Vợ mua gì cũng nâng lên đặt xuống nhưng đốt cả 'núi' vàng mã lại không tiếc

Vợ tôi rất tiết kiệm, Tết nhất chẳng sắm sửa gì nhiều nhưng sẵn sàng chi cả triệu đồng mua đồ vàng mã đốt 'để các cụ phù hộ', tôi nói bao năm vẫn không thay đổi.

Vợ chồng tôi trước đây đều là nhân viên văn phòng, nhưng do đồng lương ít ỏi, tháng nào cũng thiếu trước hụt sau nên vợ bỏ việc văn phòng về nhà bán hàng online.

Những năm trước, phần lớn thu nhập của gia đình đến từ vợ. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, việc bán hàng online khó khăn hơn nhiều nên nguồn thu giảm đi đáng kể. Thậm chí, gần đây, thu nhập của vợ thấp gần bằng lương tôi.

Từ ngày buôn bán ế ẩm, cả nhà buộc phải thắt chặt chi tiêu và vợ tôi trở thành tấm gương tiêu biểu trong việc tiết kiệm. Nhiều lần đi siêu thị cùng vợ, tôi phát bực vì nhặt cái gì lên cô ấy cũng kêu “trên mạng rẻ hơn” rồi không cho lấy. Trước đây, hai con tôi rất thích cùng đi siêu thị với bố mẹ nhưng nay chẳng đứa nào hứng thú nữa.

Vợ tôi đi siêu thị thì chỉ nhăm nhe tìm những thứ đang khuyến mãi hoặc gắn quà tặng thật hời, tính ra phải rẻ hơn giá ngoài chợ. Từ đồ ăn thức uống cho đến hóa mỹ phẩm hay đồ gia dụng, kiểu gì cũng phải có khuyến mãi cô ấy mới mua. Ví dụ, mục đích đi siêu thị của vợ tôi là mua nước giặt vì ở nhà sắp hết, nhưng nếu dạo một vòng thấy không có khuyến mãi thì cô ấy nhất định không mua, bảo về lên mạng canh mã giảm giá và săn khuyến mãi, thế nào cũng rẻ hơn, lại còn được giao hàng đến tận cửa, khỏi phải xách nặng.

Thịt thà, rau dưa cũng vậy, người ta thường đi buổi sáng cho tươi nhưng vợ tôi thì cuối ngày mới đi siêu thị mua để còn được giảm giá sâu. Nhiều lần tôi can ngăn vì đồ ăn thức uống như vậy sẽ không đảm bảo, các con còn nhỏ, bụng dạ yếu, lâu dài sợ sinh bệnh. Tuy nhiên, vợ luôn bỏ ngoài tai những lời này, thậm chí còn chống chế: “Đồ ở siêu thị có tem nhãn, hạn sử dụng đàng hoàng, kể cả mua buổi tối thì vẫn còn đảm bảo hơn mấy đồ không rõ nguồn gốc xuất xứ ngoài chợ”.

Biết tính vợ ngang bướng, lại hay cãi cùn nên sau này tôi kệ, không tham gia việc chi tiêu của cô ấy nữa. Thật sự mà nói, muốn tham gia cũng không được vì để tiêu pha thoải mái hơn thì thu nhập phải cao hơn, điều bất khả thi với vợ chồng tôi trong giai đoạn khó khăn này.

Thế nhưng dù dè sẻn từng đồng, vợ tôi lại không tiếc tiền mua vàng mã. Kể từ khi buôn bán khó khăn, cô ấy trở nên mê tín, sẵn sàng chi cả triệu đồng mua đồ vàng mã đốt để "gửi cho các cụ dưới đó” trong những dịp như rằm tháng Bảy hay cuối năm; các ngày rằm, mùng 1 hay ngày thần Tài mùng 10 hằng tháng cũng đốt không ít giấy mã.

Vợ mua gì cũng nâng lên đặt xuống nhưng đốt cả ‘núi’ vàng mã lại không tiếc. (Ảnh: Explore asia)

Vợ mua gì cũng nâng lên đặt xuống nhưng đốt cả ‘núi’ vàng mã lại không tiếc. (Ảnh: Explore asia)

Mấy ngày giáp Tết, trong khi tôi bù đầu dọn dẹp, vợ dắt xe ra ngoài sắm Tết, nhưng đồ ho gia đình thì ít mà đồ cho người âm thì nhiều. Quần áo cho các con mỗi đứa có một bộ diện Tết, nhưng “các cụ” thì chẳng thiếu thứ gì, ngoài tiền vàng ra thì quần áo mũ mão, giầy dép không biết bao bộ. Không chỉ vậy, cô ấy còn mua cả nhà lầu, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, điện thoại, tóm lại là "trang bị tận răng".

Thấy vợ mua nhiều nhưng cuối cùng cũng đốt hết, quá lãng phí, tôi bực mình lắm nhưng vẫn cố nhịn vì nghĩ Tết đến nơi, không muốn vợ chồng cãi nhau. Nhưng rồi có lúc tôi không nhịn được nữa và hai vợ chồng cãi nhau một trận to.

Hôm qua, trong lúc tôi dọn dẹp trên phòng thờ không để ý, con gái nhỏ 4 tuổi theo lên, tưởng mấy thứ đồ vàng mã vợ tôi chuẩn bị là đồ chơi nên bày hết ra… chơi đồ hàng, không may làm rách mấy thứ. Tôi mải làm không để ý lắm, đến khi vợ về thấy thế thì nổi trận lôi đình, vừa quát vừa tét vào mông con bé mấy cái rõ đau, làm nó khóc ầm nhà.

Việc vợ đánh con vì đống vàng mã đã chạm vào giới hạn chịu đựng cuối cùng của tôi. Tôi giằng lấy con và quát cho vợ một trận, hy vọng cô ấy tỉnh ngộ. Tôi nói hết những suy nghĩ đã dồn nén, nín nhịn của mình bấy lâu nay, rằng ý nghĩa của việc đốt vàng mã chỉ là tượng trưng, một chút cũng đủ tỏ lòng thành; chứ sao lại với người sống thì tiết kiệm từng đồng, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, lại đổ ra cả đống tiền mua đồ giấy về chỉ để đem đốt.

Thấy tôi nổi giận đùng đùng, vợ khóc ầm ĩ, bảo tôi không hiểu biết, ăn nói hàm hồ phạm đến các cụ. Cô ấy bảo vì tôi có những suy nghĩ báng bổ, phạm thượng ấy nên gia đình làm ăn cứ mãi thất bát, không ngóc đầu lên được. Vợ bảo cô ấy chi có vài đồng biếu các cụ để các cụ phù hộ cho cả nhà bình an, cuối cùng lại bị tôi phá bĩnh, nếu có chuyện gì không hay xảy ra năm tới là tại tôi.

Tôi thực sự bất lực với vợ, từ hôm qua đến giờ chưa ai thèm nói chuyện lại với ai, cứ nhìn thấy nhau là tức. Tết nhất đến nơi không thể cứ chiến tranh lạnh mãi, tôi có nên chủ động làm lành không? Làm sao để vợ tôi bớt mê tín và cô chấp?

Tuấn Hoàng

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vo-mua-gi-cung-nang-len-dat-xuong-nhung-dot-ca-nui-vang-ma-lai-khong-tiec-ar920360.html
Zalo