'Vỡ đất, vỡ cát' trên quê hương mới Tân Kỳ

Sau khi đón hơn 2 vạn đồng bào Vĩnh Linh về sơ tán, một loạt vấn đề mới nảy sinh như chuyện ăn, chuyện ở, chuyện học hành… Trên đất Tân Kỳ, những phong trào 'nghĩa tình' đã ngay lập tức được phát động để bà con sớm an cư.

Vào những năm 1965-1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền bắc, tăng cường khủng bố, tàn phá miền nam. Thời kỳ đó, khu vực Vĩnh Linh và Quảng Bình là nơi bị địch đánh phá ác liệt nhất, trở thành “tọa độ lửa”. Người dân tuyến lửa đã phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom, đạn. Xóm làng bị cày nát bởi sự khốc liệt của chiến tranh. Cuộc sống của nhân dân chuyển hẳn xuống hầm hào, địa đạo.

Nhận định chiến tranh còn kéo dài, Trung ương Đảng đã đề ra Kế hoạch K8 (tức triển khai từ tháng 8/1966) và K10 (triển khai tháng 10/1967) nhằm di dân ra khỏi vùng chiến sự ác liệt, giảm mật độ dân số ở tuyến lửa, đồng thời “gìn giữ lực lượng và nòi giống”, bảo đảm cho lực lượng ở lại chiến đấu yên lòng đánh giặc. Hàng vạn đồng bào Vĩnh Linh đã được chuyển ra các tỉnh phía bắc, và hơn cả tầm của một cuộc sơ tán, hành trình của những người dân từ tuyến lửa ra vùng hòa bình đã trở thành một cuộc thiên di chưa từng có trong lịch sử. Và cho đến hôm nay, cuộc thiên di ấy vẫn in hằn trong ký ức những người con nặng tình nghĩa “quê chung”…

Cùng với nhiều địa phương miền bắc, Tân Kỳ (Nghệ An) là mảnh đất đã cưu mang, che chở đồng bào từ Quảng Trị sơ tán ra theo kế hoạch K10 khi vùng giới tuyến bị bom Mỹ đánh phá dữ đội những năm 1967-1972… Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nghĩa tình ấy luôn được các thế hệ cán bộ và nhân dân hai huyện không ngừng vun đắp và đã trở thành mối quan hệ đặc biệt với tên gọi “Quê chung”.

Sau khi đón hơn 2 vạn đồng bào Vĩnh Linh về sơ tán, một loạt vấn đề mới nảy sinh như chuyện ăn, chuyện ở, chuyện học hành… Trên đất Tân Kỳ, những phong trào “nghĩa tình” đã ngay lập tức được phát động để bà con sớm an cư.

Những ngày tháng 6 lịch sử, theo Quốc lộ số 7 lên đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi đến xóm Tiền Phong, xã Kỳ Sơn để tìm gặp ông Nguyễn Hoa Sơn, một nhân chứng trực tiếp chứng kiến những ngày đầu “vỡ đất” mới Tân Kỳ của hơn 2 vạn đồng bào Vĩnh Linh những năm 1968-1972.

Vào thời điểm ấy, ông Sơn đã ở tuổi trưởng thành nên còn nhớ như in không khí khẩn trương của chiến dịch.

“Năm đó, tôi vừa tròn 18 tuổi. Mẹ tôi là bà Trần Thị Ái lúc này nhận 3 bác trung tuổi về ở cùng với gia đình trong căn nhà nhỏ. Đồ ăn, đồ uống có chi thì dùng đấy. Chung nhau đến cả cái mươn (mâm), cái giường”, ông Sơn nhớ lại.

Đồ ăn, đồ uống có chi thì dùng đấy. Chung nhau đến cả cái mươn (mâm), cái giường.

Ông Nguyễn Hoa Sơn

Cũng tại Kỳ Sơn, gia đình ông Đậu Văn Khoa chủ động đón 6 người từ thị trấn Hồ Xá về ở chung. Căn nhà gianh nhỏ chỉ chừng 30m2 sát rú trở thành nơi sinh hoạt của cả 12 người lớn bé. Mọi khẩu phần nhân đôi, nhưng không gian lại chia nửa. Bữa cơm ngày thường cũng vì thế chộn rộn hơn, khi líu ríu tiếng con trẻ, tiếng chuyện trò râm ran về ngày mùa đang tới gần.

