Vĩnh Phúc: Sớm triển khai dự án Nhà lưu niệm Bác Hồ tại thị trấn Tam Đảo

Việc phục dựng lại ngôi nhà gỗ nơi Bác Hồ từng ở và làm việc tại thị trấn Tam Đảo trên nền ngôi nhà gỗ thuộc khu Giao tế Trung ương sẽ trở thành điểm đến lịch sử - văn hóa, phục vụ các hoạt động tưởng niệm, kỷ niệm, sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch tại thị trấn Tam Đảo.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để công trình sớm được triển khai xây dựng.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để công trình sớm được triển khai xây dựng.

Thị trấn Tam Đảo có nhiều di tích lịch sử cách mạng cần đươc phục dựng, tu bổ, trong đó có ngôi nhà gỗ thuộc khu Giao tế Trung ương. Theo các tài liệu, Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc 8 lần, trong đó, Bác đi thăm, làm việc và nghỉ lại thị trấn Tam Đảo 3 lần. Lần thứ nhất vào ngày 19/5/1955, Bác lên thăm công trường xây dựng các nhà nghỉ phục vụ chuyên gia nước ngoài. Lần thứ 2 vào các ngày 14 - 15/7/1963, Bác nghỉ tại khu nhà Giao tế, sau đó, ngày 16/7/1963, Bác đến thăm và phát biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc. Lần thứ 3 vào ngày 27/7/1968, Bác lên Tam Đảo dự cuộc họp của Quân ủy Trung ương.

Bác không cho xây dựng nhà nghỉ riêng ở đây mà mỗi khi lên thị trấn Tam Đảo, Bác thường ở tại những ngôi nhà sẵn có của cơ quan Giao tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng hoặc Bộ Quốc phòng làm nơi nghỉ ngơi, cũng là nơi làm việc và tiếp khách. Trong số đó, khu nhà Giao tế thuộc khu Giao tế Trung ương là nơi Bác thường ở lại. Khu này nằm ở lưng chừng núi, có 2 ngôi nhà gỗ cùng một kiểu kiến trúc, cách nhau khoảng 30m.

Ngôi nhà số 1 nằm ở phía sau, có căn hầm bằng bê tông do công binh ta đào để trú ẩn tránh không quân của giặc Mỹ ném bom. Hầm khá dài, gấp khúc, có hệ thống điện chiếu sáng, có 1 cửa ra vào và 1 cửa thoát hiểm bằng sắt dày, chắc.

Nhà số 2 ở phía trước có cây ổi và chiếc ghế bằng xi măng, trước năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Tam Đảo nghỉ tại ngôi nhà này. Buổi sáng sớm và chiều tối, Bác thường ngồi nghỉ dưới gốc cây ổi, đọc sách, báo hoặc trò chuyện với cán bộ Trung ương, cán bộ địa phương và các chiến sĩ bảo vệ đi cùng Người. Sau này, giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, khi Bác lên Tam Đảo, các đồng chí phục vụ mời Bác nghỉ ở nhà số 1 cho gần hầm trú ẩn hơn.

Những di tích lịch sử ở thị trấn Tam Đảo cùng với ngôi nhà gỗ nơi Bác Hồ từng ở và làm việc có ý nghĩa lịch sử quan trọng, ghi dấu những giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự tàn phá của thời gian, hiện nay, ngôi nhà gỗ đã mục nát, chỉ còn lại vết tích cũ. Cây ổi đã bị đổ, cây già, rỗng thân.

Dự án Nhà lưu niệm Bác Hồ trên thị trấn Tam Đảo được phục dựng trên nền ngôi nhà gỗ thuộc khu Giao tế Trung ương xưa.

Dự án Nhà lưu niệm Bác Hồ trên thị trấn Tam Đảo được phục dựng trên nền ngôi nhà gỗ thuộc khu Giao tế Trung ương xưa.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần phục dựng lại ngôi nhà gỗ nơi Bác Hồ từng ở và làm việc, trước hết là để bày tỏ sự tôn kính, lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Vĩnh Phúc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng, phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, không ngừng học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công trình được phục dựng sẽ trở thành điểm đến lịch sử - văn hóa, phục vụ các hoạt động tưởng niệm, kỷ niệm, sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch tại thị trấn Tam Đảo.

Với những ý nghĩa đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo đề xuất UBND tỉnh đầu tư dự án Nhà lưu niệm Bác Hồ tại vị trí ngôi nhà gỗ nơi Bác từng ở và làm việc khi lên Tam Đảo. Dự kiến công trình được xây dựng, phục hồi trên tổng diện tích hơn 800m2, trong đó, khu xây dựng nhà lưu niệm có diện tích hơn 500m2, khu vực hầm trú ẩn diện tích hơn 300m2.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Ngôi nhà Bác Hồ từng ở và làm việc trước đây không còn, chỉ còn lại một số bức ảnh chụp mặt trước của ngôi nhà, vì vậy, khó khăn trong việc xác định quy mô, diện tích và kiểu dáng kiến trúc công trình. Vị trí đất thực hiện dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận phạm vi, giới thiệu địa điểm, tuy nhiên chưa được cấp có thẩm quyền giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để công trình sớm được triển khai xây dựng. Công trình được phục dựng đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân, là địa điểm sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống cho nhân dân và du khách.

Bích Huệ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vinh-phuc-som-trien-khai-du-an-nha-luu-niem-bac-ho-tai-thi-tran-tam-dao-391389.html
Zalo