'Vũ điệu haka' làm rung chuyển chính trường New Zealand

Từ nông thôn đến thủ đô New Zealand đang rung chuyển trước sự giận dữ của cộng đồng Maori sau sự kiện một nữ nghị sĩ người Maori biểu diễn vũ điệu haka và xé bỏ bản thảo một dự luật có nội dung xem xét lại hiệp ước lập quốc với người bản địa.

Vũ điệu haka và sự tức giận của người Maori

Phiên họp của Quốc hội New Zealand hôm 14/11 đã tạm thời bị hoãn sau khi các nhà lập pháp người Maori biểu diễn điệu nhảy haka, một điệu nhảy truyền thống của cộng đồng họ, thể hiện sự tức giận và sợ hãi của cộng đồng này đối với một dự luật nhằm diễn giải lại hiệp ước lập quốc với người bản địa.

Hana-Rawhiti Maipi-Clarke, nữ nghị sĩ người Maori xé bản thảo dự luật và nhảy vũ điệu haka để phản đối việc xem xét lại “Hiệp ước Waitangi”. Ảnh: Meydianews.

Hana-Rawhiti Maipi-Clarke, nữ nghị sĩ người Maori xé bản thảo dự luật và nhảy vũ điệu haka để phản đối việc xem xét lại “Hiệp ước Waitangi”. Ảnh: Meydianews.

Trong lần đọc đầu tiên của “Dự luật Nguyên tắc Hiệp ước”, khi Chủ tịch Hạ viện Gerry Brownlee hỏi nhà lập pháp người Maori Hana-Rawhiti Maipi-Clarke rằng đảng của cô, đảng Te Pati Maori, có ý kiến như thế nào về việc diễn giải lại “Hiệp ước Waitangi” như tinh thần của dự luật này, nữ nghị sĩ 22 tuổi đã bật dậy, xé nát thứ có vẻ là bản sao của dự luật và bắt đầu biểu diễn vũ điệu haka.

Những thành viên khác của đảng Te Pati Maori và một số người theo dõi phiên họp tại tầng trên của khán phòng cũng đứng lên nhảy điệu haka với nữ nghị sĩ trẻ. Họ cùng thể hiện những cảm xúc tức giận đặc trưng vốn được người Maori thể hiện trước khi xung trận nhằm nâng cao tinh thần chiến đấu và trấn áp kẻ thù - đồng thời hét lên thông điệp bày tỏ sự phản đối dự luật.

Sự kiện khiến Chủ tịch Quốc hội Gerry Brownlee phải quyết định tạm dừng phiên họp, đồng nghĩa buổi đọc dự luật cũng hoãn lại. Maipi-Clarke bị đình chỉ chức vụ một ngày vì khởi xướng màn nhảy haka kể trên, nhưng cô đã thành công trong việc tạm ngăn chặn tiến trình pháp lý của “Dự luật Nguyên tắc Hiệp ước”, đồng thời thúc đẩy làn sóng phản đối dự luật này khi mà hành động gây sốc của cô được chia sẻ chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội.

Chỉ một ngày sau khi nữ nghị sĩ 22 tuổi lên tiếng tại Quốc hội, hàng ngàn người Maori bản địa đã tham gia cuộc tuần hành về thủ đô Wellington để bày tỏ sự tức giận của họ đối với “Dự luật Nguyên tắc Hiệp ước”. Các cuộc biểu tình này là một phần của phong trào phản đối đang được cộng đồng Maori tổ chức tại các địa phương trên khắp cả nước. Cảnh sát New Zealand ước tính có khoảng 10.000 người đã diễu hành qua Rotorua, cách Wellington khoảng 450 km về phía Bắc trong ngày 15/11 trên hành trình tiến về thủ đô. Những người biểu tình, một số mặc trang phục truyền thống, đã được hàng trăm người vẫy cờ Maori và hô vang khẩu hiệu chào đón dọc đường đi.

Vì sao lại có “Dự luật Nguyên tắc Hiệp ước”?

“Hiệp ước Waitangi”, hay còn gọi là Te Tiriti o Waitangi, được ký kết bởi hơn 500 tù trưởng Maori và Hoàng gia Anh vào năm 1840, được coi là văn kiện lập quốc của New Zealand. Hiệp ước này nêu cách hai bên đồng ý cai trị đất nước trong hòa bình, mở đường cho việc Anh sáp nhập New Zealand trong khi yêu cầu hoàng gia phải bảo vệ tài sản của người Maori và trao cho những người Maori đầy đủ các quyền của công dân Anh.

