Người hen suyễn thở thế nào giúp phổi khỏe mạnh?

Để hỗ trợ nâng cao hiệu quả của thuốc và giảm khó thở, người bệnh hen suyễn có thể áp dụng các bài tập thở dưới đây...

1. Tác dụng của tập thở với bệnh hen suyễn

Những bài tập thở có thể giúp cải thiện nhịp thở, giảm triệu chứng của bệnh hen suyễn. Các kỹ thuật thở đặc biệt trong các bài tập thở giúp tăng cường sức mạnh, công suất và sức khỏe tổng thể của phổi. Vì thế tập thở có giá trị như một liệu pháp hỗ trợ bổ sung cho các phương pháp điều trị hen suyễn. Theo đó, kỹ thuật hít thở có tác động tốt đến bệnh hen suyễn như:

- Giảm tắc nghẽn phổi: Khi thực hiện các bài tập hít thở cho người hen suyễn, phổi sẽ được nạp nhiều oxy hơn và đào thải sạch carbon dioxide. Từ đó giúp loại bỏ sự tắc nghẽn bên trong phổi, phế quản. Khi đường hô hấp thông thoáng, cơ thể sẽ trao đổi khí dễ dàng hơn, giúp giảm thiểu nguy cơ bộc phát các cơn hen suyễn.

Các kỹ thuật thở có thể giúp tăng cường sức mạnh, công suất và sức khỏe tổng thể của phổi.

Các kỹ thuật thở có thể giúp tăng cường sức mạnh, công suất và sức khỏe tổng thể của phổi.

- Tăng dung tích phổi: Hít thở sâu sẽ làm tăng hiệu suất dung nạp không khí của phổi. Không khí sau khi được hít sâu vào, qua quá trình trao đổi khí sẽ đưa oxy đến khắp cơ thể. Khi tim và não được cung cấp đầy đủ oxy với lượng cần thiết giúp cơ thể vận hành hiệu quả. Cùng với việc thở ra và loại bỏ carbon dioxide góp phần ngăn ngừa các cơn ho và co thắt ngực bộc phát, đồng thời cũng giúp tim hoạt động tốt và mạnh hơn.

- Cải thiện chất lượng cuộc sống: Hít thở cải thiện sự tập trung và tăng năng suất làm việc. Khi cơ thể được cung cấp đủ oxy và đào thải sạch carbon dioxide không chỉ giúp hệ hô hấp khỏe mạnh mà cả hệ tuần hoàn, tiêu hóa cũng được cải thiện tốt lên. Từ đó giúp cơ thể giảm mệt mỏi, giảm căng thẳng...

2. Nên thở như thế nào?

Có nhiều bài tập thở cho bệnh nhân hen suyễn giúp rèn luyện lại nhịp thở, tăng sức mạnh của cơ hô hấp, cải thiện tính linh hoạt của lồng ngực... Tùy thuộc tình trạng sức khỏe và khả năng luyện tập để chọn bài tập thở phù hợp cho mình hoặc có thể tập thở theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Trong đó, bài tập thở bằng cơ hoành có thể phù hợp với nhiều bệnh nhân và khá dễ thực hiện.

Cơ hoành là cơ hình vòm bên dưới phổi. Khi thở bằng cơ hoành, cần học cách thở từ vùng xung quanh cơ hoành, thay vì từ ngực. Kỹ thuật thở này giúp tăng cường sức mạnh cơ hoành, làm chậm nhịp thở và giảm nhu cầu oxy của cơ thể.

Cách thực hiện thở cơ hoành:

- Để thực hiện bài tập thở bằng cơ hoành, cần nằm ngửa trên giường hoặc thảm tập, đầu gối cong và kê một chiếc gối dưới đầu gối; đặt một tay phẳng trên ngực, một tay trên bụng hoặc có thể ngồi thẳng trên ghế.

- Hít sâu vào từ từ bằng mũi để giúp làm ấm không khí. Bàn tay đặt trên bụng sẽ di chuyển theo luồng khí đi vào, bàn tay trên ngực vẫn giữ nguyên.

- Thở ra qua môi đang mím chặt. Thở ra bằng môi là kỹ thuật được sử dụng để giảm bớt tình trạng khó thở. Khi thở ra, mím môi như thể sắp huýt sáo và đếm đến 4.

Thực hành kỹ thuật thở này mà ngực không cử động là đạt hiệu quả tốt nhất. Thực hiện 5-10 lần động tác thở này cho mỗi lần tập.

Các động tác tập thở cơ hoành.

Các động tác tập thở cơ hoành.

3. Lưu ý khi tập thở với bệnh hen suyễn

Tập thở sẽ cải thiện được các triệu chứng của hen suyễn, nhưng nếu thở không đúng cách hoặc quá sức lại có thể khiến các triệu chứng hen suyễn trở nên trầm trọng hơn. Điều này là do, trong tập luyện, khi hít vào nhanh hơn khiến không khí đi vào phổi có thể lạnh hơn và khô hơn bình thường. Đối với bệnh nhân hen suyễn, sự thay đổi nhiệt độ có thể khiến đường thở bị thu hẹp, gây ra các triệu chứng hen suyễn như khó thở hoặc khò khè.

Để giảm nguy cơ gây ra triệu chứng hen suyễn do luyện tập, cần khởi động kỹ trước cho cơ thể ấm áp và hạ nhiệt sau khi tập xong. Trong khi hít vào người bệnh phải thực hiện một cách từ từ. Nếu thời tiết lạnh, nên luyện tập trong nhà, trong phòng ấm.

Để kịp thời xử trí các vấn đề có thể xảy ra trong khi tập luyện cần:

Luôn mang theo bên mình ống hít cắt cơn.
Nhận biết các tác nhân gây hen suyễn như không khí lạnh, ẩm; có phấn hoa, khói bụi và tránh chúng nếu có thể. Bởi khi hít sâu vào đồng thời cũng hít luôn các tác nhân gây ra triệu chứng hen suyễn khiến cơn hen có thể bộc phát.
Trong khi luyện tập nếu gặp các triệu chứng như thở khò khè, khó thở, ho... mà không dịu đi khi ngừng cử động, cần ngừng lại ngay và dùng ống hít cắt cơn.
Nếu đang luyện tập cùng người khác, hãy chia sẻ về tình trạng bệnh của mình để khi xảy ra sự cố, họ có thể giúp cấp cứu kịp thời.
Giảm luyện tập nếu đang bị cảm lạnh, vì nhiễm vi khuẩn, virus có thể làm cho các triệu chứng hen suyễn nặng hơn.

ThS. Nguyễn Minh Hiền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-hen-suyen-tho-the-nao-giup-phoi-khoe-manh-169250113095637023.htm
Zalo