Vũ khí mới 'nhỏ mà có võ' của Ukraine có thể đối phó với tên lửa hành trình Nga?

Ukraine đã tăng tốc cho các UAV tầm xa của mình, chế tạo 'tên lửa máy bay không người lái' để đối phó với tên lửa hành trình của đối phương.

Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công bố những kết quả mới nhất với các video về tên lửa máy bay không người lái Peklo và Palianytsia mà quân đội Ukraine bắt đầu triển khai.

Dự án "tên lửa máy bay không người lái" đã trở thành mục tiêu chính của ông Zelensky năm 2025. Vào tháng 11, ông tuyên bố với Quốc hội Ukraine rằng ông muốn thấy Ukraine sản xuất 30.000 máy bay không người lái tầm xa và 3.000 "tên lửa hành trình hoặc tên lửa máy bay không người lái" trong năm tới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Oleksandr Syrsky đứng cạnh lô tên lửa máy bay không người lái Peklo do Ukraine sản xuất. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Oleksandr Syrsky đứng cạnh lô tên lửa máy bay không người lái Peklo do Ukraine sản xuất. Ảnh: Reuters

Những "tên lửa máy bay không người lái" này là một loại vũ khí mới mà Ukraine đang tiên phong.

Việc triển khai vũ khí mới để bù đắp tình trạng thiếu hụt vũ khí không phải động thái mới của Kiev. Cũng giống như Ukraine đã triển khai UAV để đảm nhiệm các vai trò truyền thống dành cho không quân, chẳng hạn như giám sát trên không và ném bom mục tiêu, tên lửa máy bay không người lái đang phát triển để thực hiện các chức năng của tên lửa hành trình mà Ukraine không sản xuất.

"Về cơ bản, chúng là bước tiến tiếp theo của UAV tấn công tự sát tầm xa", chuyên gia Fabian Hinz tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London cho hay.

Theo ông: "Cũng giống như nhiều thứ khác, nhờ có công nghệ, các ranh giới đang mờ dần".

"Ukraine thực sự có thể phát triển các hệ thống tên lửa nhỏ này, khá rẻ, tương đối dễ sản xuất nhưng vẫn đủ tốt để tạo ra sức công phá lớn và phá hủy một số mục tiêu có giá trị cao, ngay cả khi ở sâu trong lãnh thổ đối phương", nhà nghiên cứu Fabian Hoffmann tại dự án hạt nhân của Đại học Oslo, cũng chuyên về tên lửa, cho biết.

Tên lửa máy bay không người lái là gì?

"Tên lửa và máy bay không người lái. Một sự kết hợp từ ngữ mà cho đến gần đây vẫn là thứ gì đó của trí tưởng tượng. Nhưng hôm nay, nó đã trở thành sự thật", Tổng thống Zelensky phát biểu ngày 10/12, nhấn mạnh rằng Palianytsia đã đi vào sản xuất và chiếc Peklo đầu tiên đã ra tiền tuyến. Ông cũng tiết lộ rằng một loại UAV tương tự bí ẩn có tên là Ruta vừa mới vượt qua thử nghiệm.

Những tên lửa máy bay không người lái này chủ yếu là sự tiến hóa từ kho vũ khí máy bay không người lái tầm xa hiện có của Ukraine thành thứ gì đó giống như một tên lửa hành trình nhỏ. Trong quá trình biến đổi đó, chìa khóa là tốc độ.

Về mặt lý thuyết, một số máy bay không người lái tầm xa mà Ukraine sử dụng có thể bay được hàng nghìn km. Sự tiến hóa của những mẫu máy bay mới hơn này chủ yếu là về tốc độ. Palianytsia, Peklo và Ruta có tốc độ tối đa lần lượt là 500, 700 và 800 km/giờ.

Điều đó phần lớn là nhờ động cơ phản lực, cho phép các mẫu máy bay mới bay nhanh hơn khoảng 200km/h so với động cơ piston trên hầu hết các máy bay không người lái tầm xa hiện có. Ngay cả Shahed của Iran - UAV cảm tử tầm xa thường đạt tốc độ tối đa là 300km/h.

“Khi bạn có UAV phản lực hoặc tên lửa hành trình, bạn có thể dễ dàng mua động cơ có sẵn. Vì vậy, nhiều hệ thống này có thể sử dụng động cơ thương mại dễ dàng mua được”, chuyên gia Hinz nói, đồng thời nêu tên nhiều nhà sản xuất Đức, Hà Lan và Séc là những ứng cử viên tiềm năng.

Khi tốc độ giữa 3 mẫu này tăng lên thì độ tinh vi của động cơ cũng tăng theo. Chuyên gia Hoffman cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy động cơ phản lực trên Palianytsias. Trong khi đó, với Peklo, "động cơ thực sự được gắn ở phía trên. Động cơ nằm bên ngoài thân máy bay, giúp việc sản xuất dễ dàng hơn vì nó không tinh vi nhưng vấn đề với mẫu này là nó tạo ra một tiết diện radar rất lớn".