Dù không có danh sách chính thức các nguyên tắc của Hiệp ước Waitangi, nhưng cách thức diễn giải hiệp ước này đã trở thành nền tảng cho nhiều luật lệ và chính sách của New Zealand hiện nay. Tuy nhiên, vào đầu tháng này, một đảng chính trị có tên ACT, thành viên cánh hữu cấp thấp trong chính phủ liên minh trung hữu cầm quyền, đã giới thiệu một dự luật nhằm định nghĩa lại cách diễn giải “Hiệp ước Waitangi”.

Lãnh đạo đảng ACT New Zealand David Seymour muốn điều chỉnh lại cách giải thích “Hiệp ước Waitangi”. Ảnh: RNZ.

Lãnh đạo đảng ACT New Zealand David Seymour muốn điều chỉnh lại cách giải thích “Hiệp ước Waitangi”. Ảnh: RNZ.

Lãnh đạo đảng ACT New Zealand, ông David Seymour cho rằng những cách giải thích “Hiệp ước Waitangi” hiện tại đang quá rộng, quá mơ hồ và mang lại cho người Maori lợi thế không công bằng so với các nhóm dân tộc khác, qua đó gây chia rẽ trong xã hội. Ông Seymour muốn tạo ra “sự chắc chắn và rõ ràng hơn” xung quanh hiệp ước và “xây dựng sự đồng thuận” bằng một dự luật mới có tên “Dự luật Nguyên tắc Hiệp ước”.

Động thái này nhận được sự phản đối dữ dội từ các nhà lãnh đạo Maori vì họ cho rằng dự luật của đảng ACT New Zealand sẽ phá hoại cuộc sống, thể chế, văn hóa và làm suy yếu quyền lợi của người Maori bản địa. Người Maori chiếm khoảng 20% trong số 5,3 triệu dân New Zealand, cho đến nay vẫn gặp khó khăn về vật chất, có chỉ số sức khỏe kém hơn và bị giam giữ với tỷ lệ cao hơn nhiều so với mặt bằng bình quân của đất nước.

Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon cho biết ông và đảng Quốc gia do ông lãnh đạo không ủng hộ việc thông qua dự luật. Ảnh: NZ Herald.

Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon cho biết ông và đảng Quốc gia do ông lãnh đạo không ủng hộ việc thông qua dự luật. Ảnh: NZ Herald.

Nhiều chuyên gia pháp lý và một số đảng chính trị tại New Zealand cũng nhận định “Dự luật Nguyên tắc Hiệp ước” có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ chủng tộc và phá hủy nhiều thập kỷ nỗ lực nhằm khắc phục những sai lầm lịch sử của chủ nghĩa thực dân đối với người Maori.

Chẳng hạn, đảng Lao động đối lập cho rằng những người xây dựng dự luật đã “bỏ qua” các nguyên tắc được thiết lập trong nhiều thập kỷ để thay thế chúng bằng “những quan điểm lỗi thời và không chính xác”, đồng thời tuyên bố việc “xóa bỏ lịch sử hợp tác và thiện chí” sẽ khiến đất nước đi thụt lùi “về tiến trình quan hệ chủng tộc”. Trong khi đó, hơn 40 luật sư cao cấp nhất New Zealand cũng viết một bức thư ngỏ gửi tới Thủ tướng Christopher Luxon và Tổng Chưởng lý Judith Collins, kêu gọi họ hủy bỏ dự luật.

Dự luật gây tranh cãi này có trở thành luật không?

“Dự luật Nguyên tắc Hiệp ước” đã được trình lên Quốc hội New Zealand và sau lần đọc đầu tiên vào tuần trước sẽ được chuyển đến một ủy ban đặc biệt để tham vấn trong 6 tháng. Sau đó, nếu dự luật được bỏ phiếu để trở thành luật ở lần đọc thứ hai, một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức để quyết định vấn đề này.

Điệu nhảy haka, với thần thái dữ tợn và những tiếng hét đe dọa, là vũ điệu truyền thống của người Maori nhằm khích lệ tinh thần trước các trận chiến. Ảnh: Sinchi Foundation.

Điệu nhảy haka, với thần thái dữ tợn và những tiếng hét đe dọa, là vũ điệu truyền thống của người Maori nhằm khích lệ tinh thần trước các trận chiến. Ảnh: Sinchi Foundation.

