Luật mới ở Sicily thách thức lệnh cấm phá thai của Italia

Monia, một phụ nữ Sicilia ngoài 40 tuổi, đã vô cùng vui mừng khi phát hiện mình đang mang thai đứa con đầu lòng vào tháng 10/2022. Tuy nhiên, do tuổi tác, bác sĩ đã khuyến nghị cô làm xét nghiệm di truyền, và kết quả là điều mà không cha mẹ nào muốn nhận.

 Luật mới ở Sicily thách thức lệnh cấm phá thai của Italia

Luật mới ở Sicily thách thức lệnh cấm phá thai của Italia

Thai nhi mắc hội chứng di truyền. Monia, người từ chối tiết lộ họ của mình, đã hỏi bác sĩ phụ khoa xem cô có thể làm gì.

Monia kể, vị bác sĩ đó là một người phản đối phá thai vì lương tâm, một trong số hàng trăm người như vậy trên hòn đảo miền Nam Italia. Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Y tế, tính đến năm 2022, hơn 80% bác sĩ phụ khoa ở Sicily từ chối thực hiện phá thai vì lý do đạo đức hoặc tôn giáo, mặc dù thủ thuật này đã được pháp luật công nhận là quyền của phụ nữ nước này kể từ năm 1978.

Để giải quyết tình trạng đó, vào cuối tháng 5 vừa qua, Hội đồng khu vực Sicily - do Liên minh trung hữu điều hành - đã thông qua một đạo luật bỏ phiếu kín yêu cầu tất cả các bệnh viện công phải tạo ra các khoa phá thai chuyên biệt và tuyển dụng nhân viên sẵn sàng cung cấp dịch vụ.

Theo quy định quốc gia, việc phá thai được phép trong vòng 90 ngày đầu của thai kỳ, hoặc muộn hơn nếu có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ hoặc dị tật thai nhi. Trường hợp thứ hai này cũng áp dụng cho Monia, người đã đến bệnh viện Sant'Antonio Abate ở thành phố Trapani, phía Tây Sicily, để chấm dứt thai kỳ.

"Tất cả các bác sĩ phụ khoa đều phản đối", cô kể. "Một bác sĩ sản khoa đưa cho tôi một chiếc giường chỉ có vỏ bọc nệm và nói rằng họ sẽ tiêm thuốc mỗi ba tiếng cho đến khi tôi chuyển dạ". Cô được thông báo là sẽ không được hỗ trợ gì thêm.

Câu chuyện của Monica không phải là duy nhất ở miền Nam Italia, nơi truyền thống văn hóa bảo thủ hơn so với miền Bắc và miền Trung giàu có hơn của đất nước Công giáo này.

Lúc đầu, thuốc của Monia không có hiệu quả nhưng sau 5 ngày và thay đổi phương pháp điều trị, cuối cùng cô đã sẩy thai và được một bác sĩ và một nữ hộ sinh chăm sóc.

Nhân viên bệnh viện gọi cô là "Điều 6", theo quy định trong luật cho phép phá thai sau 90 ngày.

Đáp lại yêu cầu bình luận, bệnh viện Sant'Antonio Abate cho biết họ rất tiếc về "trải nghiệm khó khăn" của Monia. Tuy nhiên, bệnh viện cho biết họ không thể xác minh sự việc vì cả Giám đốc bệnh viện và trưởng khoa phụ khoa lúc đó đều đã nghỉ việc.

ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO

Theo một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí Acta Biomedica, hầu hết các quốc gia khác thuộc Liên minh Châu Âu đều cho phép nhân viên y tế từ chối phá thai vì lý do đạo đức. Tuy nhiên điều này ít khi được thực hiện tại miền Nam Italia.

Một ngoại lệ là Ba Lan, nơi người dân theo Công giáo rất sùng đạo, thì phá thai chỉ được hợp pháp trong trường hợp bị hiếp dâm, loạn luân hoặc khi sức khỏe hoặc tính mạng của người phụ nữ bị đe dọa. Nghiên cứu của Acta cho biết nhiều phụ nữ Ba Lan đã buộc phải ra nước ngoài để phá thai.

Vấn đề phá thai luôn gây tranh cãi ở Italia, một quốc gia Công giáo có Vatican. Thủ tướng cánh hữu của nước này, Giorgia Meloni, đã thông qua luật vào năm 2024 nhằm ngăn chặn phụ nữ phá thai.

Các nhóm ủng hộ quyền được sống đã được phép vào các phòng khám tư vấn phá thai, một động thái mà đảng của Meloni cho biết là nhằm mục đích cho phụ nữ cơ hội suy ngẫm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Trên toàn quốc, số ca phá thai đã giảm xuống còn 65.000 ca vào năm 2022, theo dữ liệu mới nhất của Bộ Y tế Italia, so với 110.000 ca vào năm 2011. Hơn 60% bác sĩ phụ khoa là người phản đối phá thai vì lương tâm.

