Phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi 'pháo đài bay' B-52: Lòng yêu nước là cội nguồn sức mạnh
Theo anh hùng Phạm Tuân - phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi 'pháo đài bay' B-52 của Mỹ, ý chí quyết tâm của người lính được bắt nguồn từ lòng yêu quê hương, đất nước, yêu cha mẹ, yêu ruộng vườn, yêu những thứ nhỏ nhất, đó là cội nguồn sức mạnh để chúng ta vươn lên đạt những chiến công.
Xứng danh là thanh niên Việt Nam
Trong không gian Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - một trong các bảo tàng Quốc gia, đứng đầu trong hệ thống Bảo tàng Quân đội, hiện lưu giữ hơn 150.000 hiện vật. Trong đó, có 4 Bảo vật Quốc gia gắn với lịch sử chống Mỹ, cứu nước, gồm: Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh, Xe tăng T-54B số hiệu 843, máy bay MiG-21 số hiệu 4324 và chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 5121.
Chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 5121 gắn với chiến công bắn rơi máy bay B-52, của Trung tướng, Anh hùng LLVTND, Anh hùng lao động Phạm Tuân - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Không quân, trong trận đánh đêm 27/12/1972, tại Chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.
![Trung tướng Phạm Tuân cùng các đại biểu, thanh thiếu nhi và tân binh chụp ảnh bên máy bay MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Xuân Tùng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_20_51459413/867bb32784696d373478.jpg)
Trung tướng Phạm Tuân cùng các đại biểu, thanh thiếu nhi và tân binh chụp ảnh bên máy bay MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Xuân Tùng
Anh hùng Phạm Tuân là phi công đầu tiên bắn rơi máy bay B-52, được coi là “pháo đài bay” bất khả xâm phạm của không quân Mỹ, tại Chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.
Tại không gian đặc biệt này, ngày 11/2, Trung tướng Phạm Tuân đã cùng ôn lại nhiều kỷ niệm, câu chuyện hào hùng cùng đồng đội chiến đấu, chiến thắng, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến các bạn trẻ và tân binh.
Kể về lần xuất kích vào đêm 27/12/1972, Trung tướng Phạm Tuân cho biết, ông lái máy bay cất cánh từ sân bay Yên Bái, bay thấp theo đài dẫn mặt đất bí mật tiếp cận phi đội hộ tống của địch.
Khi lên tới độ cao 7km, đài chỉ huy mặt đất báo có B-52 bay vào Hà Nội. Các thiết bị báo khoảng cách giữa máy bay của ông và B-52 giảm nhanh chóng, từ 200km, 100km rồi chỉ còn khoảng 10km. Khi chỉ còn cách mục tiêu chưa đầy 4km, phi công Phạm Tuân xin công kích và được đài chỉ huy đồng ý. Tuy nhiên, trực giác mách bảo ông phải tiếp cận gần hơn nữa.
Với vận tốc vượt âm, chiếc MiG-21 ngày càng tiến sát "pháo đài bay" đang trên đường tiến công Thủ đô Hà Nội. Bằng sự mưu trí, dũng cảm và sáng tạo, phi công Phạm Tuân đã bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ.
Trung tướng Phạm Tuân kể về trận đánh đêm 27/12/1972. Clip: Xuân Tùng
![Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ tại giao lưu “Khát vọng cống hiến - Vững bước tương lai” thuộc chương trình Gặp mặt thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ và quân nhân xuất ngũ tiêu biểu năm 2025. Ảnh: Xuân Tùng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_20_51459413/4476002a3764de3a8775.jpg)
Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ tại giao lưu “Khát vọng cống hiến - Vững bước tương lai” thuộc chương trình Gặp mặt thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ và quân nhân xuất ngũ tiêu biểu năm 2025. Ảnh: Xuân Tùng
Từ câu chuyện tiêu diệt “pháo đài bay” bất khả xâm phạm, anh hùng Phạm Tuân chia sẻ: “Lúc nhập ngũ, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một phi công hay anh hùng gì cả, chỉ phấn đấu làm một chiến sĩ tốt”. Ông đã nỗ lực, học tập, rèn luyện với tinh thần kỷ luật đầy nghiêm khắc rồi trở thành anh hùng tiêu diệt máy bay B-52 đầu tiên của Mỹ, người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ trong 7 ngày.
“Mục đích lớn nhất của người chiến sĩ là chiến đấu và chiến thắng. Trong mọi hoàn cảnh phải xoay xở, quyết tâm đạt bằng được mục tiêu đó. Vì vậy, đòi hỏi mỗi người lính phải xây dựng bản lĩnh thật tốt, ý chí quyết tâm sắt đá và sự sáng tạo”, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.
