Vô tư... lãng phí

Sau đợt nghỉ lễ 30-4, tôi đi qua một tuyến đường đẹp thân quen, lòng khấp khởi mừng vì thấy tuyến đường đang được các công nhân trải lại thảm nhựa phẳng phiu, sạch đẹp.

Ấy thế nhưng chỉ nửa tháng sau, lại đã thấy người đem máy cắt, máy đào đến bới tung đoạn đường vừa trải lên. Mặt đường lại trở nên lồi lõm, nham nhở như mang những vết sẹo lớn.

Tình trạng người làm-kẻ phá như nêu ở trên diễn ra một cách “vô tư” đến mức phổ biến trong các đô thị của nước ta từ nhiều năm nay, nhưng dường như cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng chưa quan tâm. Thế nên nhiều tuyến phố trong các đô thị, nhất là các đô thị lớn, đều trở nên nham nhở và tạo thành những cái bẫy nguy hiểm đối với các phương tiện khi lưu thông. Ngoài mất mỹ quan đô thị thì đây còn là một sự lãng phí rất lớn nguồn lực, ngân sách.

Ảnh minh họa / baohaiduong.vn

Ảnh minh họa / baohaiduong.vn

Hiện tượng trên phản ánh sự yếu kém trong quy hoạch, quản lý hạ tầng đô thị, sự không thống nhất trong điều hành sửa chữa, nâng cấp hạ tầng của chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương. Vì vậy, cần phải xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương trong việc quản lý hạ tầng đô thị. Các cơ quan, đơn vị khi muốn sửa chữa hạ tầng của mình dứt khoát phải hiệp đồng, thống nhất với các bên liên quan để cùng thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp, nhằm chấm dứt hiện tượng người làm-kẻ phá như đã xảy ra lâu nay.

Khi buộc phải cắt phá để sửa chữa thì phải có cam kết hoàn trả nguyên trạng mặt đường và phải có thời hạn bảo hành. Cần phải nghiên cứu tiến tới đồng bộ hệ thống các công trình ngầm theo hướng Nhà nước xây dựng sẵn hạ tầng phục vụ việc lắp đặt các công trình ngầm (điện, nước, viễn thông...) và cho các cơ quan, doanh nghiệp thuê theo quy định của pháp luật. Chỉ khi nào chấm dứt được cung cách quản lý “năm bè bảy mối”, ai cũng có thể đào phá đường sá như hiện nay thì mới có thể tránh được sự lãng phí từ việc xây-phá.

TRẦN VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/vo-tu-lang-phi-829357
Zalo