Nợ của châu Phi và vai trò của các hãng xếp hạng tín nhiệm
Trong những năm gần đây, các bộ trưởng tài chính châu Phi ngày càng lo ngại về xếp hạng tín nhiệm của nước họ và đã kêu gọi thành lập một tổ chức xếp hạng tín dụng của riêng châu lục này.
Vấn đề nợ của châu Phi
là trọng tâm thảo luận tại các cuộc họp mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Hiện có khoảng 20 quốc gia châu Phi thu nhập thấp đang rơi vào tình trạng phá sản hoặc đối diện nguy cơ vỡ nợ cao. Trên khắp “lục địa Đen”, lãi suất cao, lạm phát tăng vọt và các nền kinh tế trì trệ đã khiến gánh nặng nợ sau đại dịch khó thu hẹp hơn.
Các nhà hoạch định chính sách khu vực này cho rằng “phí bảo hiểm châu Phi” cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Đây là chi phí tăng thêm mà các quốc gia châu Phi phải gánh chịu khi huy động tài chính chỉ vì nằm trong khu vực này. Các nhà hoạch định chính sách lập luận rằng điều này xuất phát từ những thành kiến và sự thiếu chính xác trong các điểm đánh giá tín dụng được đưa ra bởi "Bộ ba” hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu của Mỹ là S&P Global, Moody’s và Fitch – chiếm đến 95% thị trường xếp hạng tín nhiệm toàn cầu.
Trong những năm gần đây, các bộ trưởng tài chính châu Phi ngày càng lo ngại về xếp hạng tín nhiệm của nước họ và đã kêu gọi thành lập một tổ chức xếp hạng tín dụng của riêng châu lục này. Các chuyên gia khu vực mới đây đã nhóm họp tại Nairobi để thảo luận về cách cải thiện đánh giá tín dụng trên toàn châu Phi. Liên minh châu Phi dự kiến Cơ quan Xếp hạng Tín dụng châu Phi (AfCRA) sẽ ra mắt vào năm tới.
Các quốc gia châu Phi thường phải đối mặt với chi phí sử dụng vốn cao hơn so với những nước có nền kinh tế tương tự. Tuy nhiên, khó có thể xác định chính xác bao nhiêu trong khoản phí này là do những nhận thức sai lệch, hay thực tế do những rủi ro chính trị và thách thức về cơ cấu kinh tế. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lập luận rằng họ áp dụng tiêu chuẩn đánh giá nợ nghiêm ngặt, giống nhau cho mọi quốc gia có chủ quyền, dù ở châu Phi hay không.
Điều đó không có nghĩa là lo ngại của các nhà hoạch định chính sách châu Phi là không có cơ sở. Xếp hạng tín dụng không phải là một khoa học chính xác, và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn này đã từng nhanh chóng thay đổi đánh giá tín dụng trong quá khứ. Các tổ chức xếp hạng kết hợp phân tích kinh tế – dựa trên các thước đo như tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ nợ và dự trữ ngoại hối – với đánh giá định tính về chính sách, thể chế và động lực chính trị, địa chính trị. Tuy nhiên, chất lượng và độ tin cậy của các số liệu quốc gia ở châu Phi còn thấp. Trong khi đó, các hãng xếp hạng tín nhiệm hiện diện hạn chế ở châu Phi và điều này làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tiến hành đánh giá tổng thể của họ.
Điều này có nghĩa là ngay cả khi không có thành kiến mang tính hệ thống với các quốc gia châu Phi, các phương pháp xếp hạng tín dụng vẫn có thể có sai sót. Năm ngoái, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) ước tính rằng các quốc gia châu Phi có thể tiết kiệm hàng chục tỷ USD (tiền thanh toán lãi,....) nếu các hãng xếp hạng sử dụng một mô hình tín dụng khách quan hơn.
Tuy nhiên, việc ra mắt một cơ quan xếp hạng tín dụng do châu Phi dẫn đầu không phải là "thuốc chữa bách bệnh". Các vấn đề như quản trị yếu kém, chiều sâu thị trường còn hạn chế, và sự phức tạp trong việc tái cấu trúc nợ vẫn là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ nần chồng chất của châu lục này. Khả năng trả nợ của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào các mô hình kinh tế, mà còn cần đánh giá về động lực chính trị. AfCRA có thể không tạo được niềm tin với các nhà đầu tư nếu bị cho là quá ưu ái đối với các “con nợ” trong khu vực.
AfCRA có thể mang lại lợi ích nếu cơ quan này tập trung vào việc nâng cao chất lượng dữ liệu khu vực và chia sẻ phân tích với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn. Các cơ quan xếp hạng lớn cũng nên mở rộng sự hiện diện ở châu Phi, một lục địa trẻ, đang phát triển nhanh chóng, và thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư.
Châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng vốn đầu tư để ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao năng suất, nên chi phí tài chính công bằng và chính xác là rất quan trọng.
Ngay cả khi việc đánh giá xếp hạng tín dụng của châu Phi có thể trở nên chi tiết hơn, những động lực chính khiến chi phí vay mượn của châu Phi cao vẫn còn đó. Các bộ trưởng tài chính khu vực cần tập trung cải cách tài chính công, một nhiệm vụ quan trọng và khó khăn.
Những cải cách này bao gồm cải thiện nguồn thu thuế và loại bỏ các khoản trợ cấp lãng phí. Các nỗ lực tái cấu trúc nợ đa phương cũng cần được tiếp tục. Rõ ràng, việc thành lập một cơ quan xếp hạng tín dụng của châu Phi chỉ là một phần trong hành trình nhằm giải quyết các vấn đề về dòng tiền của châu lục này./.