Vụ lừa đảo 14 tỷ USD chấn động Trung Quốc: Thủ phạm bị bắt giữ ở Indonesia

Mới đây, Lâm Cường (Lin Qiang), Tổng giám đốc, người kiểm soát thực sự và điều hành của Tập đoàn Hòa Hợp (Hehe Group), mất tích từ 13 tháng trước, đã bị bắt ở Indonesia và đang trong quy trình dẫn độ về Trung Quốc.

Lâm Cường bị cảnh sát Indonesia dẫn giải tới cuộc họp báo hôm 10/10 (Ảnh: Sina).

Lâm Cường bị cảnh sát Indonesia dẫn giải tới cuộc họp báo hôm 10/10 (Ảnh: Sina).

Theo tin của giới truyền thông, ngày 10/10, ông Hilmi Karim, Giám đốc Cục Nhập cư Indonesia nói trong cuộc họp báo: Lâm Cường, tội phạm người Trung Quốc bị Interpol truy nã, đã bị bắt giữ tại Sân bay Quốc tế Ngurah Rai ở Bali, Indonesia. Xuất hiện tại cuộc họp báo, Lâm Cường mặc bộ đồng phục tù nhân màu cam và đeo khẩu trang trắng. Khi đối mặt với giới truyền thông, hắn thường xuyên dùng tay che mặt, thậm chí quay lưng lại.

Khi giới thiệu lý lịch và bối cảnh Lâm Cường bị truy nã, ông giám đốc Cục Di trú Indonesia nói Lâm Cường đã sử dụng những lời hứa hão huyền về mức lãi suất cao từ 6% đến 10,1%/ năm làm mồi nhử, lừa gạt hơn 50.000 người thông qua Mô hình Ponzi (một hình thức lừa đảo thu hút các nhà đầu tư và trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư trước bằng tiền từ các nhà đầu tư sau). Số tiền ông ta huy động được tổng cộng lên tới hơn 14 tỷ USD (khoảng 98,9 tỷ NDT).

 Lâm Cường che mặt trước ống kính phóng viên (Ảnh: LTN).

Lâm Cường che mặt trước ống kính phóng viên (Ảnh: LTN).

Bị bắt sau 13 tháng mất tích

Thông tin công khai cho thấy Lâm Cường là Chủ tịch của Công ty Hòa Hợp (Hehe Futures Co., Ltd); đồng thời là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hòa Hợp Thượng Hải (Shanghai Hehe Capital Investment Management Co., Ltd).

Ông tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải chuyên ngành kinh tế và thương mại quốc tế, nhận bằng thạc sĩ EMBA của Đại học Giao thông Thượng Hải và bằng tiến sĩ DBA của Đại học Bắc Kinh. Lâm Cường có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính và đã làm việc ở các tổ chức tài chính có quy mô lớn như Bảo hiểm nhân thọ Cathay, Chứng khoán Tài chính Quốc tế Trung Quốc, Quỹ Tài chính Quốc tế Trung Quốc...

Ba công ty Hehe Capital, Hehe Asset Management (Shanghai) Co., Ltd. và Hehe Futures được gọi chung là "Hehe Group" (Tập đoàn Hòa Hợp) và Hehe Management là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Hehe Futures. Lâm Cường cũng là một trong ba đối tác của Hehe Futures. Năm 2021, ông ta đã mua lại toàn bộ Hehe Futures và trở thành người kiểm soát thực sự.

 Hồ sơ Lâm Cường trên trang web Tập đoàn Hòa Hợp.

Hồ sơ Lâm Cường trên trang web Tập đoàn Hòa Hợp.

Ngày 30/8/2023, Công ty Hehe Asset Management đã đưa ra "Thông báo về việc Thành lập nhóm lãnh đạo tạm thời", nêu rõ vì không thể liên lạc được với Lâm Cường, để đảm bảo công ty hoạt động bình thường, ban lãnh đạo cấp cao của công ty thảo luận và quyết định thành lập Nhóm lãnh đạo lâm thời của công ty do Vương Hồng Lượng đứng đầu.

Ngay sau khi thông báo được đưa ra, tin tức về việc Lâm Cường "mất liên lạc" đã lan truyền trong giới. Theo Caixin.com, tối 25/8/2023, ông ta đã có buổi họp mặt với các giám đốc điều hành của Tập đoàn Hòa Hợp ở Hong Kong. Ngày 28/8, các giám đốc điều hành phát hiện không thể liên lạc với ông ta được nữa. Một số cơ quan truyền thông đưa tin, một tháng trước khi Lâm Cường mất liên lạc, vợ và các con đã đến Singapore với danh nghĩa du lịch. Cha mẹ của ông ta cũng đã đến Singapore một tuần sau khi ông ta biến mất, và bản thân Lâm Cường cũng từ Hong Kong đến Singapore.

Theo thông tin của Indonesia, Lâm Cường từ Singapore đến Bali lúc 19h ngày 26/9/2024 với hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ mang tên JOELIN và sử dụng thị thực khi nhập cảnh. Chỉ một ngày trước đó, Interpol đã đưa ra "Thông báo truy nã đỏ" (Red Notice), yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn thế giới câu lưu hoặc bắt giam tên tội phạm đang bị truy nã này.

