Vòng lặp du lịch khó thoát ở châu Âu
Trước tình hình quá tải quá mức và 'cạn' điểm đến thay thế, định giá động được cho là chìa khóa giúp ngành du lịch châu Âu thoát khỏi tình trạng này, theo chuyên gia.

Người dân tham gia biểu tình yêu cầu giảm giá thuê nhà tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 5/4. Ảnh: Ana Beltran/Reuters.
"Bạn muốn tránh đám đông ở Paris? Hãy đến Antwerp hoặc Bruges (Bỉ)!", đây là một trong số phương thức quảng bá của nhiều công ty du lịch ở châu Âu, trong bối cảnh du lịch quá mức.
Trên thực tế, năm 2024 đánh dấu một năm quan trọng đối với ngành du lịch toàn cầu, với lượng khách quốc tế đạt 96% so với mức trước đại dịch.
Song song đó, những câu chuyện về du lịch quá mức thống trị các tiêu đề truyền thông khắp châu Âu, chẳng hạn Venice áp dụng thuế du lịch, các thành phố như Amsterdam (Hà Lan) và Florence (Italy) đã thực hiện các hạn chế đối với việc cho thuê ngắn hạn và Acropolis của Hy Lạp giới hạn du khách hàng ngày ở mức 20.000 người...
Trong năm này, nhiều công ty du lịch cũng chuyển đổi lịch trình, hướng du khách đến vùng biển Caribbean. 4 tháng đầu năm 2025, tình trạng quá tải du khách vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
Sắp tới đây, châu Âu sẽ bước vào "cơn bão du lịch hè" với lượng khách được dự đoán cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, Forbes dẫn dữ liệu từ một nghiên cứu của Ủy ban Du lịch Châu Âu (ETC). Cũng trong báo cáo, khách du lịch có kế hoạch ở lại châu Âu lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Trước nguy cơ lặp lại tình trạng quá tải khách một lần nữa, nhóm phản đối lên kế hoạch biểu tình trên khắp châu Âu vào ngày 15/6, theo New York Times.
Tây Ban Nha "soán ngôi" Pháp về quá tải du lịch
Châu Âu đã gặp rắc rối vì du lịch quá mức kể từ năm 1843, khi Victor Hugo phàn nàn rằng "Biarritz (một xã ở Pháp) sớm tạo lối đi trên cồn cát, cầu thang trên vách đá, băng ghế trong hang động. Sau đó Biarritz sẽ không còn là Biarritz nữa; nó sẽ là thứ gì đó bị đổi màu, giống như Dieppe (Pháp) và Ostend (Belgium)".
Năm 2023, Pháp là quốc gia được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới với 72,4 triệu khách du lịch.
Chính phủ nước này cố gắng phân tán 80% khách du lịch đến địa điểm khác để giảm sức ép lên địa danh lịch sử như đảo Mont Saint Michel.
Tuy nhiên, theo Statista (công ty chuyên thu thập và trực quan hóa dữ liệu của Đức), Pháp có mật độ khách du lịch thấp hơn nước láng giềng là Tây Ban Nha. Chính người dân "xứ sở bò tót" là thành phần phản đối du lịch quá mức nhiều nhất trong năm 2024. Trong đó, nổi tiếng nhất là màn bắn súng nước vào du khách vào mùa hè năm ngoái.

"Du lịch giết chết thành phố", nhãn dán dán trên biểu ngữ của một nhà hàng, trong bối cảnh cuộc tuần hành chống lại giá nhà đất và tác động của du lịch đối với cư dân Quần đảo Balearic, ở Palma, Mallorca, Tây Ban Nha, ngày 5/4. Ảnh: Francisco Ubilla/Reuters.
Heepsy, nền tảng tiếp thị liên kết, tiến hành nghiên cứu và đưa ra danh sách các điểm đến đông đúc nhất châu Âu vào năm 2025 để giúp du khách quyết định nên đi đâu.
Đơn vị đánh giá sự đông đúc của một địa danh dựa trên 2 yếu tố: mật độ khách du lịch trên mỗi km vuông và số lượng hashtag trên Instagram. Mục đích là phản ánh sự tắc nghẽn vật lý và mức độ phổ biến điểm đến trên mạng xã hội.
Kết quả là Geneva (Thụy Sĩ), Paris (Pháp) và Rome (Italy) là ba thành phố có mật độ khách đứng đầu. Geneva có 8 triệu du khách hàng năm, dù diện tích chỉ là 15,93 km vuông. Trong đó, khu vực đài phun nước Jet d'Eau tập trung đông người nhất thành phố.
"Lỗ hổng trong việc quản lý điểm đến ở châu Âu là sự mất kết nối giữa mức độ phổ biến trên mạng xã hội và số lượng khách tối đa mà địa danh có thể phục vụ. Nói cách khác, lượng khách du lịch vượt ngưỡng sức chứa tối đa của các trung tâm du lịch với diện tích khiêm tốn có thể đe dọa đến trải nghiệm của du khách, cũng như chất lượng cuộc sống của người dân địa phương", Tabi Vicunã, người sáng lập Heepsy, nhận định.
Định giá động là cứu cánh?
Tăng mức thuế du lịch là phương án được nhiều quốc gia lựa chọn để hạn chế lượng khách.
Tuy nhiên, Statista nhận định các loại thuế nhập cảnh, khách sạn "quá rộng". Cách tiếp cận tốt hơn là sử dụng định giá động để phù hợp với cung và cầu.
"Thay vì áp dụng một mức giá cho cả năm, tại sao các đơn vị không tính phí nhiều hơn vào dịp cao điểm, đặc biệt là mùa hè, khuyến khích du khách đi du lịch trái mùa hoặc khi ít đông đúc hơn? Nguồn thu của các cơ sở lưu trú có thể ổn định quanh năm. Thuế khách sạn có thể được cấu trúc theo tỷ lệ phần trăm giá phòng, thêm vào chỉ số thời vụ", Forbes trích báo cáo của công ty Statista.
Một cuộc thăm dò toàn cầu của SiteMinder cho thấy 65% người tiêu dùng đồng ý với mức giá năng động này trong mùa cao điểm.
Trong bối cảnh nhu cầu du lịch châu Âu cao, du khách có thể cân nhắc mua bảo hiểm du lịch có điều khoản bảo vệ người tiêu dùng trước nạn quá tải, chẳng hạn bạn sẽ được hoàn tiền nếu một thị trấn hay một địa điểm đóng cửa vì quá đông, trong khi đã đặt trước...