Vội mổ hạt giáp lành tính, người phụ nữ khỏe mạnh lãnh đủ kiểu biến chứng

Phát hiện nhân tuyến giáp và chọc sinh thiết nhiều lần đều là u lành nhưng bà D. vẫn mổ vì sợ để lâu hóa ung thư. Sau mổ, người phụ nữ gặp nhiều biến chứng.

Sau thông tin đăng tải trên báo VietNamNet về việc tầm soát ung thư tuyến giáp quá 'nhiệt tình', u bé cũng gợi ý mổ gấp, ngày 4/4, bác sĩ chuyên khoa II Dương Minh Tuấn – Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ câu chuyện, một bệnh nhân sinh thiết nhiều lần đều là u lành nhưng vẫn quyết định mổ vì sợ để lâu hóa ung thư.

Ông cho biết vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân tên D. (58 tuổi) khám kiểm tra lại hormone tuyến giáp, đánh giá khả năng phẫu thuật dây thần kinh thanh quản quặt ngược do đã liệt cả hai bên dây gây suy hô hấp sau mổ u tuyến giáp vì sợ bị ung thư.

Theo người nhà, bà D. phát hiện nhân tuyến giáp hai bên, đã chọc hút tế bào làm xét nghiệm nhiều lần, kết luận nhân lành tính, kích thước khoảng 8mm. Tuy nhiên, do lo lắng về nguy cơ tiến triển thành ung thư, bệnh nhân quyết định phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ.

Bệnh nhân đã không được tư vấn kỹ sau mổ để theo dõi các biến chứng, điều trị thay thế hormone.

Bác sĩ siêu âm tuyến giáp cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ siêu âm tuyến giáp cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Khoảng 1 tháng sau mổ, bà D. xuất hiện triệu chứng nói khàn do liệt dây thần kinh quặt ngược một bên - một biến chứng có thể gặp trong phẫu thuật tuyến giáp.

Vài năm sau, bệnh nhân dần mất tiếng, khó thở nhiều, đi khám phát hiện dây thanh quản còn lại cũng bị liệt và hình thành mô sẹo gây chèn ép, hẹp khe thanh môn nghiêm trọng, không thể thở được, buộc phải mở khí quản.

Ngoài vấn đề thanh quản, bệnh nhân còn bị tê bì mặt, co quắp tay chân thoáng qua nhưng không đi khám.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ chẩn đoán suy giáp nặng, hạ canxi máu. Từ một người phụ nữ khỏe mạnh, lao động bình thường, đến nay việc hít thở, nói chuyện của bà D. cũng hết sức khó khăn.

Theo bác sĩ Tuấn, tỷ lệ nhân giáp lành tính tiến triển thành ung thư khá thấp, dưới 5% trong các nghiên cứu dài hạn. Khi theo dõi (sau mỗi 6-12 tháng) nếu nhân giáp bắt đầu có đặc điểm nghi ngờ (như tăng sinh nhanh, bờ không đều, vi vôi hóa trên siêu âm), bác sĩ có thể cho chỉ định chọc hút tế bào lại để đánh giá.

Ông khẳng định không phải ai có nhân giáp cũng cần phẫu thuật. Nhân giáp lành tính kích thước nhỏ thường không cần cắt bỏ, trừ khi gây chèn ép khó thở, khó nuốt, hoặc nhân ác tính đã được xác định. Việc chỉ định phẫu thuật cần được bác sĩ chuyên khoa nội tiết hoặc ngoại khoa đánh giá kỹ.

Người phẫu thuật tuyến giáp toàn bộ, cần theo dõi sát hormone tuyến giáp và tuyến cận giáp. Nếu sau mổ bị khàn tiếng, khó thở kéo dài, cần khám sớm để kiểm tra tổn thương dây thanh quản.

Ngoài ra, các triệu chứng như tê bì, co cứng tay chân, nói khàn, khó thở có thể báo hiệu biến chứng nguy hiểm. Cần tái khám sớm để phát hiện và điều trị kịp thời.

“Phẫu thuật tuyến giáp cần được cân nhắc kỹ. Việc mổ cắt bỏ tuyến giáp khi không cần thiết cùng với việc không theo dõi điều trị sau mổ có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, thậm chí đe dọa tính mạng”, bác sĩ Tuấn nói.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/voi-mo-nhan-tuyen-giap-lanh-tinh-nguoi-phu-nu-lanh-du-kieu-bien-chung-2387789.html
Zalo