Vĩnh Phúc chủ động đón đầu xu thế thu hút dòng vốn xanh

'Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đang bao trùm trên thế giới, việc định hướng đầu tư phát triển khu công nghiệp đạt hiệu quả cao và hướng tới phát triển bền vững là một trong những yêu cầu mang tính cấp thiết cần phải được đặt lên hàng đầu tại Vĩnh Phúc' - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho hay.

Đón đầu dòng vốn xanh

Chiều 9/12, tại tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) tổ chức Diễn đàn Giải pháp xanh toàn diện Khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Duy Đông - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Diễn đàn hôm nay có ý nghĩa rất lớn đối với Vĩnh Phúc. Đây là cơ hội để UBND tỉnh; các cấp chính quyền của tỉnh đồng hành với các doanh nghiệp nhất là các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh tiếp cận các mô hình phát triển KCN hiện đại, bền vững, thân thiện hơn với môi trường như: sinh thái, KCN thông minh, các giải pháp làm giảm phát thải khí carbon...

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn

Tính đến hết tháng 11/2024 Vĩnh Phúc đã thu hút được 1.326 dự án, trong đó: 481 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 8,4 tỷ USD; 845 dự án DDI với tổng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 145 nghìn tỷ đồng. Trong đó riêng các KCN Vĩnh Phúc, số dự án và số vốn đầu tư vào KCN chiếm tỷ lệ 75-80% trong toàn tỉnh tạo ra trên 120.000 việc làm với mức thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/tháng.

Đồng thời quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc tạo cơ hội kết nối hệ sinh thái phát triển công nghiệp và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc tốt hơn, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Theo ông Trần Duy Đông, mặc dù tình hình kinh tế thế giới những năm gần đây gặp nhiều biến động, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, song kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc nói chung vẫn vượt kế hoạch đề ra. Bình quân mỗi năm Vĩnh Phúc vẫn thu hút từ 25-30 dự án; điều chỉnh tăng vốn 30-35 dự án với tổng số vốn thu hút bình quân đạt 500-600 triệu USD, có năm đạt gần 1 tỷ USD (năm 2021).

Mục tiêu của tỉnh Vĩnh Phúc đến 2030 trở thành đô thị loại 1, hạt nhân trong vùng kinh tế phía Bắc Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Vĩnh Phúc cần chủ động đón đầu xu thế thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, dòng vốn FDI xanh vào các khu công nghiệp.

Ông Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam

Ông Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam

Tại diễn đàn, ông Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng dự báo về sự xuất hiện của làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang kéo theo nhu cầu lớn về thuê mặt bằng trong các KCN. Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát các KCN để chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn đàng đón sóng đầu tư nước ngoài mới.

Đặc biệt, trước đòi hỏi cấp bách của việc cần thực hiện đầu tư phát triển xanh trong giai đoạn tới, nhất là đối với các KCN hiện có và cấp mới, Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 40 - 50% địa phương chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8 - 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới để từng bước lập kế hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam

Vĩnh Phúc có lợi thế về vị trí địa lý, về cơ sở hạ tầng, lại nằm sát trung tâm kinh tế của cả nước là Hà Nội. Nhưng không phải vì có các lợi thế đó mà Vĩnh Phúc không tính đến các giải pháp đột phá để thu hút đầu tư nước ngoài và sử dụng nguồn ngoại lực này hiệu quả nhất trong giai đoạn Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, ông Phan Hữu Thắng đề nghị.

Nhận định về xu hướng đầu tư nước ngoài hiện nay, ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, Nhật Bản, Hàn Quốc có xu hướng chậm lại trong các quyết định đầu tư vào Việt Nam do các vấn đề nội tại của nền kinh tế. Trung Quốc đang có xu hướng mở rộng đầu tư để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đồng thời phát huy các lợi thế về cam kết thương mại của nước chủ nhà.

Singapore và các nước thứ 3 đặt trụ sở tại Singapore cũng đang có xu hướng mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Hoa Kỳ có xu hướng chuyển dịch 30% đầu tư ra khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa. Đài Loan (Trung Quốc) đang có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ vào Việt Nam trong lĩnh vực điện - điện tử, gia dụng công nghệ, pin xe điện...

Châu Âu đang đẩy mạnh hợp tác với ASEAN nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Một số lĩnh vực được các đối tác châu Âu quan tâm bao gồm năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen xanh, chip bán dẫn, nghiên cứu và phát triển, trí tuệ nhân tạo, robot… Khu vực Trung Đông đang thực hiện chính sách hướng Đông, trong đó Việt Nam có vai trò quan trọng.

Nêu khuyến nghị với địa phương, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước lưu ý yêu cầu hàng đầu là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính. Bên cạnh đó là đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thông qua việc tăng cường quảng bá hình ảnh tỉnh qua các kênh truyền thông quốc tế; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm...

“Quan trọng không kém là hỗ trợ các doanh nghiệp hiện hữu, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho họ, đồng thời phát triển liên kết vùng và ngành; triển khai các biện pháp kiểm soát môi trường chặt chẽ, khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư vào các công nghệ sản xuất sạch” - ông Vũ Văn Chung nhấn mạnh.

Cũng tại Diễn đàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký kết các thỏa thuận hợp tác (MOU) và trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư vào địa phương với tổng trị giá các dự án là 637,87 triệu USD.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vinh-phuc-chu-dong-don-dau-xu-the-thu-hut-dong-von-xanh-165937.html
Zalo