Động cơ phản lực cần luồng không khí nhanh để cung cấp oxy cho nguồn nhiên liệu của nó. Các động cơ khác hoạt động chậm hơn hoặc cần chất oxy hóa đi kèm với nhiên liệu - một phần bổ sung lớn về trọng lượng cho một tên lửa cần bay hàng trăm km.

Ngoài thiết lập hệ thống đẩy, những tên lửa máy bay không người lái này về cấu trúc gần như giống hệt nhau. Dựa trên sơ đồ do chính phủ công bố, Palianytsia nổi bật hơn một chút vì có cánh nhỏ hơn nhiều để bù cho lực đẩy ít hơn do bay chậm hơn, chuyên gia Hoffman cho biết.

Một số mẫu của Ukraine đã được triển khai trên chiến trường. Peklo và Palianytsia gây xôn xao mạng xã hội trong bối cảnh Ukraine tấn công vào Taganrog và Bryansk.

Việc triển khai thực tế các máy bay không người lái này rất khó xác nhận. Chúng dường như xuất hiện theo bầy đàn cùng với các tên lửa nước ngoài như ATACMS do Mỹ sản xuất trong một loạt cuộc tấn công vào một sân bay ở Taganrog, phía Đông Mariupol.

Tên lửa máy bay không người lái có gì khác biệt?

Dựa trên các tuyên bố của chính phủ Ukraine, Ruta là máy bay không người lái bí ẩn nhất đang được thử nghiệm. Mặc dù ông Zelensky thừa nhận đã thử nghiệm một UAV có tên gọi như vậy nhưng nói một cách chính xác thì đó có thể không phải là một dự án của Ukraine.

Destinus - công ty có đăng ký tại Thụy Sĩ, Pháp và Hà Lan đã giới thiệu một UAV có tên là RUTA với cấu trúc gần giống hệt các tên lửa máy bay không người lái và được đóng cờ Ukraine tại một hội nghị về vũ khí ở Pháp mùa hè này.

Chính phủ Ukraine vẫn giữ im lặng về các nhà sản xuất, đặc biệt là về các UAV tấn công tầm xa. Tuy nhiên, thân máy bay của Destinus Lord, một máy bay không người lái được quảng bá có tầm hoạt động từ 750 - 2.000km có vẻ ngoài rất giống với máy bay Cessna có đầu vuông, đã xuất hiện trong các bài đăng trên mạng xã hội được cho là từ sâu bên trong nước Nga.

Hầu hết thông tin sẵn có về Ruta đều có trên trang web của Destinus, theo đó liệt kê các lợi thế chính của sự kết hợp giữa "chi phí thấp, kích thước tải trọng và tốc độ". Nó bao gồm các thông số kỹ thuật cho một động cơ phản lực tuabin nhẹ và giá thành thấp.

Trong số các tên lửa máy bay không người lái mới, chuyên gia Hoffman ấn tượng nhất với Ruta.

"Đối với Ruta, xét về động cơ, đây là loại tinh vi nhất vì nó có cửa hút gió gắn dưới đáy, theo những bức ảnh mà chúng tôi đã thấy. Chẳng hạn, nó tương tự như Tomahawk của Mỹ. Động cơ nằm bên trong thân máy bay và chỉ có một cửa hút gió hút không khí vào, sau đó, được nén và trộn với nhiên liệu bên trong động cơ rồi đốt cháy để tạo ra luồng khí thải".

Ông cũng nói thêm rằng Ruta có lợi thế về khả năng tàng hình.

Tên lửa máy bay không người lái là một khái niệm mới. Nhưng vũ khí mới này cho thấy sự khác biệt giữa máy bay không người lái và tên lửa hành trình truyền thống.

Giống như nhiều dự án phát triển máy bay không người lái của Ukraine, đây là những giải pháp tối ưu về chi phí.

Một trong những điểm khác biệt chính là những tên lửa máy bay không người lái chứa ít thuốc nổ hơn nhiều so với tên lửa hành trình truyền thống. Chẳng hạn, Tomahawks và Storm Shadows mang theo khoảng 450 kg thuốc nổ mỗi quả. Các tên lửa không người lái mới của Ukraine chủ yếu có tải trọng khoảng 100 kg.

Tuy nhiên, có lẽ điểm yếu lớn hơn của những tên lửa máy bay không người lái này là chúng ít có khả năng tàng hình hơn, dễ bị can thiệp vào các thiết bị điện tử và dẫn đường so với tên lửa hành trình truyền thống. Nhưng đồng thời, chúng rẻ hơn đáng kể so với các tên lửa này. Giá mỗi chiếc trong những dự án này khoảng dưới 300.000 USD, trong khi Storm Shadow có giá khoảng 1 triệu USD/chiếc

“Ukraine đang bước vào một không gian mà thực sự không có nhiều quốc gia khác sản xuất những loại hệ thống này", chuyên gia Hoffman nói, đồng thời tiết lộ: “Đây thực sự là điều mà Mỹ muốn làm, nhưng họ vẫn chưa làm cho đến bây giờ".

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Kyiv Independent

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi-moi-nho-ma-co-vo-cua-ukraine-co-the-doi-pho-voi-ten-lua-hanh-trinh-nga-post1144281.vov
Zalo