên tiến của phương Tây.
Trong khi các trực thăng thời Liên Xô như Mi-8 và Mi-24 được sử dụng hiệu quả trong điều kiện ban ngày và thời tiết tốt, khả năng hoạt động của chúng bị hạn chế nghiêm trọng khi trời tối hoặc tầm nhìn kém.

Một chiếc trực thăng quân sự Mi-8 bay ở độ cao thấp trong một chuyến bay huấn luyện tại một địa điểm không được tiết lộ ở tỉnh Lviv vào ngày 7/11/2024. Ảnh: Getty Images
Để khắc phục lỗ hổng này, Ukraine đã tái sử dụng các trực thăng Airbus H125 và H225, vốn ban đầu được mua cho Lực lượng Biên phòng và Cơ quan Cứu hộ Khẩn cấp, để biến chúng thành nền tảng giám sát trên không.
Những trực thăng này nay được trang bị hệ thống quang-điện tử Teledyne FLIR UltraFORCE 350, có khả năng phát hiện thiết bị bay không người lái trong bóng tối hoàn toàn.
Chiến thuật cụ thể như sau: Radar mặt đất chịu trách nhiệm truyền tọa độ mục tiêu, sau đó bộ đôi trực thăng sẽ đảm nhận nhiệm vụ theo dõi và đánh chặn, bao gồm: một trực thăng hạng nhẹ Airbus H125 đóng vai trò trinh sát, phát hiện và theo dõi các thiết bị bay không người lái đang bay tới bằng hệ thống quang học FLIR. Sau đó, chiếc H125 này sẽ dẫn đường cho trực thăng Mi-8 hoặc Mi-24 tiếp cận mục tiêu. Với vũ khí như súng máy, các trực thăng này tiến hành đánh chặn, bắn hạ các thiết bị bay không người lái khi đang bay và đảm bảo mảnh vỡ rơi xuống khu vực trống.
“Cảm biến FLIR là đôi mắt của chúng tôi – nó giúp chúng tôi nhìn thấy mọi thứ trong bóng tối hoặc thời tiết xấu và tác chiến an toàn trước thiết bị bay không người lái cảm tử”, một phi công Ukraine giải thích.
Chiến thuật này đặc biệt hữu ích tại các vùng nông thôn, nơi cần tránh thương vong dân sự do mảnh vỡ của thiết bị bay không người lái rơi xuống.
Vai trò then chốt của hệ thống FLIR trong chiến đấu
Ban đầu được phát triển cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và an ninh, hệ thống UltraFORCE 350 đã được các lực lượng của Ukraine tận dụng một cách sáng tạo trong nỗ lực thích nghi nhanh chóng trong điều kiện chiến tranh. Khả năng theo dõi nhiệt thời gian thực cho phép các lực lượng Ukraine duy trì khả năng quan sát các thiết bị bay không người lái nhỏ và bay với tốc độ cao ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt.
Theo người phát ngôn của hãng Thermography, thực tế tại Ukraie cho thấy hệ thống quang-điện tử Teledyne FLIR đã chứng minh rất phù hợp cho các nhiệm vụ chống thiết bị bay không người lái trên không và độ chính xác của hệ thống ảnh nhiệt trên không mà hãng sản xuất đủ linh hoạt để hỗ trợ nhiều loại nhiệm vụ, từ phát hiện, theo dõi cho đến nhận dạng mục tiêu trong mọi điều kiện.
Dù sở hữu cảm biến công nghệ cao, các trực thăng Airbus H125 vẫn không được trang bị vũ khí, hoàn toàn phụ thuộc vào Mi-8 hoặc Mi-24 đi cùng để thực hiện tiêu diệt mục tiêu.
Ukraine bắt đầu triển khai các đội trực thăng đánh chặn phối hợp này từ giữa năm 2024. Hiệu quả chiến thuật phụ thuộc vào khả năng phát hiện kịp thời, kỹ năng phi hành đoàn cao và sự phối hợp chặt chẽ giữa radar mặt đất và đơn vị hàng không. Tuy nhiên, nhiệm vụ này vẫn rất nguy hiểm: thiết bị bay không người lái Shahed-136 có thể mang đầu đạn nặng tới 90 kg và bay với tốc độ cao khiến việc đánh chặn ở khoảng cách gần trở nên rất khó khăn.

Trực thăng Airbus H225 bay qua bầu trời thành phố trong buổi tổng duyệt cho lễ duyệt binh trên không kỷ niệm 30 năm ngày độc lập của Ukraine, diễn ra vào ngày 18/8/2021 tại Kiev, Ukraine. Ảnh: Getty Images
Mở rộng kho vũ khí chống thiết bị bay không người lái
Nhìn về tương lai, các quan chức quốc phòng Ukraine đang xem xét trang bị hệ thống cảm biến tương tự cho thêm nhiều trực thăng và có thể cả máy bay hạng nhẹ để mở rộng phạm vi bảo vệ không phận.
Với dự đoán rằng các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Liên bang Nga sẽ gia tăng, Ukraine có thể phải đối mặt với sự tấn công của 1.000 thiết bị bay không người lái mỗi ngày trong các giai đoạn leo thang sắp tới.
Trong bối cảnh đó, chiến thuật đánh chặn bằng trực thăng chính là hình mẫu cho cách tiếp cận toàn diện của Ukraine trong chiến tranh: thích nghi nhanh, đổi mới trong áp lực, và tận dụng mọi công cụ hiện có để đối phó với chiến thuật biến hóa của Liên bang Nga.