Vòng xoáy bế tắc ở Dải Gaza

Ngày 20-5, Anh, Pháp và Canada ra tuyên bố chung kêu gọi Israel ngừng chiến dịch quân sự mới ở Dải Gaza và dỡ bỏ ngay các hạn chế đối với hàng viện trợ nhân đạo. Ba nước cũng cảnh báo có thể áp dụng các biện pháp cụ thể như trừng phạt có mục tiêu nếu yêu cầu không được đáp ứng.

Bất chấp phản đối

Tuyên bố nêu rõ, việc Israel cản trở hoạt động viện trợ hàng hóa thiết yếu vào Dải Gaza có thể vi phạm luật nhân đạo quốc tế; phản đối bất kỳ hành động nào nhằm mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây, vốn bị xem là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Ba nước trên ủng hộ các nỗ lực ngoại giao do Mỹ, Qatar và Ai Cập dẫn đầu nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức giữa Hamas và Israel; tái khẳng định cam kết đối với giải pháp hai nhà nước.

Đáp lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, tuyên bố này có thể khuyến khích các cuộc tấn công tương tự vụ Hamas tấn công Israel ngày 7-10-2023. Nhà lãnh đạo Israel khẳng định sẽ tiếp tục có các hành động tự vệ cho đến khi đạt được thắng lợi. Trước đó, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh nước này có kế hoạch duy trì quyền kiểm soát toàn bộ Dải Gaza và sẽ tiến hành chiến dịch cho đến khi đạt được các mục tiêu như các con tin còn lại phải được thả và phi quân sự hóa Dải Gaza.

 Binh lính Israel tại Dải Gaza. Ảnh: IDF

Binh lính Israel tại Dải Gaza. Ảnh: IDF

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Israel đang tiến hành chiến dịch quân sự mới ở Dải Gaza từ ngày 17-5, trong khi đã đình chỉ mọi hoạt động viện trợ chính thức cho Gaza từ ngày 2-3, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, các tổ chức cứu trợ và cả Liên hợp quốc.

“Vòng tuần hoàn chết”

Ngày 15-1, hơn 1 năm sau khi vòng xung đột mới giữa Israel và Palestine bùng nổ, Israel và Hamas cuối cùng đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza. Tuy nhiên, nền hòa bình mong manh này đã sớm bị phá vỡ. Từ ngày 18-3 đến nay, Israel khôi phục hoạt động quân sự nhằm vào lực lượng Hamas.

Tạp chí Tri thức thế giới (Trung Quốc) nhận định, Dải Gaza dường như đã rơi vào “vòng tuần hoàn chết”, không thể giải quyết bằng vũ lực hoặc đàm phán và đằng sau cục diện này là tranh chấp chủ quyền, quyền quản lý và an ninh. Về vấn đề chủ quyền, Liên hợp quốc và đông đảo cộng đồng quốc tế cho rằng, Dải Gaza là vùng đất của người Palestine và chủ quyền của nơi này thuộc về nhà nước Palestine.

Trong giai đoạn đầu của vòng xung đột Israel - Palestine lần này, mục tiêu chiến lược của Israel ở Dải Gaza là tiêu diệt hoàn toàn Hamas, giải cứu những con tin và phi quân sự hóa dải đất. Tuy nhiên, hơn 1 năm sau, mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn Hamas của Israel đã âm thầm chuyển sang mong muốn thôn tính Dải Gaza.

Về quyền quản lý Dải Gaza, Mỹ và Israel cho rằng, cả Hamas và Fatah đều không thể trở thành tổ chức quản lý Dải Gaza; phải xây dựng khuôn khổ quản lý Dải Gaza với Israel làm trung tâm.

Nói cách khác, Dải Gaza không được trở thành một bộ phận của nhà nước Palestine trong tương lai. Israel phải đảm bảo phi quân sự hóa Dải Gaza; quân đội nước này có quyền quay lại Dải Gaza bất kỳ lúc nào để tìm kiếm, bắt giữ và tiêu diệt những phần tử cực đoan nhằm ngăn chặn dải đất này trở thành mặt trận tiền tuyến đe dọa an ninh của Israel…

Theo nhận định của giới chuyên gia, kết quả của xung đột giữa Hamas và Israel sẽ không có bên chiến thắng và người dân thường trở thành nạn nhân lớn nhất.

MINH CHÂU tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vong-xoay-be-tac-o-dai-gaza-post796136.html
Zalo