Dấu ấn về Đại tướng Nguyễn Quyết - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội

Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội - người chiến sĩ cộng sản dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh, gìn giữ và bảo vệ độc lập cho đất nước.

Vào thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra, Đại tướng Nguyễn Quyết khi đó mới 23 tuổi đời, 5 năm tuổi Đảng nhưng đã là Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên quân sự trong Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, Ủy viên chính trị Ủy ban Quân sự Hà Nội, Chính trị viên Chi đội 2 Vệ Quốc quân. Ông cũng chính là người ra quyết định lịch sử: Tiến hành khởi nghĩa tại Hà Nội vào ngày 19/8/1945, đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng bằng lực lượng tại chỗ, không chờ quân giải phóng từ chiến khu về bởi nếu không sẽ lỡ mất thời cơ lịch sử.

Đại tướng Nguyễn Quyết. Ảnh: Báo Lao động.

Đại tướng Nguyễn Quyết. Ảnh: Báo Lao động.

Vào Đảng khi vừa tròn 18 tuổi

Đại tướng Nguyễn Quyết tên thật là Nguyễn Tiến Văn (sinh ngày 20/8/1922) ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Năm 1937, ông mới 15 tuổi nhưng đã rời quê lên Hà Nội tìm việc làm, kiếm sống. Ông xin vào làm việc tại Báo Đuốc Tuệ - một tờ báo tuyên truyền đạo Phật của Trung tâm Phật giáo Bắc Kỳ. Công việc chính của ông là làm thư ký kiêm phát hành báo. Nhờ đó, ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều người thuộc các giới và tầng lớp khác nhau, nhất là gần gũi công nhân, người lao động TP nên hiểu được nỗi khổ nhục của người dân mất nước cũng như tội ác của thực dân và tay sai.

Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938, Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại khu vực Nhà Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của hàng vạn người nhưng sau đó bị thực dân Pháp đàn áp. Ông buộc phải trở về quê nhà do bị mật thám theo dõi. Cũng chính lần trở về này, ông đã gặp đồng chí Nguyễn Văn Tích (tức Tạo) - một đảng viên cộng sản là cán bộ Liên tỉnh B (gồm các tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An...) và được giao nhiệm vụ vận động quần chúng xây dựng phong trào phản đế ở huyện Kim Động.

Chỉ một thời gian ngắn, ông đã vận động được rất nhiều người tham gia phong trào. Chính vì những đóng góp tích cực của mình, năm 1940 khi vừa tròn 18 tuổi, ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và phân công phụ trách Bí thư Thanh niên phản đế huyện Kim Động. Kể từ đây ông chính thức trở thành một chiến sĩ cộng sản suốt đời phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Với những thành tích, cống hiến đặc biệt xuất sắc, Đại tướng Nguyễn Quyết đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; hai Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Quân kỳ Quyết thắng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế trao tặng.

Năm 1943, khi mới được 3 năm tuổi Đảng, ông được chỉ định vào Ban Cán sự Đảng Hà Nội, đóng vai trò quan trọng trong việc vận động quần chúng và xây dựng lực lượng cách mạng. Ông cùng các đồng chí của mình xông xáo nhưng thận trọng xây dựng được nhiều cơ sở mới ở nội, ngoại thành Hà Nội, tích cực làm công tác phát triển đảng.

Mùa hè năm 1944, Đại tướng Nguyễn Quyết được T.Ư Đảng triệu tập tham dự một lớp học quân sự diễn ra gần một tháng tại tỉnh Thái Nguyên để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Khi trở lại Hà Nội, ông được Thành ủy phân công phụ trách công tác quân sự. Nhưng chỉ vài tháng sau, đồng chí lại được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay đồng chí Lê Quang Đạo do bị lộ nên T.Ư điều đi nhận nhiệm vụ khác.

