VN-Index có thể kết thúc năm 2025 ở mức 1.486 điểm

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, báo VN-Index có thể kết thúc năm 2025 ở mức 1.486 điểm, tăng 17% so với giá đóng cửa năm 2024.

Tăng trưởng, định hình con sóng

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước sang năm 2025 với nhiều thuận lợi từ vĩ mô tích cực. Tăng trưởng kinh tế dự báo duy trì ở mức 6,8%. Lạm phát ổn định ở mức 4%, trong tầm kiểm soát. Tín dụng có thể tăng trưởng 15%-16%.

Doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng, tỷ suất lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) VN-Index dự báo tăng 12,2% so với cuối năm 2024 và định giá P/E về mức mục tiêu 13,8 lần, tương đương với mức tái định giá tăng 4% so với định giá đóng cửa ngày cuối năm 2024. Các ngành bất động sản, xây dựng, và bán lẻ hưởng lợi từ cải cách chính sách và phục hồi thị trường.

Đặc biệt, triển vọng nâng hạng thị trường theo FTSE và cải cách theo tiêu chuẩn của MSCI sẽ giúp tăng sức hấp dẫn cho thị trường trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Kịch bản hướng đi của VN Index trong năm 2025. Nguồn: VDSC .

Kịch bản hướng đi của VN Index trong năm 2025. Nguồn: VDSC .

Dựa trên các giả định hỗ trợ trên, VSDC dự báo, VN-Index có thể kết thúc năm 2025 ở mức 1.486 điểm trong kịch bản cơ sở, tương ứng với mức tăng giá 17% so với giá đóng cửa năm 2024. Kết hợp với lợi suất cổ tức trung bình 12 tháng trong 3 năm gần nhất ở mức 1,7%, tổng lợi nhuận kỳ vọng có thể đạt 19,9%.

Từ năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào giai đoạn bùng nổ với sự tham gia đáng kể của dòng tiền nội địa, giảm bớt sự chi phối của khối ngoại. Ở mức định giá hiện tại, dòng tiền nội vẫn được kỳ vọng là động lực chính dẫn dắt thị trường, với tỷ trọng giao dịch giữ vững mức 90% từ khối nội và 10% từ khối ngoại.

Biến động kỳ vọng lợi suất thị trường của nhà đầu tư nội năm trong vùng 6,9%-7,4%, thấp hơn mức định giá của thị trường hiện tại (7,5%). Kết hợp với triển vọng tăng trưởng EPS trong năm 2025, điều này cho thấy dư địa thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư nôịvẫn còn rất lớn. Bất chấp mặt bằng lãi suất có thể tăng 50-100 điểm cơ bản.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là điểm sáng trên trường quốc tế

VDSC nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì sức hấp dẫn đối với dòng vốn toàn cầu, đặc biệt khi so sánh với các thị trường cận biên và mới nổi khác. Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế cao, tương đồng với Ấn Độ và Philippines, trong khi nhiều thị trường khác đang đối mặt với tăng trưởng thấp hoặc dấu hiệu giảm tốc.

Dựa trên chỉ số PEG (Price/Earnings to Growth), VDSC dự báo cho giai đoạn 2024-2025, VN-Index hiện chỉ xếp sau Hàn Quốc và Philippines, có mức hấp dẫn vượt trội so với các thị trường còn lại. VDSC tin rằng, dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam sẽ có thêm chất xúc tác khi, nền lãi suất toàn cầu sẽ tiếp tục quá trình bình thường hóa trong 2025 và Việt Nam được nâng hạng thị trường.

VN-Index so với các thị trường chứng khoán khác. Nguồn: VDSC.

VN-Index so với các thị trường chứng khoán khác. Nguồn: VDSC.

Với kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chí của FTSE vào năm 2025, VDSC cho rằng điều này hoàn toàn là khả thi. Khác với các kỳ đánh giá trước đây, FTSE Russell đã ghi nhận những nỗ lực cải cách thị trường của Chính phủ Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Đặc biệt, Thông tư số 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính được ban hành vào ngày 18/9/2024 và có hiệu lực từ ngày 02/11/2024, đã giải quyết hai tiêu chí còn lại mà tổ chức này yêu cầu. Theo Thông tư, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ được phép mua cổ phiếu mà không cần đủ tiền trước khi đặt lệnh (prefunding). Nhờ đó, FTSE Russell có thể xác nhận Việt Nam đủ điều kiện nâng hạng trong kỳ xem xét tháng 3/2025 và chính thức nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 92025.

Nếu được nâng hạng, tỷ trọng vốn hóa cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số FTSE Emerging Index dự kiến đạt 0,57% (tương đương 43/7.593 tỷ USD). Theo đó, dòng vốn phân bổ vào thị trường Việt Nam có thể ước tính đạt 916 triệu USD, tương đương với 2,2% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu khối ngoại nắm giữ hiện tại.

Mặc dù quy mô vốn của các quỹ tham chiếu FTSE Emerging Index khiêm tốn hơn so với các quỹ tham chiếu của MSCI, VDSC tin rằng, việc nâng hạng thị trường theo FTSE mang ý nghĩa biểu tượng lớn đối với chất lượng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đồng thời, dòng vốn gần một tỷ USD này có thể tạo ra sự lan tỏa lớn, thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển và giúp định giá P/E đạt được kịch bản tích cực là 14,4 lần.

Minh Lâm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/vn-index-co-the-ket-thuc-nam-2025-o-muc-1-486-diem.html
Zalo