Vụ bê bối Movement Labs và Mantra làm rung chuyển thị trường tiền mã hóa
Các vụ thanh lý cưỡng bức, hợp đồng bí mật và những thỏa thuận ngầm đang buộc giới đầu tư phải suy nghĩ lại về cách thanh khoản được cấu trúc và ai là người đáng để tin tưởng.

Việc thị trường tiền ảo bị thao túng bởi các "tay chơi ẩn danh" khiến các công ty tham gia phải cảnh giác
Hai trong số những cú sập token hỗn loạn nhất năm nay (vụ bê bối MOVE của Movement Labs và sự sụp đổ OM do Mantra phát hành) đang gây chấn động trong ngành tạo lập thị trường tiền mã hóa.
Trong cả hai vụ, các cú lao dốc giá bất ngờ đã phơi bày những “tay chơi ẩn danh”, các đợt mở khóa token đáng ngờ và những thỏa thuận ngầm bị cáo buộc đã khiến các bên tham gia thị trường bị bịt mắt. Đáng chú ý, OM mất hơn 90% giá trị chỉ trong vài giờ vào cuối tháng 4 mà không có nguyên nhân rõ ràng.
Khác với lĩnh vực tài chính truyền thống, nơi nhà tạo lập thị trường cung cấp bảng giá mua-bán ổn định trên các sàn được quản lý, thì trong thị trường tiền mã hóa, các nhà tạo lập thường vận hành như những bàn giao dịch rủi ro cao.
Họ không chỉ đơn thuần cung cấp giá niêm yết; họ còn đàm phán suất phân bổ token trước khi dự án ra mắt, chấp nhận thời gian khóa token, cấu trúc thanh khoản cho các sàn tập trung và đôi khi còn nắm giữ cổ phần hoặc vai trò tư vấn trong dự án.
Kết quả là một không gian mờ mịt, nơi hoạt động cung cấp thanh khoản bị đan xen với các thỏa thuận riêng tư, mô hình token học và thậm chí là chính trị nội bộ.
Một bài điều tra của CoinDesk vào cuối tháng 4 tiết lộ rằng một số lãnh đạo của Movement Labs đã cấu kết với chính đối tác tạo lập thị trường của họ để “xả” số lượng token MOVE trị giá 38 triệu USD ra thị trường công khai.
Giờ đây, một số công ty đang tự hỏi liệu họ có quá dễ dãi khi đặt niềm tin vào các đối tác hay không. Làm sao để phòng ngừa rủi ro vị thế khi lịch mở khóa token không rõ ràng? Chuyện gì xảy ra khi các “thỏa thuận bắt tay” âm thầm vượt mặt các đề xuất của DAO (Decentralized Autonomous Organization hay tạm gọi là Tổ chức Tự trị Phi tập trung)?
Đại diện bộ phận tạo lập thị trường của Metalpha tại Hồng Kông (Trung Quốc) chia sẻ: “Chúng tôi hiện đang tiến hành nhiều cuộc thảo luận sơ bộ và buổi đào tạo với đội ngũ dự án hơn để đảm bảo họ hiểu đầy đủ về cơ chế tạo lập thị trường. Hợp đồng của chúng tôi hiện đã tiến hóa để ưu tiên sự phù hợp chiến lược dài hạn thay vì các chỉ số hiệu suất ngắn hạn, đồng thời lồng ghép các điều khoản bảo vệ cụ thể chống lại hành vi phi đạo đức như xả token quá mức hay làm giả khối lượng giao dịch”.
Đằng sau hậu trường, các cuộc thảo luận đang trở nên căng thẳng hơn. Các điều khoản giao dịch đang được soi xét kỹ lưỡng. Một số bàn thanh khoản đang xem lại toàn bộ phương pháp đánh giá rủi ro token. Những bên khác thì yêu cầu minh bạch hơn hoặc hoàn toàn rút khỏi các dự án mập mờ.
Ông Max Sun, người đứng đầu hệ sinh thái Web3 của Metalpha nhận định: “Các dự án giờ đây không còn tin tưởng vào danh tiếng ‘sang chảnh’ một cách dễ dãi nữa, nhất là sau khi chứng kiến ngay cả những cái tên lớn cũng có thể lợi dụng phân bổ ẩn hoặc tham gia vào hành vi bán token gây tổn hại. Kỷ nguyên của niềm tin mặc định đã chấm dứt”.
Phía sau bề ngoài hào nhoáng của các thông báo ra mắt token và thỏa thuận tạo lập thị trường là một lớp tài chính tiền mã hóa khác, tức thị trường OTC (Over-The-Counter, có nghĩa là thị trường phi tập trung hay thị trường thỏa thuận) thứ cấp, nơi các token bị khóa âm thầm được trao tay từ rất lâu trước khi thời điểm mở khóa chính thức diễn ra.
Những thỏa thuận “dưới gầm bàn” này thường được dàn xếp giữa các nhà đầu tư sớm, quỹ và nhóm syndicate, hiện đang làm méo mó động lực cung cầu và bóp méo cơ chế khám phá giá, theo nhận định của một số nhà giao dịch. Và đối với các nhà tạo lập thị trường, những người chịu trách nhiệm duy trì thanh khoản ổn định, đây đang trở thành một biến số ngày càng khó lường và nguy hiểm.
Nhà phân tích Min Jung (thuộc Presto Research — đơn vị điều hành một bộ phận tạo lập thị trường) cho biết: “Thị trường OTC thứ cấp đã thay đổi hoàn toàn cấu trúc ngành. Nếu bạn để ý các token có hành vi giá bất thường như $LAYER, $OM, $MOVE và những cái tên tương tự, chúng thường là những token được giao dịch tích cực nhất trên thị trường OTC thứ cấp”.
Jung nói thêm: “Cả lịch cung ứng lẫn lịch mở khóa giờ đã bị thao túng bởi các thỏa thuận ngoài thị trường này và với các quỹ có tính thanh khoản cao, thách thức thực sự là xác định chính xác khi nào nguồn cung thực sự được tung ra”.
Trong một thị trường nơi giá cả khó lường và nguồn cung được đàm phán sau cánh gà, rủi ro thực sự không phải là biến động, mà là việc tin rằng lượng token lưu hành thực tế đúng như những gì Sách trắng và đội ngũ sáng lập công bố.