VN-Index bật tăng mạnh trở lại trong phiên 20/5
Sau chuỗi điều chỉnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận một phiên giao dịch đầy hứng khởi vào ngày 20/5 khi chỉ số VN-Index bật tăng mạnh hơn 18 điểm, lên sát mốc 1.315 điểm. Đà phục hồi được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là bộ ba nhà Vingroup cùng sự hỗ trợ tích cực từ nhóm ngân hàng và cổ phiếu đầu ngành.
Kết thúc phiên 20/5, VN-Index tăng 18,86 điểm (+1,46%) lên 1.315,15 điểm, với thanh khoản cải thiện nhẹ so với phiên trước. Giá trị khớp lệnh toàn sàn HoSE đạt hơn 20.100 tỷ đồng. Lực kéo chính đến từ “nhóm Vin” khi VIC tăng kịch trần, VHM tăng 5,78%, VRE tăng 3,03%, VPL tăng 1,53%. Đây là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất lên chỉ số chung.

VN30-Index đang bứt phá tốt hơn thị trường chung
Không dừng lại ở đó, các bluechips khác như BCM, GVR, HPG, MSN, MWG, SAB cũng đồng loạt tăng giá, tạo nên hiệu ứng lan tỏa trên diện rộng. Ngay cả nhóm ngân hàng - nhóm ngành dẫn dắt thanh khoản thời gian qua - cũng ghi nhận diễn biến tích cực khi TCB tăng 4,58%, MSB tăng 1,72%, STB, EIB, MBB, VPB đều tăng trên 1%.
Bên cạnh đó, sắc xanh cũng phủ kín các nhóm ngành như chứng khoán, bán lẻ, thép và y tế. Tuy nhiên, nhóm viễn thông lại đi ngược xu thế khi chìm trong sắc đỏ, khiến đà tăng phần nào bị kiềm chế.
Bình luận về diễn biến thị trường, ông Lê Nguyên Hưng - chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng: “Phiên tăng mạnh ngày 20/5 đến từ hiệu ứng tâm lý tích cực khi chỉ số VN-Index đã tích lũy đủ lâu quanh vùng hỗ trợ 1.290-1.295 điểm. Việc “nhóm Vin” đồng loạt tăng mạnh như một chất xúc tác, kích hoạt dòng tiền bắt đáy quay trở lại”.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, vẫn còn những yếu tố cần theo dõi. “Dù dòng tiền nội có dấu hiệu cải thiện, nhưng khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh, đặc biệt tại các cổ phiếu bluechips. Đây là rào cản đáng chú ý đối với đà tăng bền vững trong ngắn hạn”.
Giao dịch của khối ngoại trong phiên 20/5 tiếp tục là điểm trừ khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 561 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trên sàn HoSE, giá trị bán ròng lên tới 517 tỷ đồng. Đáng chú ý, cổ phiếu VHM bị bán ròng mạnh nhất với 569 tỷ đồng, trong khi FPT và SHB cũng lần lượt bị rút ròng 320 tỷ và 176 tỷ đồng. Một số mã khác như HCM và NVL cũng ghi nhận giá trị bán ròng hàng chục tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua ròng mạnh nhất với 180 tỷ đồng. Các cổ phiếu VIX, MWG, MBB, VIC cũng thu hút lực mua từ khối ngoại nhưng giá trị khiêm tốn hơn, dao động quanh mức 70 - 112 tỷ đồng/mã.
Thông tin tích cực từ mặt trận vĩ mô cũng góp phần hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Cụ thể, phiên đàm phán lần thứ hai về Hiệp định thương mại song phương đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang diễn ra từ ngày 19-22/5 tại Washington D.C. với sự dẫn đầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Đây là tín hiệu cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai quốc gia, mở ra cơ hội thu hút đầu tư và hỗ trợ xuất khẩu.
Ông Đỗ Minh Thịnh - Giám đốc đầu tư một quỹ nội địa tại Hà Nội đánh giá: “Bất kỳ động thái nào làm gia tăng quan hệ thương mại với Hoa Kỳ đều được thị trường nhìn nhận tích cực. Tuy chưa có kết quả cụ thể, nhưng đàm phán thể hiện cam kết hội nhập và cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Điều này có thể kích hoạt kỳ vọng dòng vốn ngoại quay trở lại trong trung - dài hạn”.
Tính đến cuối phiên giao dịch, sắc xanh chiếm ưu thế trên sàn HoSE với 178 mã tăng, so với 116 mã giảm. VN-Index ghi nhận mức tăng trọn vẹn trong phiên, sau khi đã bật mạnh hơn 17 điểm ngay trong phiên sáng. Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng tăng 0,42 điểm lên 217,66 điểm. Ngược lại, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,09 điểm xuống 95,62 điểm do lực bán xuất hiện tại một số cổ phiếu đầu cơ.
Đánh giá về xu hướng ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng VN-Index có thể tiếp tục thử thách vùng kháng cự 1.320-1.330 điểm nếu duy trì được dòng tiền mạnh và lực đỡ từ nhóm vốn hóa lớn. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ngắn hạn và giao dịch tiêu cực từ khối ngoại có thể khiến thị trường rung lắc.