Đà Nẵng từng bước hoàn thiện thành phố đổi mới sáng tạo
Ngày 15-11, Sở Khoa học Công nghệ TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo 'góp ý xây dựng đề án Đà Nẵng - thành phố đổi mới sáng tạo' với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia. Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tổng hợp các ý kiến đóng góp từ các bên liên quan, hoàn thiện nội dung Đề án và xây dựng chương trình hành động cụ thể cho giai đoạn 2026 - 2030.
Đây là bước tiến chiến lược nhằm đảm bảo Đề án mang tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu và tiềm năng phát triển của thành phố. Hội thảo không chỉ là nơi để các đại biểu thảo luận về nội dung, mà còn mở ra cơ hội hợp tác, kết nối toàn diện, hướng tới phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo bền vững và vươn tầm quốc tế.
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Ngọc Ca - Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ về các mô hình phát triển công nghiệp sáng tạo trên thế giới rất được đại biểu quan tâm. Theo đó, công nghiệp sáng tạo bao gồm những sản phẩm mang tính sáng tạo thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D), phần mềm, điện ảnh, xuất bản, truyền thanh và truyền hình, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, thời trang, quảng cáo, trò chơi và game điện tử, thủ công, ẩm thực, các ngành thủ công, kiến trúc, thiết kế mỹ thuật và công nghiệp… Vì vậy, ông kiến nghị hình thành Đà Nẵng như một trung tâm cho một số chùm về công nghiệp sáng tạo thông qua các ngách đặc thù, đơn cử như công nghiệp và dịch vụ phim trường, cung cấp dịch vụ, giải pháp phần mềm cho chuỗi cung ứng, logistics, kiến trúc biển nhiệt đới, ẩm thực miền Trung.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Phi - Trưởng phòng Đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã đưa ra giải pháp về cơ sở hạ tầng và hệ thống đổi mới sáng tạo địa phương. Theo ông, giải pháp tổ chức, hạ tầng cho hệ thống đổi mới sáng tạo Đà Nẵng sẽ tạo hành lang pháp lý như thành lập tổ chức thường trực có chức năng điều phối chung cho đổi mới sáng tạo (bao gồm cả tham vấn chính sách và tham vấn phân bổ nguồn lực), bên cạnh đó, xây dựng các gói chính sách phù hợp với từng đối tượng (kèm theo các công cụ triển khai tương xứng), các chương trình/đề án riêng cho các lĩnh vực công nghệ, sản phẩm ưu tiên trên cơ sở lộ trình đổi mới công nghệ và cho phép thử nghiệm sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới
Trên lộ trình xây dựng Đề án "Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo", Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng đã liên tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm nhằm xây dựng nền tảng khoa học vững chắc cho nội dung, cơ chế và chính sách của Đề án. Chuỗi sự kiện không chỉ là những bước chuẩn bị mà còn là dịp để tập hợp tri thức, sức sáng tạo và tiếng nói của cộng đồng, tạo thành bức tranh toàn diện, đầy đủ và sâu sắc cho sự phát triển của Đà Nẵng. Hội thảo khoa học trực tuyến "Triển khai xây dựng nội dung Đề án Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo" đã đánh dấu cột mốc quan trọng với mục tiêu xác định các yếu tố cơ bản, định hình các chuyên đề và nền tảng cần thiết cho Đề án. Các buổi tọa đàm "Xây dựng cơ chế, chính sách cho Đà Nẵng - Định hình thành phố đổi mới sáng tạo" và "Giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho Đề án" đã diễn ra, tạo diễn đàn để chuyên gia và doanh nghiệp đóng góp các giải pháp cụ thể. Những thảo luận sôi nổi và đóng góp tại tọa đàm đã làm rõ các thách thức, gợi mở các cơ chế huy động nguồn lực, đồng thời hướng đến xây dựng chính sách có tầm nhìn xa, bám sát thực tiễn.
Bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đã đánh giá cao những đóng góp, những ý kiến của các chuyên gia, đã góp phần xây dựng Đề án "Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo", một nhiệm vụ trọng yếu hướng tới việc phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tiêu biểu của khu vực. Những ý kiến đóng góp từ các chương trình này đã trở thành nền tảng vững chắc, không chỉ giúp Đề án thêm chiều sâu mà còn đảm bảo tính ứng dụng và khả năng triển khai thực tế, phù hợp với khát vọng và tiềm năng của thành phố. "Hội thảo ngày hôm nay là cột mốc tiếp theo trên hành trình đó, với mục tiêu tổng hợp và hoàn thiện nội dung của Đề án, cũng như xây dựng chương trình hành động cụ thể cho giai đoạn 2026 - 2030. Chúng tôi sẽ chuyển tải trọn vẹn các ý kiến quý báu từ các khách mời lên lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, từ đó đưa Đề án vào thực tiễn với từng bước hành động cụ thể, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố" - bà Lê Thị Thục nhấn mạnh.