VN-Index về sát mốc 1.200 điểm, nhiều mã vừa và nhỏ vẫn dậy sóng

Áp lực bán gia tăng trên diện rộng khiến các nhóm đua nhau giảm điểm, đã khiến VN-Index có thời điểm lùi về sát mốc 1.200 điểm. Tuy nhiên, thị trường vẫn đón những 'điểm nóng' ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Sau 2 phiên hồi phục nhẹ, thị trường đã quay đầu điều chỉnh giảm trong phiên sáng 21/4. Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đảo chiều, trong đó, nhóm chứng khoán đi đầu với sắc đỏ bao phủ toàn ngành, đẩy VN-Index về dưới mốc 1.210 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn giao dịch ảm đạm. Bên cạnh lực cầu tiếp tục giao dịch thận trọng, áp lực bán vẫn dâng cao khiến VN-Index khó bật hồi. Chỉ số VN-Index duy trì đà giảm điểm và sau gần 1 giờ mở cửa phiên chiều, khi tiệm cận vùng giá 1.200 điểm, thị trường mới bật hồi đôi chút trước khi kết phiên.

Thị trường khép lại phiên đầu tuần với mức giảm hơn 12 điểm khi sắc đỏ chiếm gần gấp đôi số mã tăng, đáng chú ý là thanh khoản sụt giảm khá mạnh, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang giao dịch khá thận trọng. Điểm tích cực chính là thị trường tiếp tục “bảo vệ” tốt ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm dù cổ phiếu lớn VIC tiếp đà giảm mạnh.

Đóng cửa, sàn HOSE có 181 mã tăng và 339 mã giảm, VN-Index giảm 12,05 điểm (-0,99%) xuống 1.207,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 880,9 triệu đơn vị, giá trị 18.641 tỷ đồng, giảm 17,76% về khối lượng và 13,57% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 18/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 61,73 triệu đơn vị, giá trị 1.244,9 tỷ đồng.

Nhóm VN30 dù có một số mã hồi phục sắc xanh hoặc tăng tốt hơn trong phiên chiều, nhưng sức ép gia tăng ở mã lớn VIC, đã khiến nhóm này giảm gần 12 điểm.

Trong đó, điểm sáng là cổ phiếu STB bất ngờ có pha tăng tốc ấn tượng khi có thời điểm khoe sắc tím và đóng cửa ghi nhận mức tăng 4,9% lên mức 40.450 đồng/CP với thanh khoản đạt 34,15 triệu đơn vị.

Ngoài ra, cặp đôi khác của dòng bank là SHB và TPB cũng nới rộng biên độ tăng khi cùng đóng cửa tăng 2,7%, với thanh khoản lần lượt đạt gần 82,5 triệu đơn vị và gần 16 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu VIC dù đã được khối ngoại “quay xe” mua ròng gần 2,5 triệu cổ phiếu, nhưng áp lực xả bán của nhà đầu tư trong nước đã khiến mã này tiếp tục nằm sàn. Đóng cửa, VIC giảm 7% xuống mức 61.500 đồng/CP với thanh khoản đạt gần 15,5 triệu đơn vị. Chỉ tính riêng VIC đã lấy đi gần 4 điểm của chỉ số chung; còn bộ đôi VHM và VRE đều đóng cửa đứng giá tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, NVL vẫn là điểm nóng khi đóng cửa tăng 6,5% lên mức giá trần 10.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 24,5 triệu đơn vị và dư mua trần 1,66 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm chứng khoán vẫn là nhóm giảm mạnh nhất thị trường. Trong đó, HCM tiếp tục nới rộng biên độ, đóng cửa giảm 6,3% xuống mức thấp nhất trong ngày 24.400 đồng/CP, VIX, VND, SSI đều giảm gần 2%, BSI giảm 5%, VCI giảm 3,6%, FTS giảm 4,6%...

Đứng ở vị trí tiếp theo là nhóm bất động sản bởi gánh nặng chính đến từ VIC, và nhóm nguyên vật liệu với HPG giảm 2% về mức thấp nhất trong ngày.

Nhóm ngân hàng dù có một vài tín hiệu lạc quan hơn nhưng vẫn không thoát khỏi xu hướng giảm nhẹ bởi sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trong ngành, đáng kể là BID giảm gần 2%.

Trên sàn HNX, thị trường khó hồi phục do áp lực bán vẫn diễn ra trên diện rộng thị trường.

Đóng cửa, sàn HNX có 62 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index giảm 1,63 điểm (-0,76%) xuống 211,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 62,43 triệu đơn vị, giá trị gần 1.005 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 17,57 triệu đơn vị, giá trị 118,3 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận 8,7 triệu đơn vị, giá trị gần 135 tỷ đồng.

Ở nhóm HNX30, cổ phiếu PVS là điểm sáng khi tiếp tục khởi sắc hơn trong phiên chiều, đóng cửa tăng 3,5% với thanh khoản thuộc top 3 mã dẫn đầu thị trường, đạt 4,9 triệu đơn vị.

Trong khi đó, SHS vẫn sôi động nhất khi có 16,75 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 1,4%; CEO giảm 1,6% và khớp 6,72 triệu đơn vị, MST giảm 1,7% và khớp 4,58 triệu đơn vị, MBS giảm 2,6% và khớp 4,36 triệu đơn vị.

Cổ phiếu IDC rung lắc và đảo chiều sau tín hiệu khởi sắc của phiên sáng, đóng cửa giảm nhẹ 0,3% với thanh khoản đạt 1,83 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, điểm sáng là cặp đôi SVN và AAV. Đóng cửa, SVN vẫn giữ đà tăng kịch trần, còn AAV tăng 7,4%, với thanh khoản cùng đạt hơn 1,2 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm điểm suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,43%) xuống 90,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,74 triệu đơn vị, giá trị 380 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,37 triệu đơn vị, giá trị 202 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhóm phân bón là DDV vẫn là điểm sáng của thị trường. Đóng cửa, DDV tăng 8,6% lên mức 20.100 đồng/Cp với thanh khoản đạt hơn 5,65 triệu đơn vị.

Ngoài ra, DRI tăng 4,8% lên mức 11.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,75 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 1 hợp đồng tăng và 3 hợp đồng giảm, trong đó hợp đồng VN30F2505 tăng 1 điểm, tương đương +0,1% lên 1.291 điểm, khớp gần 226.180 đơn vị, khối lượng mở đạt 36.136 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CSTB2409 có thanh khoản tốt nhất, đạt gần 3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 31% lên 1.520 đồng/cq; tiếp theo là CACB2403 khớp gần 2,7 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 50% xuống mức 20 đồng/cq.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/vn-index-ve-sat-moc-1200-diem-nhieu-ma-vua-va-nho-van-day-song-post367903.html
Zalo