Theo anh hùng Phạm Tuân, ý chí quyết tâm của người lính được bắt nguồn từ lòng yêu quê hương, đất nước, yêu cha mẹ, yêu ruộng vườn, yêu những thứ nhỏ nhất, đó là cội nguồn sức mạnh để chúng ta vươn lên đạt những chiến công.
“Mỗi bạn trẻ cần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, học tập, làm việc thật tốt, có ý chí và sáng tạo trong mọi hoàn cảnh. Đó là hình mẫu của thanh niên thời đại mới”.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_20_51459413/2eae6cf25bbcb2e2ebad.jpg)
Nhắn nhủ các bạn trẻ lên đường nhập ngũ, Trung tướng Phạm Tuân nhấn mạnh, cần kiên trì, nỗ lực rèn luyện để lập nên các chiến công, với phương châm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.
Ông kể, trước khi bay vào vũ trụ, ông được lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt. Trong buổi gặp mặt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhấn mạnh, căn dặn: là thanh niên Việt Nam, các cháu tự hào truyền thống của cha ông rồi; lần này các cháu cố gắng hoàn thành nhiệm vụ xứng danh là thanh niên Việt Nam. Những lời căn dặn này hàm chứa rất nhiều thông điệp, truyền cảm hứng, động lực mạnh mẽ để chúng tôi tự tin cất cánh bay vào vũ trụ.
Chúng tôi được giao lá cờ Tổ quốc, 1 nắm đất ở Ba Đình lịch sử, 1 bản Tuyên ngôn độc lập, 1 bản Di chúc của Bác Hồ và dấu bưu điện Việt Nam. Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cắm lá cờ Việt Nam vào vũ trụ, khẳng định người Việt Nam đã có mặt trong vũ trụ. Chính tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào giúp chúng tôi vượt lên tất cả để hoàn thành mọi nhiệm vụ”, Trung tướng Phạm Tuân nói.
![Trung tướng Phạm Tuân cùng tân binh tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_20_51459413/dcde9d82aacc43921add.jpg)
Trung tướng Phạm Tuân cùng tân binh tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng
Tiếp nối truyền thống cha ông
Lắng nghe những câu chuyện chia sẻ truyền cảm hứng của anh hùng Phạm Tuân, các tân binh Hà Nội chuẩn bị lên đường nhập ngũ và quân nhân xuất ngũ được truyền lửa nhiệt huyết thanh niên.
Bạn Lưu Thanh Vy - nữ tân binh quận Đống Đa là người đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ mùa tuyển quân năm nay. Vy đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, đang học thạc sĩ tại trường.
“Tạm dừng ước mơ và dự định tương lai nghề nghiệp là một quyết định khó khăn với tôi, nhưng có nhiều điều truyền động lực mạnh mẽ cho tôi gác bút lên đường, đó là tình yêu quê hương, đất nước, khát khao cống hiến; bố tôi cũng từng đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc trở thành nữ chiến sĩ là một niềm tự hào và đó là một hình ảnh rất đẹp”, Vy nói.
Nữ tân binh cho biết, gia đình rất ủng hộ quyết định này và tiết lộ, bản thân đã có người yêu, bạn trai động viên cô tự tin lên đường nhập ngũ và chờ ngày trở về bên nhau.
![Bạn Lưu Thanh Vy - nữ tân binh quận Đống Đa chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_20_51459413/6eca2e9619d8f086a9c9.jpg)
Bạn Lưu Thanh Vy - nữ tân binh quận Đống Đa chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng
Lê Hồng Phúc - quân nhân xuất ngũ tiêu biểu (huyện Đan Phượng) cũng mang đến câu chuyện đầy cảm xúc. Anh tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Giáo dục chính trị. Anh viết đơn lên đường nhập ngũ khi đang là giáo viên của Trường THPT Phan Huy Chú, Huyện Quốc Oai.
Động lực lớn nhất để anh tạm gác công việc, ước mơ của mình cũng là tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào với truyền thống hào hùng của dân tộc. Suốt 2 năm trong quân ngũ anh đã rèn luyện phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được kết nạp Đảng. Với Phúc đó là một trong những dấu ấn trưởng thành lớn nhất mà môi trường quân ngũ mang lại cho mình.
![Lê Hồng Phúc - quân nhân xuất ngũ tiêu biểu, chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_20_51459413/33df7c834bcda293fbdc.jpg)
Lê Hồng Phúc - quân nhân xuất ngũ tiêu biểu, chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng