Vĩnh Thuận vươn mình mạnh mẽ
Nhìn lại chặng đường 61 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) phấn khởi, tự hào về những kết quả đạt được. Với tâm thế đó, hứa hẹn trong thời gian tới Vĩnh Thuận tiếp tục vươn mình mạnh mẽ, mang diện mạo mới, tầm vóc mới, xứng đáng với kỳ vọng và tin tưởng của người dân.
Vĩnh Thuận là vùng căn cứ địa cách mạng, bị tàn phá nặng nề do chiến tranh. Khi vừa mới được thành lập vào tháng 1-1964, kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng nông thôn của huyện kém phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Phát huy truyền thống anh hùng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đồng lòng và chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Sau 61 năm thành lập, diện mạo huyện Vĩnh Thuận ngày càng khởi sắc, chuyển mình đi lên. Kinh tế - xã hội huyện không ngừng phát triển. Giai đoạn 2020-2025, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn của các ngành chủ yếu hơn 31.569 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người trên 68 triệu đồng/năm (năm 2020 trên 57,6 triệu đồng/năm). Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,24%. Toàn huyện có 20/29 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 68,96% tổng số trường học.
Vĩnh Thuận tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn. Đến nay, huyện có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã Vĩnh Phong được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Bình Minh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và hiện đạt 4/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.
Ông Lê Văn Thọ, ngụ thị trấn Vĩnh Thuận nói: “Nhiều con đường đất gồ ghề, khó đi ngày trước giờ được trải nhựa, bê tông hóa. Từ thị trấn Vĩnh Thuận dễ dàng đi đến các xã và các khu vực lân cận. Cầu giao thông, các trục đường chính trên địa bàn huyện rộng rãi, khang trang, lưu thông thuận lợi, tạo điều kiện phát triển kinh tế, du lịch”.
Không chỉ thị trấn Vĩnh Thuận, nhiều xã trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận như Bình Minh, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Phong cũng với sự thay đổi rõ nét. Các xã giờ có trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng, đường liên ấp, liên xã. Nhiều vùng đất xa xôi, hẻo lánh trước kia giờ dân cư khá đông đúc, nhà cửa khang trang, kiên cố, đêm đêm bừng lên ánh sáng từ lưới điện quốc gia, cảnh quan nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp. Các trường học có phòng học thoáng mát, trang thiết bị đảm bảo phục vụ tốt việc dạy và học.
Chủ tịch UBND xã Bình Minh Võ Thị Thúy An cho biết: “Cuối năm 2024, xã Bình Minh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người trên 80 triệu đồng/năm. Hệ thống điện, nước sinh hoạt được đảm bảo đầy đủ và ổn định, đường ngõ xóm sạch sẽ, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Lê Văn Đủ, nhìn lại chặng đường hơn 60 năm xây dựng và phát triển vừa qua, huyện Vĩnh Thuận chứng minh rằng với sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân không khó khăn nào là không thể vượt qua. Những thay đổi rõ nét từ diện mạo huyện đến đời sống người dân chính là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới sự phát triển bền vững hơn trong tương lai.
“Trên cơ sở những kết quả tốt đẹp đạt được, thời gian tới huyện Vĩnh Thuận tiếp tục phấn đấu để đạt tốc độ tăng trưởng cao; cải thiện đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; giữ vững an ninh chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội”, đồng chí Lê Văn Đủ cho biết.