Thiếu tướng Nguyễn Khắc Nhân, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thăm Đại tướng Nguyễn Quyết, ngày 6/5/2024. Ảnh: QPTĐ

Thiếu tướng Nguyễn Khắc Nhân, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thăm Đại tướng Nguyễn Quyết, ngày 6/5/2024. Ảnh: QPTĐ

Một quyết định táo bạo mang tính lịch sử

Trở thành người đứng đầu Thành ủy Hà Nội, trực tiếp phụ trách công tác quân sự, ông vừa chỉ đạo, vừa trực tiếp tổ chức, xây dựng, huấn luyện và tìm nguồn vũ khí, trang bị quân sự cho các đội tự vệ vũ trang công nông một cách khôn khéo ngay trước mũi quân thù. Đó là thời kỳ “một ngày bằng hai mươi năm” sục sôi không khí chuẩn bị mọi mặt cho Cách mạng tháng Tám, giành chính quyền về tay Nhân dân.

Ngày 12/8/1945, trước tình hình thế giới có nhiều biến chuyển, với nhãn quan chính trị nhạy bén, tầm nhìn chiến lược, nắm bắt thời cuộc kịp thời, Ban Thường vụ T.Ư Đảng đã họp tại Tân Trào để quyết định tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Ngay sau cuộc họp, “Mệnh lệnh khởi nghĩa” được phát đi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi Nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, giờ quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến, toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Chiều tối ngày 13/8/1945, khi phát xít Nhật đã bại trận chuẩn bị đầu hàng đồng minh, Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, đồng thời soạn thảo “Quân lệnh số 1”. Đến 23 giờ cùng ngày, bản quân lệnh hoàn thành và phát đi ngay trong đêm.

Nhưng do nước lụt, điều kiện giao thông khó khăn, Mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa chưa về kịp tới Hà Nội. Đảng bộ Hà Nội, lúc đó chỉ có mấy chục đảng viên, đứng trước một quyết định vô cùng lớn lao: Tổng khởi nghĩa mà chưa có lệnh của T.Ư hay bỏ lỡ thời cơ có một không hai trong lịch sử?

Ngay trong đêm 15/8/1945, tại chùa Hà, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết đã triệu tập hội nghị mở rộng đề ra một quyết định lịch sử: Hà Nội sẽ tiến hành khởi nghĩa bằng lực lượng tại chỗ với nòng cốt là quần chúng cách mạng, không chờ quân giải phóng từ chiến khu Việt Bắc về. Chờ là sẽ mất thời cơ!

Theo tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư, Đại tướng Nguyễn Quyết (sinh năm 1922), nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần vào hồi 21 giờ 09 phút, ngày 23/12/2024 tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.

Đây là một quyết định đúng đắn đầy tự tin, chủ động, sáng tạo nhưng cũng rất độc đáo với phương thức phù hợp, sát với tình hình thực tế của Hà Nội. Nó đòi hỏi sự táo bạo, quyết đoán vì xảy ra ở một vị trí chiến lược trong khi chưa nhận được lệnh của T.Ư. Bí thư Nguyễn Quyết và Thành ủy Hà Nội đã không thụ động chờ đợi, không ỷ lại, mà dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Nhân dân, trước Đảng trong tình thế cấp bách ở một thời cơ có một không hai trong lịch sử.

Lịch sử cũng đã minh chứng sự sáng suốt, táo bạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết là hoàn toàn đúng đắn. Hà Nội đã khởi nghĩa theo đúng kế hoạch vào ngày 19/8/1945 và giành thắng lợi trọn vẹn, không đổ máu. Thắng lợi của khởi nghĩa Tháng Tám tại Hà Nội là sự cổ vũ lớn lao đối với các địa phương trong toàn quốc, thôi thúc các địa phương chưa tiến hành khởi nghĩa sẵn sàng đứng lên giành chính quyền…

Đại tướng Nguyễn Quyết phát biểu tại buổi lễ trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Ảnh: Tư liệu BQP

Đại tướng Nguyễn Quyết phát biểu tại buổi lễ trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Ảnh: Tư liệu BQP

Nói về quyết định lịch sử khi mới 23 tuổi đời nhưng đã phải nắm giữ trọng trách người đứng đầu Đảng bộ TP, Đại tướng Nguyễn Quyết từng chia sẻ: Đó là một quyết định táo bạo nhưng đã được cân nhắc kỹ. “Tôi biết chắc chắn rằng nếu không giành được thắng lợi thì người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nhưng tôi tin, đây là một quyết định sáng suốt của cả một tập thể, những người đã gắn bó, sống chết với phong trào cách mạng tại Hà Nội trong nhiều năm; nắm rõ tình hình địch - ta diễn biến qua từng ngày. Quyết định khởi nghĩa cũng dựa trên sự phân tích tình hình cụ thể, chứ không phải là một quyết định nóng vội, chủ quan bị chi phối bởi tình cảm khát khao giải phóng” - Đại tướng Nguyễn Quyết chia sẻ.

