Vụ dự án điện mặt trời và những sai phạm chưa từng có tiền lệ
Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị cơ quan tố tụng xem xét về việc lần đầu tiên có vụ án hình sự truy cứu trách nhiệm đối với một số cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất dự thảo văn bản pháp quy. Đây là vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ...

Ảnh minh họa.
Trong phiên tranh luận chiều ngày 23/4/2025, luật sư Phan Trung Hoài là một trong 7 luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương.
Theo luật sư Hoài, ông Hoàng Quốc Vượng ký dự thảo Quyết định 13 trong bối cảnh Đảng, Chính phủ, Nhà nước có chủ trương ban hành các cơ chế tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển kinh tế cho tỉnh Ninh Thuận, trong đó có phát triển năng lượng tái tạo.
Luật sư Hoài đề nghị Viện kiểm sát, tòa án xem xét về việc lần đầu tiên có vụ án hình sự truy cứu trách nhiệm đối với một số cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất dự thảo văn bản pháp quy. Đây là vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ… Bất cứ khâu nào, quy trình nào cũng phải tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Chúng tôi nhận thức rằng từ khi xây dựng, đề xuất, thẩm định đến khi dự thảo được phê duyệt phải trải qua quy trình có sự tham gia của mỗi cơ quan, cá nhân khác. Vì vậy, sai phạm, trách nhiệm của ông Vượng là một khâu, một bước của quy trình đó. Quá trình điều tra, xét xử, ông Vượng đã nhận thức ra sai phạm”, luật sư Hoài lập luận.
Bào chữa cho bị cáo Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo), luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lỗi của bị cáo không phải là lỗi trực tiếp. Đến nay bị cáo đã nhận thức được sai phạm của mình, ăn năn hối cải và khắc phục được 100 triệu đồng.
Theo cáo buộc, ông Vượng và Kim liên quan hành vi sai phạm khi xây dựng Dự thảo Quyết định 13 của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, mở rộng diện đối tượng được hưởng ưu đãi dẫn đến thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho EVN.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng có bước tiến mạnh mẽ. Nhiều vụ án quy mô lớn, phức tạp bị xử lý nghiêm minh.
Vụ sai phạm về điện mặt trời là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước. Việc đưa các bị cáo ra xét xử là cần thiết nhằm kịp thời xử lý hành vi phạm tội, góp phần phòng ngừa tội phạm chung.
Trong đó, bị cáo Hoàng Quốc Vượng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý chỉ đạo tổ soạn thảo xây dựng Quyết định 13 theo hướng mở rộng diện đối tượng được hưởng ưu đãi giá điện 9,35 Uscents/kWh.
Bị cáo Phương Hoàng Kim biết rõ diện đối tượng được hưởng giá điện ưu đãi trong Dự thảo Quyết định 13 đang được mở rộng, không đúng với Nghị quyết 115/NQ-CP và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dù vậy, ông Kim cố ý không chỉ đạo Tổ soạn thảo và Cục Điện lực và năng lượng tái tạo thực hiện đúng Nghị quyết 115 nhằm mục đích cho Dự án Nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam được vào quy hoạch Điện VII điều chỉnh để được hưởng giá ưu đãi.
Theo Viện kiểm sát, bị cáo Vượng không có tình tiết tăng nặng, thành khẩn khai báo, đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi, có nhiều thành tích trong công tác… Các bị cáo khác cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị phạt mức án 6-7 năm tù đối với bị cáo Hoàng Quốc Vượng và bị cáo Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng tội danh, các bị cáo khác bị đề nghị mức án 4-6 năm tù. Nhóm bị cáo ở tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị đề nghị mức án 3 năm tù cho hưởng án treo.
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. Đồng thời tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật…
Tuy nhiên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 bổ sung nguyên tắc kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật như việc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền của Đảng đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt…
Luật mới cũng quy định cơ quan trình phải chịu trách nhiệm đến cùng, cần phải đeo bám, tôn trọng người góp ý, Đại biểu Quốc hội để dự thảo có sự đồng tình cao. Điều này đặt ra gánh nặng; đề cao sự chủ động, trách nhiệm của các bộ ngành.