Kinh nghiệm từ các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc, Nhật Bản
Gần đây, Trung Quốc và Nhật Bản đã liên tục tung ra các gói kích thích lớn nhằm ứng phó với những thách thức đặc thù, tạo đà phục hồi kinh tế.
Trong khi “quốc gia tỷ dân” tập trung vào đầu tư công và tái cơ cấu nợ, “đất nước mặt trời mọc” ưu tiên giảm chi phí sinh hoạt và phát triển công nghệ xanh, hướng tới tăng trưởng bền vững.
Trung Quốc tập trung vào đầu tư công và tái cơ cấu nợ
Trung Quốc thường triển khai các gói kích thích kinh tế để ứng phó với những biến động trong và ngoài nước. Chính phủ nước này luôn ưu tiên duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế thông qua nhiều giải pháp như: tăng chi tiêu công, giảm thuế và hỗ trợ các DN nhỏ.
Gần đây, Bắc Kinh đã thông qua gói kích thích tài khóa trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD) với loạt biện pháp hỗ trợ các chính quyền địa phương tái cơ cấu nợ. Đây là một trong những gói kích thích kinh tế lớn nhất của Trung Quốc trong vài năm qua, được đưa ra sau gói kích thích tiền tệ cuối tháng 9.
Gói này gồm hai biện pháp chính: thứ nhất, tăng trần nợ công cho chính quyền địa phương thêm 6.000 tỷ nhân dân tệ (840 tỷ USD) trong 3 năm, ưu tiên giải quyết nợ ngoài sổ sách; thứ hai, chính phủ cho phép phát hành trái phiếu địa phương đặc biệt trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (560 tỷ USD) trong 5 năm nhằm thúc đẩy đầu tư và giải quyết các vấn đề tài chính địa phương. Gói kích thích được kỳ vọng giúp ổn định và phát triển kinh tế trong bối cảnh áp lực tài chính gia tăng.
Nhìn chung, các gói kích thích thường tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm, như: đường sắt cao tốc, năng lượng tái tạo và hạ tầng đô thị hiện đại. Bên cạnh đó, chính phủ cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính như cắt giảm lãi suất và nới lỏng điều kiện vay vốn nhằm giúp các DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, từ đó kích thích sản xuất và kinh doanh.
Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp như: giảm thuế thu nhập cá nhân, khuyến khích người dân mua sắm qua các nền tảng thương mại điện tử và tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi nhằm tăng cường sức mua.
Ngoài ra, nền kinh tế số hai thế giới đã gắn chặt các gói kích thích kinh tế với các cải cách sâu rộng nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng như sự mất cân bằng giữa các lĩnh vực kinh tế hay sự phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, những chính sách này đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Các vấn đề như nguy cơ gia tăng nợ công, bong bóng bất động sản, và hiệu quả giảm dần của đầu tư công đã đặt ra nhiều áp lực đối với nền kinh tế.
Nhà kinh tế Zhu Tian từ Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc - châu Âu nhận định các gói kích cầu của Trung Quốc đã đạt được hiệu quả ngắn hạn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nếu không đi kèm với cải cách cơ bản, các biện pháp này khó có thể mang lại sự phát triển bền vững trong bối cảnh nợ công gia tăng và thị trường quốc tế biến động.
Một số chuyên gia khác lại nhấn mạnh, Trung Quốc cần chuyển hướng từ việc tập trung vào đầu tư sang thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Tình trạng giảm phát kéo dài, cùng với sự suy giảm tiêu dùng, đòi hỏi Bắc Kinh phải tìm kiếm các biện pháp kích thích tiêu dùng mạnh mẽ hơn. Đồng thời, căng thẳng thương mại với các nước lớn như Mỹ đã tạo thêm áp lực cho ngành xuất khẩu, buộc “quốc gia tỷ dân” phải xây dựng các động lực tăng trưởng từ thị trường nội địa.
Nhật Bản ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ xanh
Nhật Bản, trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức như suy giảm tăng trưởng do dân số già hóa và áp lực nợ công, đã triển khai các gói kích thích kinh tế nhằm ổn định tình hình. Gói kích thích gần đây nhất, trị giá 39 tỷ yen (tương đương 141 tỷ USD), tập trung vào giảm áp lực chi phí sinh hoạt, hỗ trợ tiêu dùng, và đầu tư vào công nghệ xanh.
Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng các chính sách như giảm thuế tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, và giảm chi phí cho DN. Đồng thời, quốc gia Đông Á này cũng đẩy mạnh đầu tư vào các dự án công nghệ xanh như phát triển năng lượng tái tạo, xe điện, và các công nghệ thân thiện với môi trường, hướng tới xây dựng một nền kinh tế bền vững.
Một điểm đáng chú ý trong gói kích thích của Nhật Bản là việc khuyến khích chuyển đổi số và đầu tư vào công nghệ mới. Chính phủ đã hỗ trợ các DN nhỏ và vừa trong việc phát triển công nghệ tiên tiến, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhằm tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Theo giáo sư Takahiro Sato từ Đại học Tokyo, các gói kích thích kinh tế của Nhật Bản đã góp phần ổn định cuộc sống người dân và thúc đẩy phát triển công nghệ xanh. Đây là những bước đi cần thiết để “đất nước mặt trời mọc” duy trì vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế trong bối cảnh các quốc gia khác cũng đang chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Tuy nhiên, các chuyên gia từ Financial Times nhận định, hiệu quả của các gói kích cầu tại Nhật Bản vẫn bị giới hạn bởi tâm lý tiết kiệm của người dân và áp lực từ nợ công cao. Mặc dù chính phủ đã nỗ lực kích thích tiêu dùng, nhưng người dân vẫn ưu tiên tiết kiệm hơn chi tiêu, làm giảm hiệu quả của các biện pháp kích cầu. Hơn nữa, nợ công cao khiến Nhật Bản phải đối mặt với rủi ro tài chính nếu tiếp tục duy trì các gói kích cầu quy mô lớn trong thời gian dài.
Trung Quốc và Nhật Bản đã triển khai các gói kích thích kinh tế với cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với đặc thù kinh tế và xã hội của từng quốc gia. Dù có sự khác biệt, cả hai quốc gia đều nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như hạ tầng và công nghệ.
Tuy nhiên, giáo sư Zhu Tian từ Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc - châu Âu nhận định, việc tập trung quá mức vào đầu tư công, như trong trường hợp của Trung Quốc, tuy mang lại hiệu quả ngắn hạn nhưng dễ dẫn đến mất cân đối kinh tế dài hạn.
Trong khi đó, giáo sư Takahiro Sato từ Đại học Tokyo nhấn mạnh Nhật Bản cần đẩy mạnh tiêu dùng nội địa để đối phó với tâm lý tiết kiệm của người dân, đồng thời tiếp tục các biện pháp chuyển đổi xanh và số hóa để tạo nền tảng phát triển bền vững.