Vụ học viên tập lái ô tô đâm người tử vong: Người dạy lái xe có phải chịu trách nhiệm?
Liên quan đến vụ học viên tập lái ô tô đâm người tử vong xảy ra mới đây, điều được nhiều người quan tâm là ngoài lái xe, thầy dạy lái có phải chịu trách nhiệm?
Tối 15-2, tại Km 37 đường ĐT719 (đoạn thuộc thôn Phú Phong, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã xảy ra vụ tai nạn chết người. Chị H.T.T.T (sinh năm 2002, ở xã Tân Thuận) điều khiển xe máy biển chở theo sau con gái là H.K.H (SN 2019) lưu thông trên đường thì va chạm với xe máy do anh T.T.T điều khiển, lưu thông theo chiều ngược lại. Sau khi va chạm, chị T ngã ra đường thì bị xe ô tô đâm vào khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Cháu H và anh T bị thương. Tài xế đã lái chiếc xe ô tô rời khỏi hiện trường.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, xe ô tô liên quan vụ tai nạn là xe tập lái biển số 86C-110.94 do N.H.H (sinh năm 2003, ở thị xã La Gi) điều khiển tại thời điểm xảy ra tai nạn.

Hiện trường vụ tai nạn
Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Cách đây không lâu, tại đường tỉnh 296 thuộc địa phận thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cũng xảy ra vụ tai nạn do xe ô tô treo biển tập lái BKS 98A - 245.29 gây ra.
Chiếc xe này khi đang lưu thông với tốc độ cao đã bị mất lái, lao mạnh vào nhà dân bên đường tỉnh 296. Trước khi va vào tường nhà, chiếc xe va vào hai học sinh đang đứng bên đường khiến 2 em này bị thương tích. Hai người trong xe gồm thầy giáo và học viên nữ cầm lái cũng bị thương nhẹ, còn chiếc xe tập lái bị hư hỏng nặng.
Về chế tài xử lý trong các vụ việc học viên tập lái xe gây tai nạn, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trước hết, người học lái xe phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm tương ứng.
Trường hợp hành vi gây tai nạn có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, học viên có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” với mức phạt cao nhất tới 15 năm tù hoặc tội “Vô ý làm chết người”…
Bên cạnh đó, giáo viên hướng dẫn học viên tập lái xe cũng có thể phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tai nạn nếu có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về đào tạo lái xe. Hành động của giáo viên giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện và thiếu trách nhiệm giám sát bảo trợ trong quá trình học viên tập lái xe được coi là vi phạm quy định của Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ. Hành vi này có thể bị xử lý về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với mức phạt cao nhất lên đến 12 năm tù.
Không chỉ có vậy, khi xảy ra tai nạn, cơ sở đào tạo lái xe cũng có thể phải chịu trách nhiệm nếu quy trình đào tạo, hồ sơ của giáo viên và học viên không tuân thủ đúng quy định hiện hành.
Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, khi học viên tập lái xe gây tai nạn sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường dân sự. Theo Điều 600 Bộ Luật Dân sự 2015, cá nhân và pháp nhân sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người làm công, hoặc do người học nghề gây ra trong quá trình thực hiện công việc được giao và có quyền đòi hỏi bồi thường từ người làm công. Người học nghề, nếu có lỗi gây thiệt hại, phải thực hiện hoạt động hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật và theo sự thỏa thuận của các bên liên quan.
Do đó, trung tâm đào tạo lái xe nơi học viên đăng ký học thực tế sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị hại theo các quy định về bồi thường dân sự ngoài hợp đồng. Sau đó, trung tâm cũng có quyền đòi hỏi người học lái xe hoàn trả một phần hoặc toàn bộ chi phí nếu xác định rằng họ có lỗi gây ra tai nạn giao thông.