VinFast hướng tới đạt tỉ lệ nội địa hóa 84% vào năm 2026, cần phải làm những gì?

Đây là nội dung đáng chú ý được ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc nhà máy VinFast Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm 'Nội địa hóa xe VinFast' diễn ra sáng nay (12/12) tại Hải Phòng.

Dàn robot tự động tại xưởng hàn thân vỏ ở nhà máy VinFast Hải Phòng - Ảnh B.A

Dàn robot tự động tại xưởng hàn thân vỏ ở nhà máy VinFast Hải Phòng - Ảnh B.A

Theo vị lãnh đạo nhà máy VinFast Việt Nam, hiện tỉ lệ nội địa hóa của xe điện VinFast đã đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc. Đây là một thành tựu đáng chú ý trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn non trẻ.

Giám đốc nhà máy VinFast Việt Nam chia sẻ, ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là các ngành sản xuất chế tạo, trong đó có công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn đang gặp nhiều thách thức lớn.

 Ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc nhà máy VinFast Việt Nam - Ảnh B.A

Ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc nhà máy VinFast Việt Nam - Ảnh B.A

Thứ nhất là Quy mô nhỏ lẻ: Phần lớn các doanh nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu sự đầu tư về công nghệ và năng lực sản xuất.

Thứ hai là Khả năng cạnh tranh thấp: Sản phẩm của các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước thường khó đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và giá cả so với các nhà cung cấp quốc tế.

Thứ ba là Thiếu liên kết trong chuỗi cung ứng: Các doanh nghiệp nội địa còn thiếu sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước thực trạng này, ngay từ khi gia nhập ngành công nghiệp sản xuất ô tô, VinFast đã đặt ra một mục tiêu rõ ràng là không chỉ sản xuất xe mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, từ đó gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.

Với mục tiêu dài hạn như đã trình bày ở trên, ngay từ khi thành lập, VinFast đã xác định không đi theo con đường lắp ráp thông thường mà trở thành một nhà sản xuất ô tô thực thụ. Chỉ có như vậy mới có thể thúc đẩy mạnh mẽ được sự phát triển của các doanh nghiệp phụ trợ trong nước, đồng thời giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện.

Tại tổ hợp nhà máy hiện đại hàng đầu thế giới, VinFast dành ra hơn 30% diện tích trong khuôn viên tổ hợp để phát triển khu công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, VinFast đã chủ động sản xuất các cấu phần quan trọng như thân vỏ, động cơ… nhờ các xưởng sản xuất có mức độ tự động hóa trên 90%, đảm bảo chất lượng và quy mô sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại trong nhà máy VinFast có các xưởng: dập, hàn, lắp ráp, động cơ… đều được lắp đặt trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến bậc nhất thế giới của Đức, Áo, Hàn Quốc…, ông Ngọc Anh cho biết.

 Xưởng dập tại nhà máy VinFast là xưởng dập tự động đầu tiên trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam - Ảnh B.A

Xưởng dập tại nhà máy VinFast là xưởng dập tự động đầu tiên trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam - Ảnh B.A

VinFast đã xây dựng một lộ trình rõ ràng nhằm nâng tỉ lệ nội địa hóa từ hơn 60% hiện nay lên 84% vào năm 2026 thông qua việc sản xuất và cung ứng trong nước thêm các chi tiết như: Ghế xe, dây điện, đèn xe, vành xe, hệ thống phanh - lái, các linh kiện nội thất và ngoại thất, kính gương…

Tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt 84% vào năm 2026 khi VinFast sản xuất được pin điện, một trong những linh kiện có giá trị cao nhất trong xe điện, lãnh đạo nhà máy VinFast Việt Nam nhận định.

Tiếp cận theo hướng mới, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa

GS-TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh B.A

GS-TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh B.A

Cũng tại buổi tọa đàm,GS-TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định: "Tôi rất ấn tượng trong lần thứ 2 quay lại tham quan VinFast. Tôi rất ấn tượng về sự chuyên nghiệp, công nghệ quy trình sản xuất tinh gọn, bài bản của VinFast. Đặc biệt với công nghiệp ô tô, những phân xưởng nhà máy được đánh giá quan trọng là Dập khuôn, Động cơ điện, Pin. Những cấu phần quan trọng đó đều nhìn thấy được sản xuất ở nhà máy VinFast. Tôi đến nhà máy VinFast và bị thuyết phục vì thực tiễn là rõ ràng. Ngoài ra, với ô tô điện, các thành tố chính còn là cell pin, pack pin, hệ thống, sạc, hệ thống truyền động, điều hòa, phần mềm điều khiển…"

GS-TS Lê Anh Tuấn đánh giá là VinFast đã đi thẳng vào những chi tiết quan trọng này để làm chủ, thể hiện Know How trong xe điện, với khả năng tự lái ngày càng cao. Bên cạnh các chi tiết chính, VinFast còn định hướng nội địa hóa các chi tiết vành xe, phanh lái, kính gương… Tổng hòa tạo ra sản phẩm có tỉ lệ nội địa hóa cao.

VinFast đang thể hiện vai trò tiên phong, vai trò sếu đầu đàn trong, không chỉ sản xuất mà còn xây dựng chuỗi cung ứng nội địa. Sự có mặt nhiều nhà cung cấp cho thấy điều đó. Lộ trình nội địa hóa là bước tiến chiến lược không chỉ cho VinFast mà còn cho ngành ô tô.

PGS-TS Bùi Quang Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Ảnh B.A

PGS-TS Bùi Quang Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Ảnh B.A

Đồng quan điểm về vấn đề này, PGS-TS Bùi Quang Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: "Tôi vốn ấn tượng với Vingroup và các doanh nghiệp vì luôn đưa ra tiêu chuẩn mới về hiệu quả và chất lượng. VinFast đang tạo ra chuẩn mực mới trong sản xuất. Đây là điều đáng vui mừng và đáng chúc mừng. Điều tôi ấn tượng là thành tựu sau 7 năm kể từ 2017 tới nay mà 1 người mới mới tham gia thị trường đầy cạnh tranh như VinFast mà trở thành số 1. Con số này nói đc nhiều điều".

Trong bối cảnh mới khi thế giới đang bước vào kỉ nguyên mới, của KHCN, của AI. Tất cả là tương lai nhưng rất tốt cho Việt Nam vì cơ cấu dân số vàng giúp ta đi nhanh. Tôi mong trong quá trình này, VinFast sẽ là cánh chim đầu đàn. VinFast đi đầu nhưng dẫn đàn chứ không đi 1 mình, giúp Việt Nam bước nhanh thậm chí bỏ qua 1 số giai đoạn tuần tự và tiến nhanh. Đây là điều phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng, dựa vào KHCN, đổi mới sáng tạo, để phát triển bền vững.

VinFast và một số doanh nghiệp đi đầu trong ngành công nghiệp chế tạo phải theo hướng giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh, tăng cường năng lực công nghệ, tăng cường tiềm lực, giúp nước ta đi nhanh hơn vào cuộc cách mạng lần thứ 4.

Việt Nam cần tiếp cận theo hướng hệ sinh thái, nhiều chủ thể đi cùng nhau. Những cánh chim đầu đàn như VinFast cần kéo theo nhiều cánh chim khác để công nghiệp chế biến chế tạo phát triển hơn nữa, PGS-TS Bùi Quang Tuấn nhận định.

Bình An

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vinfast-huong-toi-dat-ti-le-noi-dia-hoa-84-vao-nam-2026-can-phai-lam-nhung-gi.html
Zalo