Nghệ An: Nan giải trong bảo vệ tài nguyên
UBND tỉnh Nghệ An đã có chỉ đạo, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, rà soát toàn diện hoạt động khai thác tại 53 mỏ cát, sỏi. Việc này cho thấy, công tác quản lý tài nguyên đã trở thành thách thức đối với môi trường, đời sống người dân và sự đảm bảo an ninh - trật tự xã hội.
Trong buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tại huyện Tân Kỳ vào tháng 4/2025, người dân xóm Vân Nam, xã Bình Hợp đã lên tiếng phản ánh tình trạng khai thác cát, sỏi dọc theo sông Con ngày càng diễn ra rầm rộ, vượt quá nhu cầu xây dựng thông thường. Hoạt động này không chỉ gây ra biến đổi dòng chảy mà còn dẫn đến sạt lở đất, làm hạ thấp lòng sông và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng, đồng thời đe dọa đời sống sản xuất của người dân.

Tình trạng khai thác cát, sỏi tại Nghệ An vẫn nhiều phức tạp. Ảnh: Đ.B.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2025, hàng chục người dân xóm Tiên Quánh, xã Đồng Văn (huyện Thanh Chương) đã tập trung phản đối hoạt động hút cát trên sông Lam do một doanh nghiệp thực hiện. Hành vi hút cát với quy mô lớn đã khiến bờ sông nơi đây bị xâm thực nghiêm trọng, sạt lở ăn sâu vào đất canh tác, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều. Các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã vào cuộc kiểm tra và quyết định cắt giảm một phần diện tích mỏ cát đã cấp cho doanh nghiệp vi phạm.
Không chỉ vấp phải sự phản đối từ phía người dân, hoạt động khai thác khoáng sản tại nhiều địa phương còn đặt ra vấn đề nghiêm trọng về chấp hành pháp luật. Theo thống kê từ UBND tỉnh Nghệ An, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã bị phát hiện có hành vi khai thác vượt quá công suất cho phép, vi phạm quy định về đất đai, môi trường, nghĩa vụ tài chính… Cụ thể, UBND tỉnh Nghệ An đã từng ra quyết định xử phạt đối với các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Phú Hưng NA bị xử phạt gần 1,139 tỷ đồng do khai thác cát vượt công suất cho phép tới 149,94%; xử phạt Công ty TNHH Thành Phát Nghệ An 125 triệu đồng, Công ty CP Đầu tư Xây dựng & Thương mại Vũ Trường Giang 53 triệu đồng…
Trước thực trạng đó, ngày 18/4/2025, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1098/QĐ-UBND, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi tại 53 doanh nghiệp tại các huyện: Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Anh Sơn, Nam Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và thị xã Thái Hòa. Động thái trên cho thấy, thực trạng vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản không phải là cá biệt, mà đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp, đặt ra yêu cầu cấp bách về việc siết chặt kỷ cương trong công tác quản lý.
Ông Phùng Thành Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Nội dung kiểm tra bao trùm nhiều khía cạnh, từ việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường, an toàn lao động, việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cho đến nghĩa vụ tài chính, thuế… Đặc biệt, thời gian kiểm tra hoạt động của 53 doanh nghiệp này tính từ đầu năm 2020 đến thời điểm kiểm tra, nhằm rà soát tổng thể và truy trách nhiệm trong quá trình thực hiện dự án.
Cùng với việc triển khai kiểm tra các doanh nghiệp, vào tháng 4/2025, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1122/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 10 khu vực mỏ ở các huyện: Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Quỳ Hợp và thị xã Hoàng Mai.
Đáng chú ý, trong số này có 3 khu vực mỏ cát, sỏi thuộc diện điểm nóng tại huyện Thanh Chương. Các khu vực được đưa ra đấu giá hiện chưa có kết quả thăm dò chi tiết về trữ lượng và chất lượng khoáng sản. Theo kế hoạch, trong quý II/2025, các phiên đấu giá sẽ được tổ chức trực tiếp, theo phương thức trả giá lên.
Người dân các vùng ảnh hưởng kỳ vọng, sau đợt kiểm tra diện rộng lần này, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An sẽ nghiêm trị đối với những doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật, lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, việc cấp phép đối với các mỏ mới cần được rà soát, xem xét kỹ lưỡng ở nhiều góc độ, trước khi ban hành quyết định.