'Gật đầu' hoãn thuế, Trung Quốc vẫn giữ chặt 'vũ khí' mạnh - đòn bẩy đàm phán thương mại với Mỹ

Bất chấp thỏa thuận hoãn thuế trong 90 ngày với Mỹ, Trung Quốc dường như vẫn duy trì kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động xuất khẩu đất hiếm, bảo vệ đòn bẩy quan trọng trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

Một tàu chở hàng đang dỡ quặng sắt nhập khẩu tại Cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, vào ngày 6/3. (Nguồn: Getty Images)

Một tàu chở hàng đang dỡ quặng sắt nhập khẩu tại Cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, vào ngày 6/3. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 4/4, Trung Quốc ra lệnh hạn chế xuất khẩu sáu kim loại đất hiếm nặng cũng như nam châm – sản xuất hoàn toàn hoặc 90% tại Trung Quốc. Các lô hàng chỉ có thể được xuất khẩu khi có giấy phép đặc biệt, nhưng hệ thống cấp phép này vẫn chưa đi vào hoạt động hoàn chỉnh.

Lệnh cấm này là biện pháp được Bắc Kinh đưa ra để đáp trả việc chính quyền Tổng thống Trump áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trước khi có thỏa thuận “đình chiến”, chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế quan bổ sung 145% với hàng hóa Trung Quốc, còn Bắc Kinh áp thuế quan 125% với hàng Mỹ để trả đũa.

Hiện tại, ngoài thuế đối ứng 10% theo thỏa thuận “đình chiến”, Mỹ vẫn duy trì thuế quan 20% liên quan vấn đề chất gây nghiện fentanyl đã áp dụng trước đó.

Đòn bẩy trong đàm phán

Hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh đang gỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu nam châm đất hiếm mới áp dụng. Thậm chí, theo các chuyên gia và người trong ngành, chính quyền Trung Quốc dường như đang tăng cường giám sát lĩnh vực này hơn.

Ông Jon Hykawy, Chủ tịch công ty tư vấn Stormcrow Capital có trụ sở tại Toronto (Canada) cho biết, những biện pháp kiểm soát nhằm đảm bảo rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không thiếu một số vật liệu cần thiết cho các ưu tiên trong nước.

Trong khi đó, bà Gracelin Baskaran, Giám đốc Chương trình an ninh khoáng sản quan trọng tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho hay, chế độ cấp phép xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tồn tại và có thể tồn tại trong một thời gian dài. Điều này cho phép Bắc Kinh duy trì đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ thời gian tới.

Bà nhận định: "Nếu Washington thay đổi chính sách thuế quan, Bắc Kinh có thể dễ dàng giữ lại các giấy phép cần thiết, đồng thời, trao cho đất nước tỷ dân quyền quyết định công ty hoặc quốc gia nào có thể tiếp cận khoáng sản đất hiếm của nước này".

Giấy phép xuất khẩu mới

Sau các cuộc đàm phán với Mỹ tại Geneva (Thụy Sỹ), Bộ Thương mại Trung Quốc đã xóa 28 công ty Mỹ khỏi danh sách kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng sử dụng kép trong 90 ngày và rút 17 công ty khỏi danh sách hạn chế thương mại và đầu tư khác. Nhưng Bộ này không đề cập bất kỳ thay đổi nào đối với việc kiểm soát xuất khẩu khoáng sản đất hiếm.

Trong khi đó, đất nước tỷ dân đã bắt đầu cấp giấy phép xuất khẩu nam châm đất hiếm - một động thái mà các chuyên gia cho rằng, hệ thống cấp phép mới đang được triển khai, thay vì nới lỏng các hạn chế.

Hai nhà sản xuất nam châm đất hiếm của Trung Quốc cho rằng, họ vừa nhận được giấy phép xuất khẩu các sản phẩm có chứa dysprosi và terbi - những nguyên tố trong các loại nam châm hiệu suất cao, thường được sử dụng ở ngành công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ và quân sự.

Theo các công ty, việc phê duyệt được cấp theo nguyên tắc “một lô, một giấy phép”, nghĩa là cần có giấy phép mới cho mỗi lô hàng và không thể tái sử dụng.

Ông Thomas Kruemmer, Giám đốc công ty chuỗi cung ứng khoáng sản và kim loại Ginger International Trade and Investment có trụ sở tại Singapore nhận thấy, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc được "thiết kế cụ thể để đối phó với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ".

Ông dự đoán, Bắc Kinh sẽ không từ bỏ biện pháp này.

Các quy định cấp phép cũng có thể giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới biết được nam châm đất hiếm sẽ được đưa đến đâu.

Một công nhân làm việc tại một mỏ đất hiếm ở huyện Nam Thành, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Một công nhân làm việc tại một mỏ đất hiếm ở huyện Nam Thành, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

"Vũ khí" của Trung Quốc

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ và các quốc gia khác đã phụ thuộc vào nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm của Trung Quốc - vốn khó khai thác, tốn kém và gây ô nhiễm môi trường.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Trung Quốc chiếm 61% sản lượng đất hiếm khai thác trên toàn cầu.

Với một số kim loại đất hiếm nặng như dysprosi và terbi, thị phần của nước này lên tới 99%. Đây là hai nguyên tố quan trọng cho sản xuất công nghệ năng lượng sạch, thiết bị quân sự và các ngành công nghiệp công nghệ cao khác.

Ngược lại, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ "gánh" hậu quả lớn nếu xảy ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Trung Quốc cung cấp 50% lượng khoáng sản nhập khẩu quan trọng của Mỹ trong năm 2024, bao gồm đất hiếm và các vật liệu chiến lược khác như yttri, antimon, bismuth và asen.

Việc giữ nguyên kiểm soát đất hiếm cho thấy, Bắc Kinh chưa sẵn sàng từ bỏ công cụ chiến lược quan trọng nhất của mình, đặc biệt trong bối cảnh các ngành công nghiệp Washington vẫn chưa thể tìm ra nguồn cung thay thế đáng tin cậy.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vào tháng 4/2025 không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh tận dụng vai trò thống trị trong ngành.

Năm 2010, Trung Quốc đã dừng các chuyến hàng đất hiếm đến Nhật Bản trong gần hai tháng vì tranh chấp lãnh thổ.

Vào cuối năm 2023, nước này đã áp đặt lệnh cấm đối với các công nghệ khai thác và tách đất hiếm.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đã hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng khác - có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu - bao gồm lệnh cấm hoàn toàn việc vận chuyển gali, germani, antimon và các loại vật liệu siêu cứng sang Mỹ.

Ông James Kennedy, Chủ tịch của Three Consulting, một công ty tư vấn về đất hiếm có trụ sở tại St Louis, Missouri cho hay, việc Trung Quốc kiểm soát đất hiếm, coban, gali và tất cả các vật liệu quan trọng này là một vũ khí địa chính trị có tác động chưa từng thấy.

Điều này tạo ra rất nhiều sự bất ổn nhưng cũng là một "vũ khí mạnh mẽ” của Bắc Kinh. Với "vũ khí" này, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phần nào yên tâm hơn khi đã có “con bài chiến lược” tại các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ trong tương lai.

(theo CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gat-dau-hoan-thue-trung-quoc-van-giu-chat-vu-khi-manh-don-bay-dam-phan-thuong-mai-voi-my-315002.html
Zalo