Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo tại Bến Tre
Tại tỉnh Bến Tre, nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết bài toán việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến tận tay 5.483 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, góp phần cùng địa phương kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,63% xuống còn 2,05%.
Chúng tôi đến thăm “cơ ngơi” của vợ chồng anh Lê Hồng Phúc và chị Võ Thị Loan ngụ ấp Tân Thiện, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, và xuýt xoa trước những “quả ngọt” của hai anh chị sau khi được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 90 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm vào tháng 2/2024.
Anh Phúc chia sẻ, anh và chị “bén duyên” với nghề sản xuất chậu kiểng và làm cây cảnh bonsai. Những năm trước do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên đầu ra sản phẩm ảnh hưởng lớn, kèm theo đó là giá vật liệu tăng nên kinh tế gia đình gặp khó. Hiện, nhu cầu thị trường dần tăng trở lại nên gia đình anh cần vốn để mua cây giống, hoa kiểng, vật liệu để mở rộng sản xuất. May nhờ tiếp cận được nguồn tín dụng chính sách, nên vợ chồng anh giảm nỗi lo phải "vay nóng" bên ngoài để làm ăn.
Chị Loan chia sẻ thêm, nguồn vốn tín dụng chính sách với thời gian cho vay dài, lãi suất thấp thực sự là "phao cứu sinh" cho gia đình. Đối với chị, nguồn vốn trao tay như "chiếc cần câu" giúp chị giải tỏa được nỗi lo về vốn trong giai đoạn kinh tế khó khăn, an tâm sản xuất để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Năm 2025, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 10%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 99%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,12%; tăng ít nhất 10 xã không có nợ quá hạn; giảm 10% số tổ Tiết kiệm và vay vốn có nợ quá hạn, không còn tổ tiết kiệm và vay vốn có nợ quá hạn trên 2%; 100% đơn vị cấp huyện có chất lượng hoạt động giao dịch xã, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh xếp loại tốt; tối thiểu 95% tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, không còn tổ xếp loại trung bình, loại yếu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười đề nghị, năm 2025, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc huy động các nguồn vốn để thực hiện tín dụng chính sách xã hội; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng.
Đồng thời, các thành viên Ban đại diện, các tổ chức, cá nhân phối hợp với Ngân hàng Chính sách các cấp tổ chức thực hiện Đề án 7379/ĐA-UBND ngày 29/11/2023 của UBND tỉnh Bến Tre về “Tập trung huy động nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030”, nhất là tham mưu bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2025 để ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội; trong đó có cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở; tăng cường huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân và tiền gửi thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn; tiếp tục triển khai kế hoạch Ngày "Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt việc bình xét cho vay đảm bảo đúng quy định; tập trung thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng Tổ Tiết kiệm và vay vốn; có kế hoạch đôn đốc, xử lý nợ khoanh đến hạn; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của hội cơ sở, tổ tiết kiệm và vay vốn. Mặt khác, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bến Tre cần thực hiện hiệu quả việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ kiêm nhiệm, phối hợp thực hiện tín dụng chính sách xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại từng đơn vị…
Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre Trần Lam Thùy Dương cho biết, năm 2024 nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre đạt trên 4.481 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn cân đối chuyển từ trung ương trên 3.548 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương hơn 298 tỷ đồng. Tổng dư nợ của đơn vị hiện đạt trên 4.473 tỷ đồng, với 119.336 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ bình quân mỗi khách hàng là 37,49 triệu đồng.
Bà Trần Lam Thùy Dương thông tin cụ thể, trong năm 2024, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến tận tay 5.483 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; 1.881 hộ gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; 9.723 người lao động tạo việc làm tại địa phương, 390 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 26.431 hộ gia đình vay xây dựng, sửa chữa công trình nước sạch và công trình vệ sinh ở nông thôn, 2.339 hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn…
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần cùng địa phương kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,63% xuống còn 2,05%; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 2,59% xuống còn 2,23%; kéo giảm 3 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển; xây dựng thành công 113 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 46 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 19 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.