Virus HMPV là gì, tại sao số ca nhiễm tăng mạnh và điều này có đáng lo không?

Trong những ngày gần đây, rất nhiều thông tin về virus HMPV với số ca nhiễm tăng mạnh ở Trung Quốc đang khiến người dân ở nhiều nước, đặc biệt là châu Á, rất lo lắng. Cụ thể thì virus này là gì, lây nhiễm ra sao, có giống COVID-19 không, và làm thế nào để phòng tránh khi vaccine chưa có?

Trên mạng xã hội gần đây xuất hiện nhiều hình ảnh được cho là chụp tại nhiều địa phương ở Trung Quốc, cho thấy những hàng người dài ở các trung tâm y tế. Các chú thích cho biết đây là do số ca nhiễm HMPV tăng mạnh, làm dấy lên lo lắng về một dịch bệnh mới, dễ lây lan.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc cũng mới báo cáo về xu hướng gia tăng các bệnh đường hô hấp nói chung, theo trang CNA.

Vậy virus HMPV là gì?

HMPV là viết tắt của human metapneumovirus (virus gây viêm phổi ở người), là loại virus gây bệnh đường hô hấp với các triệu chứng tương tự cảm cúm thông thường, bao gồm ho, sốt, ngạt mũi, thở gấp. Trong những trường hợp nghiêm trọng, HMPV có thể dẫn đến biến chứng như viêm phổi hoặc viêm phế quản. Theo CDC của Mỹ thì thời gian ủ bệnh có thể từ 3 - 6 ngày.

Virus này hoạt động mạnh nhất vào cuối mùa Đông và mùa Xuân. Trẻ em, người già và những người có hệ miễn dịch yếu là dễ bị bệnh nhất.

Hình ảnh được chú thích là rất nhiều người đang chờ ở Trung tâm Y tế Trẻ em Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Evelyn Z/ XHS.

Hình ảnh được chú thích là rất nhiều người đang chờ ở Trung tâm Y tế Trẻ em Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Evelyn Z/ XHS.

Virus HMPV lây nhiễm theo những cách nào?

Nó lây nhiễm như các bệnh đường hô hấp khác, gần giống cúm và COVID-19:

- Qua tiếp xúc gần (chạm vào hoặc bắt tay) với người nhiễm bệnh.

- Qua các giọt bắn từ việc người bệnh hắt hơi, ho.

- Qua việc chạm vào đồ vật hoặc bề mặt có virus.

Tại sao số ca nhiễm lại tăng nhanh ở Trung Quốc?

Các chuyên gia y tế nói, số ca nhiễm HMPV gia tăng ở Trung Quốc cũng “nhất quán với các mô hình toàn cầu”. Đồng thời, việc gia tăng số ca nhiễm ở Trung Quốc trùng với thời gian ở Trung Quốc rất rét và rét kéo dài. Nên về cơ bản, việc này không có gì khác thường.

HMPV so với COVID-19 thì thế nào?

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, 2 loại virus này có nhiều sự khác biệt, mà nhìn chung thì HMPV thường ít nghiêm trọng hơn, tỷ lệ tử vong thấp hơn. Trong nhiều trường hợp, virus cúm còn có độc lực mạnh hơn HMPV.

Tuy nhiên, HMPV lây lan nhiều hơn ở trẻ em.

Sự nguy hiểm của HMPV là nó có khả năng làm trầm trọng những bệnh có sẵn như hen suyễn, khiến bệnh nhân có thể phải nhập viện.

Có một sự khác biệt nữa giữa HMPV và COVID-19 là HMPV chưa có vaccine, cũng chưa có cách điều trị cụ thể.

Ước tính, hầu hết trẻ em đều từng nhiễm HMPV trước năm 5 tuổi. Ảnh: Roger Harris/ Science Photo Library RF/ Getty Images.

Ước tính, hầu hết trẻ em đều từng nhiễm HMPV trước năm 5 tuổi. Ảnh: Roger Harris/ Science Photo Library RF/ Getty Images.

Ngoài Trung Quốc, HMPV còn đang lây lan ở đâu?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa coi HMPV là tình huống khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng các nước châu Á, bao gồm Việt Nam, đều đang theo dõi chặt chẽ và thúc giục người dân cẩn trọng. Một số cơ quan y tế ở châu Á cũng đã khẳng định đây không phải virus mới mà nó đã có từ lâu rồi. Phát ngôn viên của Bộ Y tế Singapore nói, các ca nhiễm HMPV vẫn xuất hiện suốt cả năm, nhưng thường tăng vào cuối năm do người dân đi du lịch, tụ họp…

Chúng ta cần làm gì để phòng tránh HMPV?

Các chuyên gia y tế khuyên, quan trọng nhất là giữ vệ sinh (rửa tay kỹ, rửa tay trước khi ăn uống…); đeo khẩu trang, nhất là ở những nơi đông đúc… Cách phòng bệnh cũng như với các bệnh cúm khác và với COVID-19.

Vì HMPV lây nhiễm chủ yếu ở trẻ em, nên các bác sĩ khuyên bố mẹ chú ý đến con nhỏ, nếu thấy viêm đường hô hấp kéo dài và nghiêm trọng hơn bình thường thì cần nhanh chóng hỏi ý kiến bác sĩ.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, khả năng HMPV lan rộng và nghiêm trọng là không cao.

Rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi ở bên ngoài về là cách phòng bệnh hiệu quả. Ảnh minh họa: iStock.

Rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi ở bên ngoài về là cách phòng bệnh hiệu quả. Ảnh minh họa: iStock.

Các ca nhiễm HMPV dạng nhẹ thường gây bệnh kéo dài vài ngày đến một tuần, phần lớn người nhiễm sẽ tự khỏi. Khi nhiễm bệnh, nên nghỉ ngơi, uống nhiều chất lỏng, cố gắng đừng để lây cho người khác. Nếu thấy rất mệt, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Đây là virus, nên đừng tự uống kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng gì cả” - theo John Tregoning, giáo sư về miễn dịch học vaccine ở Cao đẳng Hoàng gia London (Anh).

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/virus-hmpv-la-gi-tai-sao-so-ca-nhiem-tang-manh-va-dieu-nay-co-dang-lo-khong-post1707842.tpo
Zalo