Vô tình nuốt răng giả khi ăn, dị vật thực quản nguy hiểm sao?
Nếu không may nuốt phải dị vật, cần đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời, không nên áp dụng các 'mẹo' dân gian có thể khiến dị vật trôi xuống dưới, gây khó khăn hơn trong việc điều trị.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam cho biết, một nam bệnh nhân 51 tuổi, (ở huyện Thăng Bình) được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nuốt đau, nuốt vướng, đau ngực, khó thở, không ăn uống được.
Qua khai thác bệnh sử người nhà bệnh nhân cho biết, trong lúc ăn, không may bệnh nhân nuốt phải răng giả nên được đưa vào viện.
Tại bệnh viện, qua thăm khám và tiến hành làm các xét nghiệm cấp cứu, chụp cắt lớp vi tính 32 lát cắt nhận định có dị vật đoạn C3-C5 dài 5cm, ngang 3cm, có móc thép.
Bệnh nhân sau đó được chuyển vào Khoa Gây mê - Hồi sức. Với sự phối hợp nhịp nhàng của đội ngũ y bác sĩ, ca phẫu thuật nội soi ống cứng đã diễn ra thành công, lấy ra dị vật là cung răng giả sắc nhọn.
Ca nội soi kéo dài khoảng 40 phút, dị vật được lấy ra có kích thước 3x5cm. Do cấu tạo của hàm răng giả có nhiều mấu, bám chặt vào thực quản, gây khó khăn hơn so với các dị vật thông thường khác.
Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, đang được theo dõi và điều trị.
Biến chứng của dị vật đường thở
Dị vật thực quản hay dị vật thức ăn thường là do tai nạn, nếu để lâu nguy cơ tử vong rất cao. Triệu chứng điển hình khi mắc dị vật thức ăn là tắc đường ăn và đường thở, làm cho người bệnh ho sặc sụa, hô hấp khó khăn, hiếm khi xuất hiện trường hợp tử vong ngay lập tức. Đa phần bệnh nhân sẽ cảm thấy vướng và đau họng hoặc cổ tại vị trí sau xương ức, dù nuốt thức ăn hay thậm chí là nước bọt đều có cảm giác đau. Tùy thuộc vào tính chất dị vật và thời gian phát hiện dị vật mà có thể xuất hiện tình trạng viêm nhiễm.
Các triệu chứng của bệnh nhân có thể được chia làm các giai đoạn điển hình là:
- Giai đoạn đầu: Nuốt đau, gặp khó khăn khi ăn uống. Nếu người bệnh cố gắng khạc nhổ hoặc ăn thêm cơm, rau có thể làm tình trạng chuyển biến xấu hơn, không nuốt cũng có cảm giác đau. Trường hợp dị vật thực quản, bệnh nhân sẽ đau ở vùng sau xương ức, đau xuyên qua lưng hoặc lên bả vai,...
- Giai đoạn viêm nhiễm: Thường xảy ra khi dị vật làm tổn thương niêm mạc thực quản hoặc thủng thành thực quản. Nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao khi hóc có cả xương và thịt. Người bệnh sẽ thấy các triệu chứng nuốt đau, đau cổ, đau ngực ngày càng tăng sau 1-2 ngày. Nếu để lâu có thể làm cho tình trạng càng nguy hiểm hơn và làm xuất hiện các biến chứng khác.
- Giai đoạn biến chứng: Nguyên nhân là do dị vật có chứa chất hữu cơ, từ đó gây ra viêm nhiễm do vi khuẩn. Tình trạng viêm tấy quanh cổ thường xuất hiện khi dị vật đâm thủng thành thực quản gây viêm thành thực quản lan tỏa, các mô liên kết trở nên lỏng lẻo. Bệnh nhân trong tình trạng sốt cao, suy sụp, nhiễm khuẩn thấy rõ tăng tiết nước bọt, hơi thở hôi.
Viêm trung thất: Nguyên nhân do dị vật đâm thủng thành thực quản. Bệnh nhân sốt cao, thân nhiệt giảm kèm theo đau ngực, khó thở,…
Biến chứng phổi: Có thể do dị vật làm thủng màng phổi gây viêm phế mạc mủ. Từ đó, ta thấy bệnh nhân có đầy đủ các triệu chứng của tràn dịch màng phổi kèm theo sốt cao, đau ngực, khó thở.