 Lâm Cường bị đưa ra trình diện tại cuộc họp báo (Ảnh: LTN).

Lâm Cường bị đưa ra trình diện tại cuộc họp báo (Ảnh: LTN).

Sau khi cảnh sát Trung Quốc đưa Lâm Cường vào "danh sách đỏ" của Interpol, dữ liệu sinh trắc học của hắn đã được nhập vào cơ sở dữ liệu của các sân bay. Vì vậy, khi Lâm Cường đến Bali, Indonesia trên chuyến bay của Singapore Airlines, ông ta đã bị hệ thống nhận dạng khuôn mặt tại sân bay phát hiện và bị cảnh sát Indonesia bắt giữ.

5 tỷ NDT đến hạn không được thanh toán

Phạm vi kinh doanh của “Hệ thống Hòa Hợp” dưới sự lãnh đạo của Lâm Cường tương đối rộng, liên quan đến quỹ đầu tư cổ phần, quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư hóa đơn, quỹ bất động sản, phân bổ tài sản ở nước ngoài, tín thác gia tộc...

Mặc dù các giao dịch kinh doanh giữa "Tập đoàn Hòa Hợp" rất phức tạp nhưng việc Lâm Cường mất liên lạc rõ ràng đã châm ngòi cho một loạt sự cố.

Sau khi Hehe Management đưa ra "Thông báo thành lập Nhóm lãnh đạo tạm thời" vào tháng 8 năm ngoái, hàng loạt tranh cãi đã nổ ra trên thị trường về hoạt động của "Hệ thống Hòa Hợp". Ngày 31/8/2023, Hehe Futures đã đưa ra một thông báo nói rằng "Lâm Cường không phải là người kiểm soát thực sự của công ty chúng tôi. Ông ấy chỉ giữ chức vụ giám đốc công ty từ ngày 27/3/2020 đến ngày 8/12/2021 và từ lâu đã không còn giữ bất kỳ vị trí trong công ty và các công ty con của chúng tôi”.

Tiếp đó, ngày 5/9/2023, Hehe Capital cũng đính chính trên trang web chính thức rằng thông báo về nhóm lãnh đạo tạm thời không phải do họ đưa ra và Lâm Cường "không phải là chủ tịch kiêm người kiểm soát thực tế của công ty chúng tôi".

Tuy nhiên, đến ngày 31/10/2023, Hehe Capital thông báo có nhiều yếu tố khiến một số sản phẩm do công ty và đối tác liên quan quản lý đến hạn và không được thanh toán đầy đủ. Hehe Capital nói công ty đã tiến hành xác minh vốn và giải phóng tài sản toàn diện, đồng thời bước đầu xác định rằng tài sản có thể bao gồm các sản phẩm mua lại; công ty có kế hoạch chuyển nhượng hoặc thế chấp các tài sản lớn và cố gắng rút tiền càng sớm càng tốt để thanh toán sản phẩm; phấn đấu đến cuối năm 2023 hoàn lại 10% tiền gốc của sản phẩm đến hạn.

Theo thông báo, tổng số tiền đến hạn chưa thanh toán của Hehe Capital vào thời điểm đó lên tới 5,256 tỷ NDT.

 Lâm Cường đang trong quy trình dẫn độ về Trung Quốc (Ảnh: LTN).

Lâm Cường đang trong quy trình dẫn độ về Trung Quốc (Ảnh: LTN).

Ngày 3/1/2024, Hehe hoàn thành đợt thanh toán đầu tiên, với tổng số tiền 510 triệu NDT, liên quan đến 6.193 khách hàng. Ngày 28/2, công ty cho biết đã hoàn tất thanh toán đợt thứ 2 là 3%. Ngày 6/3, công ty kêu gọi các nhà đầu tư đừng hoảng sợ. Ngày 11/3, công ty cho biết họ đang nỗ lực để đạt được mục tiêu hoàn lại vốn 100%. Ngày 21 tháng 3, công ty cho biết dự định bắt đầu đợt thanh toán thứ hai 7% vào ngày 25/3.

Tuy nhiên, vào ngày 10/4, Chi cục Dương Phố, Cục Công an Thượng Hải đã ban hành "Thông báo của cảnh sát" về việc điều tra "Hehe Group" vì nghi ngờ phạm tội gây quỹ bất hợp pháp theo quy định của pháp luật và thực hiện các biện pháp cưỡng chế hình sự đối với Vương Hồng Lượng và các nghi phạm khác.

Trang web theo dõi doanh nghiệp Tianyancha cho thấy, vào tháng 8/2024, 160 triệu NDT vốn cổ phần của Công ty Quản lý tài sản Hehe (Thượng Hải) đã bị đóng băng. Vào tháng 7/2014, Tòa án nhân dân quận Song Giang của Thượng Hải đã áp dụng lệnh hạn chế tiêu dùng đối với Hehe Capital và Lâm Cường do vụ án liên quan đến số tiền chưa thanh toán là 1,009 tỷ NDT.

Theo Finance.sina

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vu-lua-dao-14-ty-usd-chan-dong-trung-quoc-thu-pham-bi-bat-giu-o-indonesia-post179227.html
Zalo