Vĩnh Phúc dừng triển khai Đề án xây dựng không gian đọc sách mở
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa đồng ý dừng triển khai 'Đề án xây dựng không gian đọc sách mở và thân thiện cho các trường phổ thông' trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Sáng 30/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc họp và cho ý kiến một số nội dung quan trọng, trong đó cho ý kiến vào tờ trình số 488 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc dừng triển khai Đề án xây dựng không gian đọc sách mở và thân thiện cho các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại Hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An đồng ý với chủ trương dừng đầu tư bằng ngân sách Nhà nước để xây dựng công trình tạo không gian đọc sách như mục tiêu Đề án nhằm bảo đảm các quy định của Luật Đầu tư công.
Tuy nhiên, ông Dương Văn An cũng lưu ý đối với những nơi có điều kiện xây dựng không gian đọc sách ngoài trời hấp dẫn, bảo đảm hiệu quả và huy động được nguồn xã hội hóa thì có thể tiếp tục triển khai, thực hiện.
Vị Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh, các cơ quan liên quan, địa phương, nhà trường tiếp tục phát huy cơ sở vật chất hiện có để khuyến khích, động viên, thúc đẩy, lan tỏa nhu cầu, thói quen, kỹ năng tìm, đọc sách trong học sinh.
Đồng thời, chú trọng nâng cấp hệ thống thư viện trường học theo hướng chuẩn hóa gắn với xu thế chuyển đổi số, xu hướng kiến trúc xanh, thân thiện môi trường.
Bên cạnh đó, trong quá trình đầu tư các công trình, thiết chế văn hóa công cộng cần chú ý lồng ghép các nội dung để phát triển văn hóa đọc. Các nhà trường, đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh cần phát động phong trào đọc sách, thi kể chuyện sách...
Trước đó, 13/12/2022 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Đề án Xây dựng không gian đọc sác mở và thân thiện trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của đề án: phấn đấu đến năm 2024, 100% cơ sở giáo dục ở các bậc học, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 50% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định; 90% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó có bộ phận phục vụ thiếu nhi và người khuyết tật.
Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 271 tỷ đồng, trong đó, gần 190 tỷ đồng dự kiến chi từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách nhà nước cấp tỉnh, hơn 81 tỷ đồng huy động từ các nguồn khác (ngân sách cấp huyện, nguồn xã hội hóa).