Khoa học công nghệ mở đường cho nông sản Bắc Trung Bộ bứt phá

Trong bối cảnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với yêu cầu phát triển bền vững, nhiều địa phương khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt là tỉnh Thanh Hóa, đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đây được xem là hướng đi chiến lược, góp phần gia tăng giá trị nông sản và cải thiện thu nhập cho người dân.

Từ lâu, KH&CN thường bị xem là lĩnh vực xa rời thực tiễn sản xuất. Thế nhưng, tại Thanh Hóa, tư duy này đang dần thay đổi. Các nhiệm vụ KH&CN ngày càng bám sát nhu cầu thực tế của nông dân, được đặt hàng theo định hướng thị trường và triển khai bởi mạng lưới hợp tác chặt chẽ giữa trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chính quyền.

Tiêu biểu là mô hình nuôi cá trắm đen, cá bống, cá chép V1 trong lồng theo chuỗi giá trị tại các hồ chứa thủy lợi. Dưới sự dẫn dắt của Trường Đại học Hồng Đức, mô hình này đã tận dụng hiệu quả diện tích mặt nước bỏ hoang, xây dựng quy trình nuôi trồng khép kín, đồng thời ứng dụng đồng bộ công nghệ trong kiểm soát dịch bệnh và chất lượng nước. Kết quả là sản lượng cá tăng vượt trội, tỷ lệ sống cao, thu nhập của người nuôi được cải thiện đáng kể.

Giống cá trắm đen thực hiện dự án được chọn từ cơ sở ươm giống có uy tín. Ảnh: D V

Giống cá trắm đen thực hiện dự án được chọn từ cơ sở ươm giống có uy tín. Ảnh: D V

Các hộ tham gia vận chuyển giống cá trắm đen từ trên xe xuống khu vực ao nuôi

Các hộ tham gia vận chuyển giống cá trắm đen từ trên xe xuống khu vực ao nuôi

Một hướng đi khác là tận dụng phụ phẩm nông nghiệp. Thay vì đốt bỏ bã mía / nguồn thải khổng lồ sau mỗi vụ thu hoạch, đề tài nghiên cứu của địa phương đã biến phụ phẩm này thành nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi và phân hữu cơ sinh học. Nhờ đó, chi phí sản xuất giảm tới 15%, chất lượng đất cải thiện rõ rệt và ô nhiễm môi trường được kiểm soát tốt hơn. Mô hình đang được mở rộng tại các vùng trồng mía trọng điểm như Thạch Thành, Lang Chánh, Ngọc Lặc.

Từ năm 2018 đến nay, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã triển khai hàng chục quy trình kỹ thuật, tập trung vào chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, bảo quản sau thu hoạch và cơ giới hóa. Đến nay, tỉnh đã triển khai tới 83 đề tài nghiên cứu, đào tạo gắn với thực hành sản xuất tại địa phương.

Tất cả các kết quả trên khẳng định khi các đề tài KH&CN được “cắm rễ” tại đồng ruộng, gắn liền với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ canh tác bản địa, chúng sẽ nhanh chóng tạo ra giá trị. Đặc biệt, sự tham gia chủ động của doanh nghiệp và người dân là thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác đã biến những kết quả nghiên cứu thành sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh.

Một ví dụ sinh động là mô hình trồng ổi lê Quý Hương tại thị trấn Hà Long (huyện Hà Trung). Trên vùng đất từng trồng lúa, mía, dứa không hiệu quả, người dân đã chuyển đổi sang trồng giống ổi mới phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Kỹ thuật chăm sóc, bao quả, tỉa cành… đều được áp dụng nghiêm túc. Nhờ đó, sản lượng và chất lượng tăng rõ rệt, giá bán tại vườn đạt 10 - 20 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập 40 - 50 triệu đồng/năm cho nhiều hộ dân.

Ổi lê được trồng theo hướng VietGAP tại xã Hà Long

Ổi lê được trồng theo hướng VietGAP tại xã Hà Long

Tháng 11/2021, Hợp tác xã Dịch vụ thương mại Quý Hương được thành lập, phát triển từ tổ hợp tác trồng ổi VietGAP. Chỉ một năm sau, ổi lê Quý Hương đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao - một bước tiến lớn về thương hiệu nông sản địa phương.

Ổi lê là cây dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế cao

Ổi lê là cây dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế cao

Tuy nhiên, để KH&CN thực sự trở thành động lực trung tâm, vẫn còn không ít “nút thắt” cần tháo gỡ. Số lượng sản phẩm KH&CN được ứng dụng rộng rãi còn khiêm tốn; nhiều nghiên cứu chưa đi đến thương mại hóa do quy trình chưa phù hợp thực tiễn. Cơ giới hóa, chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch vẫn còn lạc hậu, phụ thuộc thiết bị nhập khẩu. Đặc biệt, mô hình liên kết "4 nhà" (nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học) vẫn chưa phát huy hết vai trò như kỳ vọng.

Trong giai đoạn 2025-2030, Thanh Hóa xác định KH&CN là khâu đột phá trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Giải pháp đặt ra là tăng ngân sách cho nghiên cứu ứng dụng gắn với thực tiễn; hỗ trợ triển khai sau nghiệm thu; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu - chuyển giao công nghệ; và đào tạo, thu hút đội ngũ trí thức trẻ về địa phương.

Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống đánh giá, theo dõi nghiêm túc, minh bạch để tránh tình trạng dàn trải, xa rời thực tế sản xuất. Việc mở rộng các mô hình canh tác công nghệ cao, phù hợp từng vùng sinh thái, kết hợp tuyên truyền - quảng bá thương hiệu sẽ giúp nâng tầm nông sản địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.

Từ những chuyển động tích cực tại Bắc Trung Bộ, có thể thấy rằng chỉ khi KH&CN được ứng dụng sâu rộng và đồng bộ, nông nghiệp mới có thể cất cánh theo hướng hiện đại - hiệu quả - bền vững. Và chính người dân sẽ là những người đầu tiên được hưởng thành quả từ cuộc cách mạng này.

Bình Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khoa-hoc-cong-nghe-mo-duong-cho-nong-san-bac-trung-bo-but-pha-163134.html
Zalo