Vụ nhiều sinh viên ngộ độc rượu: Nữ sinh bị nặng nhất được xuất viện
Trong số những sinh viên bị ngộ độc methanol sau khi uống rượu thì T.T.G.M. (19 tuổi) bị nặng nhất, tổn thương não lan tỏa, toan chuyển hóa trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong cao đã được cứu sống và xuất viện.
Chiều 17/8, Bệnh viện Nhân dân Gia định (TP.HCM) cho biết, nữ bệnh nhân bị tổn thương não lan tỏa, có tiên lượng tử vong do ngộ độc rượu sau hơn 1 tuần điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc (ICU) đã xuất viện.
Bệnh nhân M. nhập viện trong tình trạng nặng, toan chuyển hóa, nồng độ methanol là 123.98 mg/dL, các bác sĩ cho đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu.
Sau khi được điều trị tích cực và lọc máu liên tục, nồng độ methanol của bệnh nhân giảm xuống còn 36 mg/dL. Tuy nhiên, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy người bệnh bị tổn thương lan tỏa cả hai bên bán cầu não. Tình trạng rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng nhưng các y, bác sĩ vẫn kiên trì điều trị tích cực với hy vọng cứu sống người bệnh.
“Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực tại khoa ICU, người bệnh đã ngưng thở máy và rút nội khí quản, đáp ứng tốt với điều trị. Hiện tại người bệnh tỉnh, tiếp xúc chậm, cử động tay chân bình thường, không yếu liệt. Tổn thương não có hồi phục nhưng để lại một số di chứng và được xuất viện ngày 16/8”, TS.BS Huỳnh Văn Ân cho biết.
Trước đó, từ ngày 6 đến 8/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận 9 trường hợp nhập viện do ngộ độc methanol, trong đó có 4 ca ngộ độc do uống rượu không rõ nguồn gốc, 5 ca ngộ độc do uống rượu pha cồn rửa tay.
Đến ngày 12/8, có 8 bệnh nhân ngộ độc methanol đã lần lượt được xuất viện với sinh hiệu và sức khỏe ổn định. Riêng trường hợp nữ bệnh nhân T.T.G.M. vẫn tiếp tục điều trị tại khoa ICU.
Theo các chuyên gia y tế, methanol được dùng trong công nghiệp hóa chất, ngộ độc methanol xảy ra khi uống nhầm methanol hoặc uống rượu có chứa methanol. Methanol rất độc, chỉ cần uống 5 - 15ml có thể gây ngộ độc nặng, từ 15ml trở lên gây mù lòa và khoảng 30 ml có thể gây tử vong. Độc tính của methanol bao gồm tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng tới thần kinh mắt…
Trường hợp ngộ độc methanol nhẹ có biểu hiện cảm giác say say, chóng mặt; buồn nôn, nôn ói; nhức đầu. Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm); đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.