“Nỏ ai than thở điều mô. Ba mẹ chỉ dặn chúng tôi phải thương lấy các anh, các chị như ruột thịt vì các anh, chị đã phải xa quê hương, dòng tộc rồi”, bà Đậu Thị Danh, con gái ông Khoa kể.

Ba mẹ chỉ dặn chúng tôi phải thương lấy các anh, các chị như ruột thịt vì các anh, chị đã phải xa quê hương, dòng tộc rồi.

Bà Đậu Thị Danh

Quãng thời gian đó, nhiều câu chuyện, kỷ niệm không thể nào quên về tình cảm của bà con 2 huyện dành cho nhau.

Người dân Nghĩa Đồng vẫn thường nhắc đến câu chuyện hai gia đình ở chung một nhà, chỉ có một chiếc chiếu cói để nằm ngủ nhưng không gia đình nào chịu nằm cứ nhường đi nhường lại cho nhau rồi cuối cùng đem… kê đầu.

Bà Ngô Thị Lộc ở xã Nghĩa Đồng thì đặc biệt nhớ đến những chiếc bàn thờ… chia đôi khi kế hoạch K10 thực hiện. Bà Lộc kể, đồng bào từ miền nam ra bắc không mang theo nhiều đồ đạc, thế nhưng, ai cũng cầm theo bài vị của tổ tiên. Đúng vào dịp giáp Tết, thế là, ngoài nhường cơm, sẻ áo, những “gia chủ” tại Tân Kỳ lại chủ động chia đôi bàn thờ để bà con từ Quảng Trị đặt bài vị, bát hương vọng về tổ tiên.

Ngoài nhường cơm, sẻ áo, những “gia chủ” tại Tân Kỳ lại chủ động chia đôi bàn thờ để bà con từ Quảng Trị đặt bài vị, bát hương vọng về tổ tiên.

Bên cạnh đó, để sớm ổn định cuộc sống, chỉ ít ngày sau khi dừng chân, được sự giúp đỡ tận tình của tỉnh Nghệ An và Huyện ủy, Ủy ban hành chính huyện Tân Kỳ, bà con ở quê mới gấp rút bắt tay vào phát rẫy làm nương, xây dựng nhà cửa. Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất Vĩnh Linh cũng được thành lập. Ai giỏi nghề nông sẽ ra cánh đồng, người thạo xây dựng thì vào nhóm kiến thiết. Riêng 3 bác Triều, Đen và Phú ở nhà ông Sơn vốn là thợ cắt tóc lành nghề nên ngay lập tức đứng ra xin thành lập… tổ cắt tóc phục vụ nhân dân.

Nói là làm, nhóm 3 người nhờ cánh thanh niên trai tráng trong xã lên rừng chặt tre, dựng quán ở đầu làng rồi chuyển đồ nghề là bộ kéo đen bóng, sắc lẻm ra. Một tấm biển nguệch ngoạc viết bằng phấn được treo lên tấm liếp phía ngoài. Một “tiệm cắt tóc” công ích nhanh chóng ra đời. Đám trẻ con làng Tiền Phong nhốn nháo cả lên vì… nghề lạ nên chốc chốc lại chạy tới đòi… hớt tóc. Tiếng kéo chạm nhau xoèn xoẹt, tiếng nô đùa vang cả một triền quê.

“Các bác sáng sớm đã ra quán, trưa và tối mới về nhà chúng tôi dùng cơm. Lúc nào các bác cũng lạc quan vui vẻ, ít ai biết, cả 3 người đều đã mất hết gia đình vợ con và anh em do bị trúng bom Mỹ. Với chính sách của Đảng và Nhà nước lúc đó, các bác thuộc diện phải sơ tán là để “duy trì nòi giống tổ tiên...”, ông Sơn kể.

Cũng giống như bao người Quảng Trị cần cù, chịu thương, chịu khó và luôn vượt lên hoàn cảnh đau thương, mất mát, các bác ra sức làm lụng để không có thời gian đau buồn và “không thể ngồi không ăn cơm của bà con ở đây được”. Ngoài giờ làm chính, 3 bác xin một mảnh đất để trồng sắn sát bờ ruộng xóm 7. Cứ chập tối, họ lại dẫn lũ trẻ ra cánh đồng ấy, để chúng chơi đùa rồi cặm cụi xới đất, vun gốc, tưới cây.