Thắng lợi của Hà Nội trong khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu năm 1945 đã trở thành một “mốc son” đáng nhớ trong tiến trình lịch sử của Đảng bộ Thủ đô cũng như cả nước. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám cũng mang đậm dấu ấn của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết với Thủ đô Hà Nội. Quyết định của Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết cũng đã thể hiện rõ thái độ ứng xử vô cùng tinh tế của Đảng, của đất nước, con người Việt Nam đối với kẻ thù. Nhờ đó đã hạn chế tối đa sự chống trả, tiết kiệm xương máu của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, giữ được TP Hà Nội bình yên sau khởi nghĩa.

Dành trọn cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, Đại tướng Nguyễn Quyết, người cộng sản kiên trung, vị tướng trí dũng, mưu lược của Quân đội Nhân dân Việt Nam hội tụ đầy đủ những phẩm chất, đức tính cao đẹp của người cộng sản kiên trung. Đại tướng Nguyễn Quyết được đánh giá là vị tướng tài năng, mưu lược, giỏi về quân sự, vững vàng, sắc sảo, nhạy bén về chính trị; luôn hết lòng vì nước, vì dân, rất mực yêu thương đồng chí, đồng đội; luôn nêu gương sáng của một vị tướng quân đội.

Đại tướng Nguyễn Quyết

(Nguyễn Tiến Văn)

(Sinh năm: 1922)

Quê quán: xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên

Tham gia cách mạng: 1939

Nhập ngũ: tháng 8/1945

Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam: từ năm 1940

Cấp bậc cao nhất: Đại tướng (1990)

Quá trình công tác

1942: Ủy viên Ban cán sự Đảng tỉnh Hưng Yên;

1943 - 1945: Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên quân sự trong Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, ủy viên chính trị Ủy ban quân sự Hà Nội, Chính trị viên Chi đội 2 Vệ quốc quân;

1946: Chính trị viên Chi đội 1 (chi đội chủ lực của Ủy ban kháng chiến miền Nam), Trưởng phòng Chính trị, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 31;

1947 - 1952: Chính ủy Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng; Ủy viên quân sự trong Ủy ban Kháng chiến Liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Chính ủy Trung đoàn 108 và Trung đoàn 803;

1953 - 1955: Chủ nhiệm Chính trị Liên khu 5; Phó Chính ủy, Chính ủy Đại đoàn 305;

1955 - 1963: Quyền Chính ủy rồi Chính ủy Quân khu Tả Ngạn;

1964 - 1968: Phó Chính ủy, Chính ủy Quân khu 3; Chính ủy Quân khu Tả Ngạn; Phó Chính ủy Quân khu Trị - Thiên kiêm Chính ủy Mặt trận B8 (Quân khu Trị - Thiên);

1969 - 1976: Chính ủy Quân khu Tả Ngạn, Học viện Quân sự, Quân khu 3;

1977 - 1980: Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 3;

1981 - 1986: Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Quân khu 3;

4/1986 - 1987: Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;

1987 - 1991: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương);

1992: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước;

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV - VI (Ủy viên Ban Bí thư khóa VI);

Đại biểu Quốc hội các khóa IV, VII, VIII.

Phần thưởng cao quý

- Huân chương Sao vàng (2007);

- Huân chương Hồ Chí Minh;

- Huân chương Quân công hạng Nhất;

- Huân chương Chiến công hạng Nhất;

- Huân chương Chiến thắng hạng Nhất...

(nguồn: Cổng TTĐT BQP)

PV

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dau-an-ve-dai-tuong-nguyen-quyet-nguyen-bi-thu-thanh-uy-ha-noi.html
Zalo