Vị tướng duy nhất của quân đội Việt Nam được Bác Hồ gọi là 'tướng rau muống', văn võ song toàn
Sinh thời, vị tướng này được đánh giá là một trong những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông còn nổi tiếng với tài thao lược, là một chính trị gia, nhà quân sự xuất sắc.
Trong số các tướng lĩnh quân đội Việt Nam, có một người rất đặc biệt. Ông là Thượng tướng Song Hào (1917 – 2004). Vị tướng này có mặt từ những buổi đầu cách mạng, giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Chính ủy Đại đoàn 308 thời chống Pháp, Chính ủy Mặt trận B5 (Quảng Trị) trong những năm chống Mỹ; 15 năm Ủy viên Trung ương Đảng; 15 năm Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nhiều năm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị… sau đó là Bộ trưởng Bộ Thương binh-Xã hội (nay là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), chuyên lo chính sách xã hội và chính sách cho người có công.
Ở Việt Nam, chỉ có Thượng tướng Song Hào mới được Bác Hồ đặt cho biệt danh “tướng rau muống”. Tại sao lại có biệt danh đặc biệt này? Trước đây, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng giải thích nó như sau:“Anh Song Hào được Bác Hồ gọi là “Tướng rau muống”, bởi anh là người có đủ các đức tính “cần kiệm, liên chính, chí công vô tư”, quan tâm đồng chí, đồng đội, sống giản dị, khiêm nhường”.
Thượng tướng Song Hào tên khai sinh là Nguyễn Văn Khương, quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông sớm giác ngộ cách mạng và tham gia đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
Năm 1939, đồng chí Song Hào được kết nạp vào ĐCS Đông Dương. Cũng kể từ đó, trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, sau này là đất nước thống nhất, Thượng tướng Song Hào luôn cho thấy mình là một người tài đức vẹn toàn, văn võ đều giỏi. Ông được mọi người ngưỡng mộ và nể trọng vì tận tâm, tận lực, trách nhiệm.
Ảnh 2: Bác Hồ và đồng chí Song Hào với Đoàn dũng sĩ Miễn Nam năm 1967.
Ảnh tư liệu
Trong quá trình công tác, Thượng tướng Song Hào để lại rất nhiều dấu ấn. Trong đó không thể không kể đến thời kỳ ông về làm Bộ trưởng Bộ Thương binh – Xã hội. Bấy giờ, vị tướng này dành nhiều thời gian để đi khu điều dưỡng thương binh. Một lần nọ ông đang làm việc thì nhận được cuộc gọi của đồng chí Tạ Quang Bửu, cho biết nhiều thương binh đang đập phá phòng làm việc, đánh anh em của Bộ Đại học (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Nghe tin, Thượng tướng Hào vội vàng đến, chứng kiến cảnh nhóm thương binh gào thét:“Trong lúc chúng tôi đi chiến đấu, hy sinh ngoài mặt trận để nhiều người được đi nước ngoài học tập, trong đó có không ít người từng là kẻ đào ngũ, trốn lính, bây giờ trở về, những kẻ đó được Bộ đại học tiếp đón nhưng thượng khách, được giải quyết thủ tục nhanh chóng. Còn chúng tôi, những người lính đi chiến đấu về lại bị đối xử như những kẻ đi xin, phải đi lại chờ đợi quá lâu, không ai thèm tiếp chúng tôi”.
Thượng tướng Song Hào đứng ra can ngăn. Ông nói:“Đúng là còn nhiều bất hợp lý nhưng anh em phải bình tĩnh, mình làm quá, họ sẽ cho là công thần, tự phụ. Ai có công, ai có tội, lịch sử và nhân dân sẽ phán xét. Anh em nên bình tĩnh”.Cuối cùng, thương binh chấp nhận giải tán. Sự việc hôm đó là bài học lớn với vị tướng này trong công cuộc đi làm chính sách.
Một lần khác, Thượng tướng Song Hào về nhà thì thấy anh em thương binh vây kín. Hỏi ra mới biết họ gửi nhiều đơn thư nhưng không Bộ trưởng nào trả lời nên đến tận nơi đưa. Cuối cùng mọi người cùng ngồi trò chuyện một lát, đưa đơn cho Thượng tướng rồi ra về.
Lần này, Thượng tướng Song Hào nhận ra:“Làm công tác chính sách rất khó, nếu chỉ có tâm mà không có trách nhiệm, không có sự nhạy cảm thì chưa làm được, ngược lại có trách nhiệm, nghĩa vụ mà không có tâm, không thông cảm, chia sẻ với đối tượng thì cũng khó mà làm tốt được. Vì vậy, phải có đủ 2 thứ tâm và trách nhiệm”.