Vinh quang người chiến sĩ áo trắng - Bài 1: Vẹn tròn niềm tin yêu!

Trải qua các giai đoạn cách mạng, đội ngũ thầy thuốc Quân đội luôn hoàn thành tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, được nhân dân hết mực tin yêu, mến phục và ngày càng khẳng định vị thế trong ngành y tế nước nhà.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 / 27-2-2025), Báo Quân đội nhân dân giới thiệu loạt bài: Vinh quang người chiến sĩ áo trắng.

Dù ở bất cứ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người thầy thuốc quân y luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền”. Những cống hiến thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc mặc áo lính trong suốt nhiều năm qua đã tô thắm và làm tỏa sáng thêm truyền thống tốt đẹp, phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ.

Như những người con của buôn làng

“Nó đấy, nó là con đỡ đầu của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quốc Trí đấy...”. Vừa tươi cười với khóe mắt ánh lên niềm hạnh phúc, chị Bríu Thị Poi (thôn Arooi, xã Gari, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) vừa chỉ tay vào cô con gái của mình-bé Alăng Peo kháu khỉnh hơn 1 tuổi. Rồi chị kể, rạng 27-1-2024, chị thấy đau bụng dữ dội, có biểu hiện sắp sinh. Người nhà quyết định đưa chị đến bệnh viện trong đêm. Tuy nhiên, khi còn cách cơ sở y tế hơn 5km đường rừng thì chị bị vỡ ối, không thể tiếp tục đến cơ sở y tế.

Lúc đó khoảng 4 giờ, người nhà của chị Poi gọi cho Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Quốc Trí ở Đồn Biên phòng A Xan (BĐBP tỉnh Quảng Nam), đang phụ trách Phòng khám Đa khoa quân-dân y A Xan, đặt tại xã A Xan (Tây Giang). Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Quốc Trí nhanh chóng có mặt, thấy chị Poi đau đớn ngồi bên vệ đường, anh bình tĩnh bảo người nhà đốt lửa sưởi ấm và dùng đèn chiếu sáng để anh giúp sản phụ Poi vượt cạn giữa rừng trong tiết trời rét mướt.

Câu chuyện về người bác sĩ quân hàm xanh Nguyễn Văn Quốc Trí cũng rất đáng khâm phục. Năm 2007, tốt nghiệp trung cấp quân y, Thiếu úy QNCN Nguyễn Văn Quốc Trí nhận công tác tại Đồn Biên phòng A Xan. 4 năm công tác ở nơi được gọi là “cổng trời”, thấy cuộc sống của bà con nơi đây nhiều khó khăn, vất vả, nhất là về y tế, nhưng chỉ với trình độ y sĩ nên anh không thể giúp người dân những ca bệnh phức tạp, cần chuyên môn cao. Anh Trí viết đơn gửi Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam xin được đi học để nâng cao trình độ tại Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) và bản thân tự trang trải học phí.

Sau 4 năm đèn sách, ra trường, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí tiếp tục được phân công về công tác tại nhiều địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới Quảng Nam, rồi phụ trách Phòng khám Đa khoa quân-dân y A Xan. Phòng khám có nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân 4 xã vùng cao biên giới của huyện Tây Giang. Để dễ tiếp cận và thăm khám bệnh cho đồng bào, anh đã tự học và nói thành thạo tiếng của người Cơ Tu. Bởi vậy, gần 20 năm gắn bó với biên giới, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí đã thật sự coi nơi đây là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt.

Quân y Cục 11, Tổng cục II khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) theo Chương trình quân-dân y kết hợp. Ảnh: AN LÊ

Quân y Cục 11, Tổng cục II khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) theo Chương trình quân-dân y kết hợp. Ảnh: AN LÊ

Còn Trung tá QNCN Vũ Thị Quang đã gắn bó với Bệnh xá Đoàn Kinh tế-Quốc phòng Quảng Sơn, Công ty TNHH MTV Cà phê 15 (Quân khu 5) hơn 23 năm. Đứng chân tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong, Đắk Nông), Bệnh xá có nhiệm vụ làm công tác y tế dự phòng, khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động Công ty TNHH MTV Cà phê 15 và người dân hai xã Quảng Sơn, Đắk R’Măng (huyện Đắk Glong). Bệnh xá có 8 phòng, 12 giường bệnh, các y, bác sĩ thay nhau trực 24/7.

Xã Quảng Sơn có khoảng 20.500 nhân khẩu, trong đó phần lớn là người M’nông. Bên cạnh những khó khăn do đứng chân nơi vùng sâu, vùng xa, kinh tế-xã hội chậm phát triển, giao thông không thuận tiện, thì nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Nhiều trường hợp bệnh nặng, nằm ngoài khả năng xử lý, chữa trị của các y, bác sĩ bệnh xá. Trung tá QNCN Vũ Thị Quang, Bệnh xá trưởng nhớ lại, cách đây gần 10 năm, khi đi công tác dưới bon (thôn, xóm), chị gặp một người dân đội con gà đen đã mổ bụng trên đầu.