Trên đảo Sardinia, đảng cầm quyền Phong trào 5 Sao thiên tả tháng trước đã trình một đề xuất luật tương tự như đề xuất được thông qua tại Sicily, cho thấy các khu vực phía Nam khác có thể sớm noi theo.

Dario Safina, một nhà lập pháp trung tả của Đảng Dân chủ tại Sicily và là người khởi xướng luật mới, cho biết nhiều phụ nữ Sicily muốn phá thai cảm thấy buộc phải nhờ đến khu vực tư nhân.

"Việc tiếp cận phá thai không phải là vấn đề đối với những người có khả năng chi trả, vì họ có thể đến phòng khám tư. Nhưng chăm sóc sức khỏe dựa trên sự giàu có chính là sự kết thúc của nền dân chủ", ông nói.

Một số bác sĩ cho rằng tỷ lệ phản đối cao ở Sicily không chỉ do vấn đề đạo đức mà còn do tình trạng thiếu nhân viên và điều kiện làm việc kém khiến các bác sĩ phụ khoa khó thực hiện phá thai ngoài nhiệm vụ thường xuyên của họ.

Luật mới ở Sicily thách thức lệnh cấm phá thai của Italia

Luật mới ở Sicily thách thức lệnh cấm phá thai của Italia

Dữ liệu từ Quỹ GIMBE, một tổ chức nghiên cứu trong lĩnh vực y tế, cho thấy Sicily có 9 nhân viên y tế trên 1.000 cư dân vào năm 2022, so với mức trung bình toàn quốc là 11,6 và thấp hơn nhiều so với các vùng Emilia Romagna ở phía Bắc và trung tâm cũng như Tuscany với 15 nhân viên.

Salvatore Incandela, người đứng đầu chi nhánh Sicily của AOGOI, hiệp hội bác sĩ phụ khoa Ý, cho biết: "Các bệnh viện luôn cố gắng bóc lột sức lao động của bác sĩ mà không trả lương xứng đáng, vì vậy đôi khi các chuyên gia không muốn thực hiện phá thai".

Nhóm chống phá thai Pro-Life Together của Ý bác bỏ điều này, cho biết những người không phản đối ở Sicily chỉ phải thực hiện trung bình 1,5 ca phá thai mỗi tuần vào năm 2022 - vẫn cao hơn mức trung bình toàn quốc là 0,9 ca.

THÁCH THỨC PHÁP LÝ?

6 nhà quản lý bệnh viện và chuyên gia y tế người Sicilia được Reuters liên hệ cho biết luật mới có thể củng cố dịch vụ, nhưng điều quan trọng vẫn là đảm bảo các bác sĩ có thể lựa chọn không tham gia theo luật quốc gia năm 1978 cho phép quyền phá thai.

Theo luật, nhân viên y tế được miễn thực hiện thủ thuật phá thai nếu họ tuyên bố phản đối vì lý do đạo đức hoặc tôn giáo, miễn là tính mạng của người phụ nữ không bị đe dọa trực tiếp.

Gaetano Sirna, Tổng giám đốc bệnh viện Policlinico-San Marco ở Catania, một trong những bệnh viện lớn nhất thành phố, cho biết ngay cả khi chỉ có 6 bác sĩ phụ khoa không phản đối trong tổng số 39 bác sĩ, ông vẫn có thể đảm bảo phá thai cho những người có nhu cầu.

"Chúng tôi không gặp vấn đề gì trong việc đảm bảo sự sẵn có (của các bác sĩ)... các bác sĩ phụ khoa có quyền tự do tuyên bố mình là người phản đối; chúng tôi không phân biệt đối xử", ông nói với Reuters.

Tại Italia, phá thai không phải là trường hợp duy nhất được phép từ chối vì lý do lương tâm. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc hoặc thực hiện các thí nghiệm trên động vật cũng có thể bị từ chối với lý do tương tự.

Một số chính trị gia Sicilia phản đối mạnh mẽ các quy định mới tin rằng khu vực này nên tăng cường chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ các cơ sở vật chất cho phụ nữ mang thai, những người thường cảm thấy bị bỏ rơi và không có lựa chọn nào khác ngoài phá thai.

"Sự sống là sự sống ngay từ lúc thụ thai", Margherita La Rocca, một nhà lập pháp người Sicily thuộc đảng trung hữu Forza Italia, phát biểu. "Thai nhi không thể chỉ được coi là một khối tế bào khi thuận tiện".

Nguồn: Reuters

Minh Tú (dịch)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/luat-moi-o-sicily-thach-thuc-lenh-cam-pha-thai-cua-italia-20250716225638768.htm
Zalo