Hiện tại, trong khi cộng đồng Maori phản đối dữ dội thì các đối tác trong liên minh cầm quyền là đảng Quốc gia và đảng New Zealand First cũng tuyên bố họ sẽ không ủng hộ dự luật trở thành luật. Thủ tướng Christopher Luxon khẳng định ông không ủng hộ việc thông qua dự luật và muốn nó bị bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu ở lần đọc thứ hai. “Bạn không thể phủ nhận, chỉ bằng một nét bút, 184 năm tranh luận và thảo luận bằng một dự luật mà tôi cho là rất đơn giản”, người đứng đầu Chính phủ New Zealand nhấn mạnh.

Nhưng, mọi chuyện có thể vẫn còn phức tạp và khó đoán cái kết. Chuyên gia về luật và hiệp ước của người Maori, Carwyn Jones dự đoán cuộc tham vấn của ủy ban đặc biệt sẽ là “một quá trình gây chia rẽ rất lớn” và “gây tổn hại rất lớn đến sự gắn kết xã hội, đến lòng tin vào chính phủ”. Ông nhận định: “Sẽ có những người ở cả hai phía của cuộc tranh luận huy động lực lượng và chúng ta đã thấy các tổ chức đang cố gắng gieo rắc nỗi sợ hãi về sự tồn tại của người Maori và sự tồn tại của các quyền của người Maori”.

Nếu dự luật và cuộc trưng cầu dân ý sau đó thành công, luật liên quan sẽ được đánh giá lại theo các nguyên tắc mới này. Điều đó có thể gây ra một làn sóng kiện tụng tốn kém và có thể gây mất tập trung cho một chính phủ vốn đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào cuối năm 2025. Ông Dominic O'Sullivan - giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Charles Sturt - cho biết tình hình có thể thay đổi “dưới áp lực mạnh mẽ của công chúng”.

Hàng nghìn người Maori tuần hành tại New Zealand để phản đối “Dự luật Nguyên tắc Hiệp ước”. Ảnh: NBC News.

Hàng nghìn người Maori tuần hành tại New Zealand để phản đối “Dự luật Nguyên tắc Hiệp ước”. Ảnh: NBC News.

Giáo sư O'Sullivan nói: “Đảng Quốc gia đang chịu rất nhiều áp lực từ đối tác liên minh cấp dưới đòi họ thay đổi quan điểm và nếu dư luận ủng hộ dự luật này, tôi nghĩ việc đảng Quốc gia đổi ý vẫn hoàn toàn có thể xảy ra”. Theo ông, nếu được thông qua, dự luật sẽ làm giảm cơ hội của người Maori trong việc tác động đến các chính sách liên quan đến họ. “Dự luật Nguyên tắc Hiệp ước” cần được xem xét trong bối cảnh rộng hơn của nỗ lực đảm bảo lợi ích của người Maori”, ông O'Sullivan phân tích. “Bởi lẽ, sự bình đẳng mà đảng ACT đề cập cũng giống như việc nhiều người có gu ẩm thực khác nhau được mời đến dự tiệc nhưng tất cả đều phải uống cùng một loại bia”.

Quan điểm của người Maori và công chúng New Zealand nói chung sẽ thay đổi như thế nào trong 6 tháng tới vẫn còn phải chờ xem. Nhưng, ngay cả khi dự luật không được thông qua, công chúng vẫn có thể kiến nghị về một “cuộc trưng cầu dân ý do người dân khởi xướng”, dù những cuộc trưng cầu này không mang tính ràng buộc và cần có số lượng lớn người ký tên để tiến hành.

Trong khi đó, các nhà hoạt động người Maori gần như chắc chắn sẽ tiếp tục phản đối dự luật và ngăn chặn những thay đổi khác của chính phủ đối với chính sách dành cho họ. Một kịch bản như vậy có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến sự gắn kết cộng đồng và gây ra bất ổn cho New Zealand. Những cuộc biểu tình của người Maori trên khắp đất nước lúc này cũng như điệu nhảy haka ngay tại nghị trường Quốc hội của nhà lập pháp trẻ Maipi-Clarke mới chỉ là sự bắt đầu cho một làn sóng phản đối dữ dội hơn rất nhiều, nếu xung đột xã hội bị đẩy lên nấc thang mới bởi cái được gọi là “Dự luật Nguyên tắc Hiệp ước” của đảng ACT.

Nguyễn Khánh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/vu-dieu-haka-lam-rung-chuyen-chinh-truong-new-zealand-i750826/
Zalo