Vĩnh Phúc: tổng doanh thu du lịch năm 2024 tăng 10,8%
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đón khoảng 10,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 14% so với năm 2023. Trong đó khách quốc tế ước tính khoảng 90.000 lượt và khách nội địa đạt hơn 10,5 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng khách du lịch năm 2024 tăng 14%
Ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, những năm qua, tỉnh đã đưa vào khai thác và sử dụng nhiều loại hình du lịch mới mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho du khách như: du lịch trải nghiệm; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo; du lịch thể thao…
Cùng với việc nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức hiệu quả tại các điểm du lịch đã góp phần quan trọng trong quảng bá du lịch Vĩnh Phúc đến với bạn bè trong nước và quốc tế, thu hút đông đảo du khách tìm đến Vĩnh Phúc tham quan trải nghiệm.
“Trong năm 2024, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, địa phương đã đón 10,6 triệu lượt khách, tăng 14% so với năm trước và đạt 100% kế hoạch năm đề ra. Lượng khách quốc tế ước tính đạt khoảng 90.000 lượt (đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc là chủ yếu); còn lại là khách nội địa ước tính đạt hơn 10,5 triệu lượt; đem lại tổng doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 100% kế hoạch năm.” – ông Đỗ Hoàng Dương cho biết.
Theo thống kê đến thời điểm ngày 30/11, tỉnh Vĩnh Phúc có 570 cơ sở lưu trú du lịch, giải quyết công việc cho khoảng 8.620 người. Trong đó có 4 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 9 khách sạn 3 sao, 44 khách sạn 2 sao, 15 khách sạn 1 sao và 496 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia về nhà nghỉ du lịch và nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.
Các cơ sở lưu trú đã tăng cường duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, chất lượng dịch vụ ở các cơ sở lưu trú đã tốt hơn so với những năm trước, bước đầu mang lại sự hài lòng cho du khách.
Phấn đấu đón 12 triệu lượt du khách trong năm 2025
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2024, ngành du lịch Vĩnh Phúc nói chung vẫn còn những hạn chế: chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, nhất là các cơ sở lưu trú 4 - 5 sao; thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm; các sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng còn đơn điệu, không mang đặc trưng, dấu ấn riêng của tỉnh… Công tác quản lý, bảo vệ di sản, tài nguyên du lịch ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ.
Hoạt động du lịch còn mang tính thời vụ nên chưa thu hút được lao động có chất lượng cao. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chưa quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, nghiệp vụ cho người lao động.
Bước sang năm 2025, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đón trên 12 triệu lượt khách; doanh thu du lịch ước đạt trên 4.500 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, Vĩnh Phúc đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch phát triển.
Cụ thể, tập trung vào các sản phẩm đặc thù như du lịch kết hợp với thể thao golf; du lịch kết hợp hội nghị hội thảo; du lịch tìm hiểu văn hóa; du lịch sinh thái, và du lịch mạo hiểm; tăng cường khai thác tiềm năng du lịch tại các vùng đặc trưng, đặc biệt là khu vực các xã dưới chân núi Tam Đảo, và các khu di sản văn hóa của tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điểm đến, hỗ trợ khách du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ; xây dựng hệ sinh thái số phục vụ khách hàng và doanh nghiệp. Định hướng phát triển xanh trong các mô hình kinh doanh du lịch, Vĩnh Phúc tiếp tục lồng ghép các yếu tố bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu vào quy hoạch và phương án phát triển du lịch.
Tăng cường xúc tiến và quảng bá du lịch, tập trung vào thị trường trong nước và quốc tế tiềm năng, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo nhân lực ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, am hiểu văn hóa lịch sử, có kỹ năng ngoại ngữ.