Những người Vĩnh Linh khác như ông Tuy, bà Lạt (ở nhà ông Đậu Văn Khoa) thì tranh thủ đi cất vó, bắt thêm con tôm, cái tép, muối dọc mùng chua để bán hoặc góp thêm vào bữa ăn chung. Họ chẳng nề hà điều gì, sẵn sàng cống hiến hết sức mình trên quê hương mới. Nhiều kinh nghiệm trong canh tác, chế biến của Vĩnh Linh được bà con các dân tộc huyện Tân Kỳ học tập, ứng dụng có hiệu quả.

Ông Sơn cho tới tận bây giờ vẫn nhớ hình ảnh những o, những mệ từ Vĩnh Linh khoác trên mình bộ quần áo đen bạc màu, đầu bối tóc, miệng ngậm thuốc lá vấn miệt mài trên những cánh đồng nắng cháy. Các o, các mệ dạy người Tân Kỳ cách chế biến sắn, cách cải tiến kỹ thuật cây trồng như đào hố sâu, làm đất kỹ… Họ thậm chí còn du nhập 2 loại cây trồng mới là hồ tiêu và dong riềng về địa phương. Những cây hồ tiêu đến bây giờ đã được trồng khắp các vườn ở Tân Kỳ.

Theo số liệu thống kê, sau hơn 5 năm có mặt tại Tân Kỳ, hơn 2 vạn đồng bào Vĩnh Linh nói riêng, Quảng Trị nói chung đã để lại cho mảnh đất phía Tây Nghệ An hơn 1.785ha đất mới khai hoang, 155ha sắn mới trồng, cùng hàng ngàn tấn lương thực trong kho lương các hợp tác xã.

Tới tận ngày nay, nhiều mảnh đất thậm chí vẫn được đặt tên theo danh tính của người Vĩnh Linh như những đồi Ông Cừu, Ông Nghiệp, đồi Bà Đen, Bà Thắm… như một dấu tích của giai đoạn nhân dân hai địa phương chung tay “vỡ đất” Tân Kỳ.

Ổn định xong việc ăn ở, sản xuất, nhiệm vụ tiếp theo là lo học hành cho thế hệ tiếp theo. Tháng 11/1967, Trường cấp 3 Vĩnh Linh cũng được di chuyển ra Tân Kỳ.

Trang vàng tại phòng truyền thống của Trường trung học phổ thông Vĩnh Linh tại Quảng Trị ghi lại: Năm 1967, chiến tranh ngày càng ác liệt. 13 giờ ngày 13/7/1967 đế quốc Mỹ tung con bài cuối cùng, dùng máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm xuống Vĩnh Linh.

Để bảo đảm an toàn cho các thế hệ tương lai, duy trì kế hoạch giáo dục vùng tuyến lửa; thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Khu vực; cùng các cơ sở giáo dục khác ở Vĩnh Linh, trường cấp 3 Vĩnh Linh đã thực hiện kế hoạch sơ tán ra miền Bắc.

“Cuộc thiên di lịch sử của thầy và trò nhà trường bắt đầu từ tháng 8/1967, ròng rã hơn 3 tháng, đằng đẵng vượt quảng đường hơn 400km giữa điệp trùng núi rừng, qua bao đèo cao, vực sâu; vượt thác lũ mưa ngàn, chịu bao vất vã gian truân; đi trong mưa bom bão đạn, trong nổi nhớ quê hương, người thân, bè bạn… Trong cuộc vạn lý trường chinh vô cùng gian khổ ấy đã có những người thầy và học sinh anh dũng ngã xuống, gửi thân xác dọc đường. Một lần nữa, máu lại đổ cho sự nghiệp trồng người của nhà trường”.

- - Theo Trang vàng - -

Mảnh đất Tân Kỳ-Nghệ An dẫu còn bao khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc nơi đây đã giang rộng vòng tay đón nhận những "hạt giống đỏ" của quê hương Vĩnh Linh. Những ngày đầu nơi đất khách quê người thật bỡ ngỡ, nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Kỳ; đặc biệt là nhân dân 3 xã Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn, Hương Sơn; trường đã sớm ổn định nơi ăn, chốn ở để bắt đầu tổ chức dạy và học.

