VN-Index 'hụt' mốc 1.280 điểm, nhóm khoáng sản bị chốt lời
VN-Index tiếp tục xu hướng tích cực nhưng dòng tiền vẫn chưa nhập cuộc mạnh mẽ. Nhóm cổ phiếu khoáng sản bắt đầu bị chốt lời sau giai đoạn tăng nóng.

Thị trường tiếp tục diễn biến tích cực trong phiên 18/2.
Phiên 18/2, sự hưng phấn của nhà đầu tư vào phiên sáng giúp VN-Index từng vượt qua mốc 1.280 điểm. Tuy nhiên dòng tiền vẫn chưa thực sự nhập cuộc mạnh mẽ nên kết phiên, chỉ số chưa thể đứng vững ở mốc này, đóng cửa ở 1.278,14 điểm - tăng hơn 5 điểm so với kết phiên trước.
HNX-Index cũng tăng mạnh 2,7 điểm còn UPCoM tăng 0,12 điểm. Thanh khoản sau phiên cải thiện hôm qua lại giảm, với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 14.500 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 2.600 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 180 tỷ đồng trên sàn HoSE. Mã bị bán ròng mạnh nhất là MWG với hơn 73 tỷ đồng. Phiên hôm qua và trong cả tuần trước, cổ phiếu của Thế giới Di động cũng đứng đầu danh sách bị khối ngoại bán ròng.
Danh sách bán ròng hôm nay còn có GMD 55 tỷ đồng, VNM 40 tỷ đồng; NLG, PNJ, VRE trên 30 tỷ đồng; VCB, DIG, DGC, HCM, CSV, FRT, HDB trên 20 tỷ đồng... Chiều ngược lại, VCI được mua ròng mạnh nhất với giá trị 106 tỷ đồng, kế đến là HPG 95 tỷ đồng, FPT 31 tỷ đồng; NVL, EIB, BVH, VCG hơn 20 tỷ đồng...
VN30 tăng hơn 3 điểm lên mốc 1.337,39 điểm. Hầu hết các mã đều kết phiên trong sắc xanh nhưng mức tăng không lớn. Tích cực nhất là BVH tăng trần lên giá 57.300 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 4/2022. Cổ phiếu của Tập đoàn Bảo Việt diễn biến tích cực kể từ đầu tháng 11/2024 đến nay, với mức tăng hơn 35%.
Ngoài BVH, HPG và VRE cũng có đóng góp lớn cho chỉ số và thị trường chung, với mức tăng lần lượt là 1,5% và 2,4%. Từ đầu năm 2025 đến nay, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát có xu hướng giao dịch tích lũy quanh vùng giá 26.000 đồng/cp. Trong khi đó, VRE của Vincom Retail vẫn đang “ngụp lặn” ở vùng đáy quanh 16.000 đồng/cp.
Chiều giảm trong VN30 có ACB, BCM, LPB, SHB, SSB, VJC. Trong đó, LPB tiêu cực nhất với mức giảm 1,7%, còn lại chỉ giảm nhẹ.
Nhóm bất động sản là động lực đi lên của thị trường hôm nay. Mặc dù lực mua có phần giảm nhiệt về cuối phiên nhưng nhiều mã vẫn ghi nhận tăng tốt như TDC tăng trần, CEO +3%, VRE +2,4%, DIG +2,4%, TCH +1,9%, CDC +6%, DXS +2,8%, QCG +2,5%, SGR +3,6%, SJS +3%, BCR +2,2%...
Trong đó, đáng chú ý là SJS của SJ Group chinh phục mức giá ba con số 101.800 đồng/cp. Đây là mức giá cao nhất lịch sử của cổ phiếu này. Chỉ từ cuối tháng 11/2024 đến nay, SJS đã tăng 65% giá trị.
Chiều giảm trong nhóm bất động sản có KBC, NLG, TIG, KHG, BCM, HQC, TIP, EVG... nhưng mức giảm không đáng kể.
Nhóm ngân hàng diễn biến tích cực nhưng dòng tiền có xu hướng ưu ái các mã nhỏ, như BAB +5,1%, NVB +4,6%, PGB +2,7%, VBB +5,4%; còn lại các mã chỉ tăng nhẹ. Chiều giảm có ABB, ACB, KLB, LPB, NAB, SHB; với mức giảm trên dưới 1%.
Nhóm chứng khoán sau phiên hưng phấn hôm qua đã giảm nhiệt. Các mã chủ yếu dao động trong biên độ hẹp. Chiều tăng tích cực có VIX +1,9%, SHS +1,4%, CSI +2,4%, HAC +5,8%, HBS +1,4%. Chiều giảm sâu nhất là WSS -2%, IVS -1,8%.
Nhóm thép ghi nhận tích cực. Ngoài HPG, HSG và NKG cũng đều tăng 1,5%. Bên cạnh đó là các mã nhỏ như VGS +2,2%, TVN +1,2%, TIS +1,5%.
Nhóm khoáng sản bắt đầu có dấu hiệu bị chốt lời sau giai đoạn tăng nóng. KSV, HGM cùng giảm sàn; MSR -6,7%, BMC -4,7%, MTA -3,4%. Ngược lại, một số mã nhỏ vẫn giữ được sức hút như BKC, FCM, TMG tăng trần.
Tại các nhóm ngành khác, đáng chú ý có HUT tăng trần, GEE +6,3%. Trong đó, GEE của Điện lực Gelex tiếp tục chinh phục mức đỉnh mới ở giá 56.000 đồng/cp.