Công nghiệp, công nghệ Việt Nam vẫn dựa trên giá rẻ, giá trị thấp

Ngành công nghiệp công nghệ phần mềm của Việt Nam trong hơn 20 năm qua vẫn là ngành công nghiệp dựa trên giá rẻ, chủ yếu tập trung vào các công đoan có giá trị thấp trong các dự án công nghệ. Nhận định trên được đưa ra tại Hội nghị công bố kết quả đề án thành phần thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và đại học chia sẻ do UBND TP.HCM tổ chức ngày 12/12.

Theo đó 4 đề án thành phần được công bố kết quả lần này gồm: đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Công nghệ thông tin - Truyền thông; đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Cơ khí - Tự động hóa; đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính - Ngân hàng và đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Quản lý đô thị. Các đề án này được các đại học thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và Đại học Kinh tế TP.HCM thực hiện.

Ký kết hợp tác giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp

Ký kết hợp tác giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp

Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Thanh Hữu, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần IVS (100% vốn đầu tư Nhật Bản) - thành viên ký kết hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp cho rằng, trình độ kỹ thuật của kỹ sư Việt cũng như chất lượng đào tạo của các trường đại học tại Việt Nam được đánh giá cao. Tuy vậy, công nghệ phần mềm ở Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế và thách thức.

Theo ông Hữu, hiện năng suất và chất lượng công việc của kỹ sư Việt Nam còn thấp so với người Nhật hoặc Trung Quốc. Lý do là các kỹ sư mới tốt nghiệp chưa quen với cách làm việc ở môi trường đa quốc gia, khả năng nắm quy trình, ngoại ngữ còn hạn chế… Thứ hai là ngành công nghiệp công nghệ phần mềm của Việt Nam trong hơn 20 năm qua vẫn dựa trên giá rẻ, tập trung vào các công đoan có giá trị thấp.

Ông Hữu lấy ví dụ, trong ngành công nghệ phần mềm, dự án phần mềm được chia thành 2 tầng chính là thượng tầng và hạ tầng. Mức lương của một tư vấn viên người Nhật 10 năm kinh nghiệm ở thượng tầng gồm tư vấn, thiết kế, đề xuất giải pháp có thể từ 200.000-300.000 USD/năm. Dù người Nhật rất thiếu nhân lực trong lĩnh vực này và muốn chuyển giao cho các kỹ sư Việt Nam từ 5 năm trước, nhưng số lương người Việt Nam có thể đáp ứng công việc này rất hạn chế, gần như đếm trên đầu ngón tay.

Trong khi đó, nhân lực lĩnh vực hạ tầng gồm mã hóa, kiểm thử chỉ nhận lương khoảng 90.000 USD/năm. Hiện nay, phần lớn các công ty và kỹ sư Việt Nam mới chỉ tập trung vào hạ tầng.

"Công ty chúng tôi cho rằng, nguyên nhân cơ bản của 2 thách thức này là chưa có một định hướng đào tạo chuyên sâu và phù hợp nhằm tạo ra đội ngũ chuyên gia quốc tế với các kỹ năng kết hợp như: thông thạo ngoại ngữ, chuyên môn, quy trình, kinh doanh dựa trên sự hợp tác sâu sắc giữa trường đại học và doanh nghiệp", ông Hữu nói.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng nguồn nhân lực được xác định là yếu tố quan trọng cho sự tái cơ cấu, phát triển đột phá giai đoạn trọng tâm phát triển TP.HCM đến 2030 và tầm nhìn 2045.

Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 nhóm ngành, trước mắt triển khai trước 4 ngành sẽ là điều kiện quan trọng trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển ngành vi mạch bán dẫn và Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này. Trong khi đó, TP.HCM đang tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đối số, chuyển đổi xanh. Hiện tại TP.HCM cũng đang gấp rút hoàn thành Đề án Trung tâm tài chính quốc tế đã được Bộ Chính trị thông qua, cũng như trình đề án phát triển đường sắt đô thị.

Để làm được điều này thì đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn và chất lượng. Do đó, ông yêu cầu các đơn vị được giao cần triển khai ngay đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế với sự hợp tác của doanh nghiệp, cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP cũng khẳng định thành phố luôn để mở cơ hội và khuyến khích sự tham gia của các trường đại học khác trên cả nước, kể cả các trường đại học quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng chương trình phù hợp xu hướng hiện nay. Ngoài ra cần tiếp tục đầu tư để có nguồn giảng viên trình độ quốc tế và có sự kết hợp với doanh nghiệp để thực hành tại doanh nghiệp cũng như đầu tư thỏa đáng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo ở các trường.

"Như chúng tôi đã nói, Thành phố sẽ dành hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ mỗi năm để đầu tư cho đào tạo nhân lực, đổi mới sáng tạo tại thành phố", ông Mãi nói.

Vũ Hường/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cong-nghiep-cong-nghe-viet-nam-van-dua-tren-gia-re-gia-tri-thap-post1141700.vov
Zalo