Bị gắn mác 'nhà giàu thành phố', biếu quà bị chê, tôi xin trực Tết không về quê
Bị gắn mác 'nhà giàu thành phố' nên quà biếu, tiền lì xì của tôi hay bị soi để chê, năm nay tôi xin tăng ngày trực Tết và không về quê, tiết kiệm hơn 20 triệu đồng.
Năm 2013, tôi mang theo niềm tin và hy vọng của một cô sinh viên năm nhất vào TP.HCM. Từ ngày đặt chân tới thành phố rộng lớn này, tôi luôn tự nhủ phải học hết sức, làm hết mình để có một tương lai xán lạn. Sau khi ra trường, tôi tìm được một công việc ổn định cho đến nay.
Một cô gái 29 tuổi có căn hộ riêng, có xe hơi riêng và một khoản tiền đủ để xoay xở lúc bất trắc có được gọi là thành công không? Bản thân tôi thì thấy mình vẫn phải nỗ lực thật nhiều, nhưng nhiều người ở quê đã gắn mác cho tôi là "dân nhà giàu thành phố". Cũng vì các mác này, mỗi lần về quê tôi lại đau đầu. Và Tết Nguyên đán năm nay lại đang đến gần, trong tôi lại đầy rẫy sự áp lực, căng thẳng và mệt mỏi.
Mỗi dịp Tết, tôi thấy áp lực và không thoải mái trước việc phải biếu quà, tặng tiền cho họ hàng. Mẹ tôi luôn nhắc nhở: "Về nhớ mang quà cho các cô dì, chú bác nha. Không thì họ sẽ nghĩ con không biết điều!". Có lần thấy tôi tỏ ý không muốn, bà nói: "Ai cũng biết con là người thành đạt ở Sài Gòn, về quê mà chặt chẽ quá người ta cười bố mẹ".
Không nói ra nhưng tôi cảm thấy như đang bị đẩy vào một cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Tại sao Tết lại trở thành dịp để thể hiện sự giàu có?
Hai bên nội ngoại của bố mẹ tôi có 8 gia đình cô, dì, chú, bác. Mỗi năm về Tết, tôi đều phải chuẩn bị mỗi nhà một phần quà trị giá khoảng 1 triệu đồng. Ngoài ra vẫn phải lì xì cho họ, mỗi người chỉ 200 nghìn thôi thì đã tốn thêm 3 triệu đồng.
Đấy là chưa kể lì xì cho con của họ. Tám gia đình ở quê, mọi người cũng ước đoán được số con cháu đông tới mức nào rồi đúng không? Như vậy, riêng tiền quà biếu và lì xì đã tiêu tốn của tôi tầm 20 triệu đồng - số tiền không dễ kiếm trong thời buổi kinh tế khó khăn này.
Tôi nhớ con bác hai cũng đi làm xa như tôi nhưng quà biếu luôn kém hơn vì công việc của chị ấy không tốt lắm. Những ngày Tết, tôi luôn được mọi người xúm xít khen ngợi, ưu ái hơn. Tôi thấy rất ngại với chị ấy, thầm nghĩ tình hình tài chính của mỗi người khác nhau nên không thể đo tình cảm bằng giá trị quà biếu.
Thật ra không phải lúc nào mọi người cũng hài lòng về tôi. Nhiều đứa trẻ khi nhận bao lì xì đã không ngại bóc ngay tại chỗ, không ít lần tỏ thái độ chê bai vì số tiền trong đó không như mong đợi, thậm chí bĩu môi: "Có 20 nghìn bọ". Dù tỏ ra không biết, tôi không khỏi thấy tổn thương.
Tôi còn nhớ lần vì có chút sự cố về tiền bạc nên quà Tết hẻo hơn mọi năm, cô ruột mở xem xong thì nụ cười không còn tươi nữa, bảo: "Ồ cái này cô cũng hay mua ngoài chợ, rẻ mà cũng ngon nhỉ?". Sau đó ở dưới bếp, tôi nghe cô xì xào nói với mấy bà hàng xóm: "Nó giàu, thành đạt mà keo lắm". Những câu nói bóng gió khó chịu và ánh mắt phán xét khiến ngày Tết của tôi phần nào mất vui.
Năm nay thưởng Tết "hẻo" hơn, tôi muốn tiết kiệm khoản tiền quà cáp, lì xì và cảm giác không thoải mái đó nên quyết định không về quê, viện cớ công ty bắt trực vào ngày 29 và 1 Tết (thật ra là tôi tự nhận hai ngày mà ai cũng né này, lại còn xin tăng một ngày trực). Tôi chỉ gửi tiền mừng tuổi bố mẹ và một khoản đóng góp sắm Tết trong nhà. Khi nói với bố mẹ điều này, tôi tưởng sẽ bị mắng, không ngờ mẹ tôi cũng đã thay đổi cách nghĩ. Bà bảo: "Con à, mẹ biết con không phải không yêu quý gia đình. Mẹ sẽ nói với mọi người là con đang bận công việc, sẽ về thăm vào dịp khác".
Tất nhiên bố mẹ tôi hơi buồn vì Tết không được gặp con gái, nhưng cũng vui vì tôi nói sẽ tranh thủ những hôm không trực để nghỉ ngơi và du lịch ngắn với nhóm bạn độc thân. Không về quê, tôi tiết kiệm được gần 20 triệu đồng. Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, tôi sẽ gộp thêm ngày phép để về quê thăm và đưa bố mẹ đi du lịch.