Vĩnh Phúc: 'Gỡ khó' cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng
Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt mà thiếu vốn.
Sáng 03/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc và chi nhánh Phúc Yên tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2024.
Báo cáo của NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc cho biết, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo đà thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng như giảm lãi suất, công khai lãi suất cho vay; thực hiện tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu tăng thêm đã được NHNN điều chỉnh; đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đưa nhiều gói tín dụng ưu đãi phù hợp với từng đối tượng khách hàng; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng...
Đến ngày 30/9, các tổ chức tín dụng đã cho 3.208 doanh nghiệp vay vốn, với dư nợ đạt 56.438 tỷ đồng, chiếm trên 41% tổng dư nợ. Trong đó, cho vay mới 1.137 khách hàng là doanh nghiệp thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, với tổng dư nợ đạt 19.300 tỷ đồng.
Riêng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc và chi nhánh Phúc Yên, từ đầu năm đến nay đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp từ 1,5 - 2,5%/năm tùy từng kỳ hạn.
Tính đến hết tháng 9/2024, đơn vị có dư nợ cho vay đối với khách hàng là doanh nghiệp đạt 11.463 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay ưu đãi dành cho khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt hơn 1.700 tỷ đồng; cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng là doanh nghiệp lớn đạt hơn 2.230 tỷ đồng; cho vay đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu đạt 524 tỷ đồng.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là các dự án nhà ở xã hội; Ngành Ngân hàng tiếp tục xem xét, giảm lãi suất cho vay nhằm tăng sức hấp dẫn, hỗ trợ đối với doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu đã đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Ngân hàng và chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị các sở, ban, ngành chủ động rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Hiếu đề nghị NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc tăng cường chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp; Tập trung tối đa nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình, mục tiêu quốc gia.
Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt mà thiếu vốn.
Đối với các ngân hàng thương mại, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các ngân hàng chủ động rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, bảo đảm số liệu khách quan, thực chất.
Đồng thời tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả nhằm nắm bắt, chia sẻ thông tin, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; khơi thông vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động, có các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.
Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng lưu ý các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, xem xét cho vay phù hợp với tình hình hoạt động và nhu cầu sản xuất, kinh doanh.