Vĩnh Phúc: độc đáo lễ hội chọi trâu Hải Lựu
'Dù ai đi đâu, ở đâu, tháng Giêng mười bảy chọi trâu thì về'. Cứ vào ngày 16 và 17 tháng Giêng, người dân xã Hải Lựu (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) lại tưng bừng tham dự Lễ hội chọi trâu rất độc đáo, mang nhiều ý nghĩa văn hóa và lịch sử.
![Lễ hội chọi trâu Hải Lựu Xuân Ất Tỵ 2025 bao gồm phần lễ diễn ra vào ngày 12/2 (tức 15 tháng Giêng) và phần hội diễn ra trong 2 ngày 16 và 17 tháng Giêng. Ảnh tư liệu: Sỹ Hào.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_11_51458189/73283ab60df8e4a6bde9.jpg)
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu Xuân Ất Tỵ 2025 bao gồm phần lễ diễn ra vào ngày 12/2 (tức 15 tháng Giêng) và phần hội diễn ra trong 2 ngày 16 và 17 tháng Giêng. Ảnh tư liệu: Sỹ Hào.
Nguồn gốc cổ xưa của Lễ hội chọi trâu Hải Lựu
Lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu năm Ất Tỵ 2025 tổ chức phần lễ vào ngày 12/2 (tức 15 tháng Giêng, gồm các nghi lễ tại Thành hoàng làng, lễ hiến sinh...) và phần hội (chọi trâu) diễn ra trong hai ngày 16 và 17 tháng Giêng.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội chọi trâu Hải lựu là một trong những lễ hội cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Khi nhà Hán tiến quân xâm lược và thôn tính nước Nam Việt, Thừa tướng nước Nam Việt là Lữ Gia phải lui quân về vùng núi Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc để ẩn náu, đồng thời chiêu mộ dân binh tiếp tục kháng giặc, mưu đồ phục quốc.
Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để khích lệ sĩ khí, trâu sau khi chọi (cả chiến thắng và chiến bại) đều được mổ thịt để khao thưởng. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu lập đền thờ để tưởng nhớ, suy tôn ông là Thành hoàng làng, lễ hội chọi trâu trở thành một tập tục của cư dân.
Đến năm 1947, thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt, Lễ hội chọi trâu Hải Lựu đã phải tạm dừng một thời gian. Đến năm 2002, lễ hội được khôi phục trở lại và thu hút hàng vạn người dân và du khách tham dự.
Các “chiến ngưu” - trâu chọi tham gia lễ hội được người dân địa phương gọi là các “ông Cầu” - tên gọi thân thiết này gửi gắm ước vọng của người dân về một đời sống sung túc, no ấm thanh bình. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu Xuân Ất Tỵ 2025 có 20 “ông Cầu” đến từ các thôn dân cư và các ngành, đoàn thể trên địa bàn xã tham gia tranh tài.
Nét độc đáo của Lễ hội chọi trâu Hải Lựu
Các “ông Cầu” được các xóm, thôn, làng, họ tộc, hay các tổ chức cựu chiến binh, người cao tuổi... nuôi dưỡng, huấn luyện. Những người nuôi dưỡng huấn luyện trâu chọi thường có quan hệ gần gũi và thân thiết nhau, đậm đà “tình làng nghĩa xóm”.
Hàng năm, mỗi thôn làng lại cử người lên mạn Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên... để tuyển trâu. Mua được các “chiến ngưu” đã là việc không dễ dàng, nhưng việc chăm sóc và huấn luyện còn khổ công hơn. Những người vinh dự được làng cử đi tìm tuyển và nuôi “ông Cầu” phải là những người có uy tín trong làng xóm, có kinh nghiệm huấn luyện, gia đình phải thuận hòa, con cháu hiếu thảo…
![Lễ hội chọi trâu Hải Lựu hàng năm thu hút hàng vạn người dân tham dự. Ảnh tư liệu: Sỹ Hào.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_11_51458189/d64287dcb09259cc0083.jpg)
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu hàng năm thu hút hàng vạn người dân tham dự. Ảnh tư liệu: Sỹ Hào.
Các “ông Cầu” được gia đình chăm nuôi rất cẩn thận, chuồng trại luôn sạch sẽ, nhà nào cũng trồng một ruộng cỏ voi thật lớn, nấu cháo ngô cho “ông Cầu”. Hàng ngày, người luyện trâu phải xuống chuyện trò, gãi lưng, xoa đầu, xoa tai chăm sóc để “ông Cầu” khỏe mạnh.
Khi người chăm sóc và “ông Cầu” đã thân thiết đến mức “tâm đầu ý hợp” thì mới có thể bước sang giai đoạn luyện trâu. Lúc chiều muộn, người nuôi trâu thường dẫn trâu ra đồng để “luyện sừng”, thực hành với các miếng đánh hiểm hóc. Giai đoạn luyện trâu này, tuyệt đối không cho đấu với các trâu khác.
Người dân xã Hải Lựu đúc kết, trâu chọi thường có 4 miếng đánh cơ bản: bổ đao, dùng thân mình lao thẳng vào đối thủ (đòn sở trường của những “ông Cầu" tính khí hung tợn dữ dội thường tấn công phủ đầu); táng hầu; ngáng chân (sở trường của những “ông Cầu” thận trọng, giỏi phòng thủ) và khóa sừng quật ngã đối thủ, sở trường này của những “ông Cầu” sở hữu cặp sừng dài, khỏe.
Thông thường, các “chiến ngưu” không thể nào hội tụ được cả 4 miếng đánh trên. Người nuôi trâu phải biết cách huấn luyện để phát huy các sở trường, hạn chế sở đoản. Thắng bại của “chiến ngưu” phụ thuộc rất nhiều vào người huấn luyện, đặc biệt là cách dắt trâu ra đấu trường tham chiến.
Lễ hội diễn ra vào ngày 16, 17 tháng Giêng, nhưng trước đó vào tháng 9 âm lịch (năm cũ) đã diễn ra một buổi lễ “trình trâu” để tiến hành kiểm tra xem trâu chọi có đạt tiêu chuẩn không. “Ông Cầu” nào trước khi đưa vào “đấu trường” cũng đều có trọng lượng từ 5 tạ trở lên.
Đúng ngày lễ hội, các “ông Cầu” được đưa đến khu vực gò Mả Đàm (cũ) nay đã được xây thành đấu trường, với sức chứa gần 10 vạn khán giả, có hai cửa đông và tây. Ở cửa đông có bố trí ao thoát hiểm để trâu thua cuộc có nơi ẩn nấp. Thể lệ thi đấu gắp thăm, đấu loại trực tiếp cho tới khi còn cặp trâu cuối cùng thi đấu để tìm ra “ông Cầu” vô địch.
Trong lễ hội, cả trâu thắng và thua đều được mổ thịt để cúng tế trời đất và liên hoan, chủ trâu cũng được chia phần là bộ sừng để làm kỷ vật. Theo quan niệm dân gian những làng nào có “ông Cầu” chiến thắng thì năm đó làng gặp nhiều may mắn, mọi người mạnh khỏe, mùa màng bội thu.