Năm học đầu tiên chính thức được khai giảng vào ngày 1/12/1967, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của Trường trên quê hương Xô Viết ấm áp nghĩa tình. Thầy giáo Phan Hữu Thành, nguyên giáo viên trường cấp 3 Vĩnh Linh kể lại: Tốt nghiệp Khoa Sinh học, trường Đại học Vinh, thầy được phân về Tân Kỳ dạy học. Thời điểm đó, thầy Thành đã phải đi bộ nhiều ngày từ trung tâm tỉnh lỵ tới huyện miền Tây Nghệ An nhận lớp.

Vào thời điểm này, trường được chia thành nhiều điểm chính, đóng rải rác ở các xã. Học sinh tập trung trong các dãy nhà được dựng bằng tranh tre, mái lá. Thầy Thành được giao phụ trách lớp 8M, chủ yếu là các em tới từ các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Trung của huyện Vĩnh Linh.

“Các em đều rất ngoan ngoãn và lễ phép; đặc biệt rất rắn rỏi và cố gắng”, thầy Thành nhớ lại đồng thời cho biết thêm, tính tới năm học 1971 - 1972, tổng số học sinh lên đến 2.312, và trở thành ngôi trường nội trú lớn nhất miền bắc lúc bấy giờ.

Đáng nhớ hơn cả phải kể đến giai đoạn tháng 4/1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, từ mái trường này, 181 học sinh đã viết đơn bằng máu, tình nguyện “xếp bút nghiên” hăng hái lên đường nhập ngũ. Ðược cấp trên chấp thuận, họ đã lập thành Ðại đội K8, chiến đấu ngoan cường và lập công xuất sắc tại chiến trường Quảng Trị quê hương. Nhiều người đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất Thành Cổ. Với riêng thầy Thành, đó cũng là cuộc chia tay nhiều nước mắt nhất. Nhiều em chưa kịp cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay đã ra chiến trận. Không ít người trong số này cũng vĩnh viễn nằm lại trên chính mảnh đất Quảng Trị yêu thương.

Ông Đậu Văn Hồng (sinh năm 1968) ở xã Kỳ Sơn kể cho chúng tôi một câu chuyện khác về việc ăn, học của học sinh Vĩnh Linh giai đoạn này. Chuyện rằng, gia đình ông nhận 6 người trong một gia đình về chung sống. Năm 1972, sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, cả nhà quyết định trở lại quê hương bên bờ Bến Hải. Duy chỉ có Nam, người con trai đang theo học dang dở ở lại. Thế là, gia đình nọ quyết định… gửi anh lại Tân Kỳ để hoàn thành nốt chương trình.

“Lúc ấy, tất cả chúng tôi đều coi anh Nam như người nhà rồi. Cha mẹ tôi nói: Anh chị cứ yên tâm về nam, để cháu lại, không cần lo chi cả. Mãi 4 năm sau, tới năm 1976, anh mới học xong và trở về Vĩnh Linh”, ông Hồng chia sẻ.

Quãng thời gian ấy là minh chứng cho tinh thần tương thân, tương ái, lòng quả cảm và tình đoàn kết bền chặt của nhân dân hai miền nam bắc.

Thầy giáo THÀNH

“5 năm với một đời người có lẽ không quá dài. Nhưng 5 năm với riêng tôi và những người Vĩnh Linh ở Tân Kỳ giai đoạn 1968-1972 lại chẳng bao giờ có thể bị lãng quên. Quãng thời gian ấy là minh chứng cho tinh thần tương thân, tương ái, lòng quả cảm và tình đoàn kết bền chặt của nhân dân hai miền nam bắc” - thầy Thành trầm ngâm bộc bạch.

Có lẽ cũng chính vì lẽ ấy, ngay cả khi trường cấp 3 Vĩnh Linh chuyển lại về bên dòng Bến Hải, thầy vẫn xin ở lại, gắn bó với mảnh đất miền Tây này tới tận lúc nghỉ hưu.

Báo Nhân Dân

Theo special.nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/vo-dat-vo-cat-tren-que-huong-moi-tan-ky-221400.html
Zalo