Hỏi ra mới biết, người này đi làm rẫy, bị đau đầu, chóng mặt, nhưng không đến trạm y tế khám bệnh mà hỏi thầy cúng và được “phán” rằng do đi rừng nên bị “ma rừng nhập”, phải bắt con gà đen, mổ bụng đặt lên đầu để “hút bệnh ra ngoài”. Bằng kinh nghiệm, chị biết người này bị chứng tiền đình, hay chóng mặt khi làm việc nặng nên đã cố gắng khuyên nhủ, vận động, điều trị bằng thuốc và tập luyện. Khi uống thuốc xong, triệu chứng giảm hẳn thì người dân mới tin và đều đặn đến khám, xin thuốc ở Bệnh xá. Do đó, cùng với công tác khám bệnh, cấp thuốc, các y, bác sĩ Bệnh xá còn tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống mới, không mê tín dị đoan, từ bỏ thói quen lạc hậu, khi ốm đau thì phải lên Bệnh xá hoặc liên hệ các y, bác sĩ đến thăm khám tại nhà.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đội quân công tác

Không riêng Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Quốc Trí, Trung tá QNCN Vũ Thị Quang mà còn hàng nghìn cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ Quân đội trên khắp mọi miền đất nước đang ngày đêm thầm lặng cống hiến, hy sinh để chăm lo cho sức khỏe bộ đội và nhân dân. Họ không chỉ hết lòng, hết sức làm tròn sứ mệnh chữa bệnh cứu người của người thầy thuốc mà luôn tận tâm, tận lực với nhiệm vụ của Bộ đội Cụ Hồ là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đội quân công tác.

Hiện nay, cả nước có 10 bệnh viện quân-dân y, 5 trung tâm y tế quân-dân y huyện đảo, 34 bệnh xá quân-dân y và 835 trạm y tế quân-dân y đang hoạt động. Trên dọc tuyến biên giới có 125 phòng khám quân-dân y do BĐBP quản lý, không chỉ khám bệnh cho nhân dân địa phương mà còn giúp đỡ chăm sóc sức khỏe cho người dân nước bạn Lào và Campuchia. Còn ở nơi hải đảo xa xôi, tính trong giai đoạn 2018-2023, lực lượng quân y trên các đảo, đặc biệt là Trường Sa đã khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí cho hơn 700.000 lượt người, cấp cứu 232 bệnh nhân nặng, phối hợp vận chuyển vào bờ bằng máy bay quân sự 33 lượt người, bằng tàu 27 lượt người. Quân y Trường Sa trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển; cho quân và dân yên tâm xây dựng cuộc sống và bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.

Năm 2024, quân y các đơn vị tích cực phối hợp với y tế địa phương thực hiện các hoạt động kết hợp quân-dân y, trọng tâm là khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch cho nhân dân khu vực vùng sâu, vùng xa, thiên tai, lụt bão. Trong đó đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, trao tặng quà đối tượng, gia đình chính sách trên 65.000 lượt người. Quân y BĐBP khám bệnh, chữa bệnh cho 96.746 lượt người, cấp cứu 768 lượt bệnh nhân khu vực biên giới; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 18.165 lượt người, tham gia tiêm chủng mở rộng 48.941 lượt trẻ em... Ngoài ra, quân y BĐBP khám bệnh cho nhân dân Lào, Campuchia với 5.426 lượt người, cấp thuốc miễn phí cho 3.739 lượt người.

Quân y Bệnh xá Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 (Quân khu 5) thăm khám sức khỏe cho nhân dân vùng biên giới huyện Ea Súp (Đắk Lắk). Ảnh: VIỆT HÙNG

Quân y Bệnh xá Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 (Quân khu 5) thăm khám sức khỏe cho nhân dân vùng biên giới huyện Ea Súp (Đắk Lắk). Ảnh: VIỆT HÙNG

Có thể khẳng định, hoạt động kết hợp quân-dân y đã bám sát các định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm; khám, chữa bệnh, chữa trị cho nhân dân bị nạn do thiên tai, thảm họa và xây dựng tiềm lực y tế-quốc phòng. Hoạt động kết hợp quân-dân y góp phần giải quyết những vấn đề còn khó khăn của y tế dân y tuyến cơ sở; ngày càng khẳng định được vai trò của quân y trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, củng cố niềm tin yêu của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội, nhất là ở các địa bàn chiến lược, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.

MINH MẠNH - CHU ANH - ĐỨC HIẾU

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/vinh-quang-nguoi-chien-si-ao-trang-bai-1-ven-tron-niem-tin-yeu-817024
Zalo