Viết tiếp ước mơ của cuộc đời
Ngày 1/5, các phạm nhân được Chủ tịch nước đặc xá sẽ được trở về bên gia đình. Ngày 30/4 là ngày Lễ trọng đại của dân tộc, Đảng, Nhà nước ta tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên các phạm nhân cũng được nghỉ, vui chơi, đọc báo, xem truyền hình, được gọi điện cho gia đình thông báo tin vui đặc biệt của mình. Ngày mai, sẽ là ngày đánh dấu sự kiện trọng đại của cuộc đời họ, bởi họ sẽ được tự do viết tiếp ước mơ của chính mình.
Lôi quần áo ra rồi gấp đi, gấp lại mấy lần, phạm nhân Bùi Văn Trọng quê ở huyện Văn Bàn, Lào Cai sốt ruột chờ trời sáng. Mấy hôm nay, anh không ngủ được, nhất là khi cán bộ cho phép liên hệ với gia đình để thông báo việc sắp được Chủ tịch nước đặc xá. Trọng vốn học ít, lấy vợ sớm, lại đẻ tận 4 đứa con nên kinh tế khó khăn. Cuộc sống nghèo khó tưởng cứ thế bình an trôi đi nhưng bước ngoặt lớn lại đến với cuộc đời anh ta như định mệnh.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến kiểm tra công tác đặc xá, động viên các phạm nhân cải tạo. Ảnh: Chiến Thắng.
Đó là vào một ngày cuối năm 2022, Trọng đi ăn cỗ ở làng bên, uống rượu say rồi chạy xe máy về nhà. Khi đi qua đường, do thiếu quan sát, anh ta đã tông vào một cụ già. Gây tai nạn chết người, lại có nồng độ cồn trong máu ở mức “kịch khung”, Trọng bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù. Thi hành án tại Trại giam Thanh Xuân – cách nhà hơn 400 km nên gia đình rất ít khi có điều kiện thăm nom. Dù vậy, được sự động viên của cán bộ, Trọng luôn nỗ lực cải tạo khá, tốt. Chính vì vậy, anh ta được đề nghị Chủ tịch nước đặc xá lần này. Trọng cho biết, do nhà xa nên không ai đến đón được, anh ta đã đăng ký xe của trại đưa ra bến rồi bắt xe về Lào Cai. “Hôm qua gọi cho vợ rồi nhưng vợ bảo bận lắm không đi được nên tôi tự về thôi. Tôi xin được rất nhiều thứ, cố gắng mang về nhà dùng dần”. Rồi Trọng giở gói đồ ra khoe, đây là quần áo mấy anh không dùng nữa cho, đây là dầu ăn, nước mắm, gia vị, ruốc; còn cả bánh kẹo từ Tết cán bộ cho tôi để dành để cho cháu ngoại. Lúc tôi đi trại, con gái đã lấy chồng sinh cháu rồi. Lần đầu tiên gặp cháu tôi muốn có quà tặng cháu” – Trọng chia sẻ.
Phạm nhân Lê Tiến Mạnh, 25 tuổi, từng là sinh viên năm thứ 2 nhưng trong phút bồng bột đã đánh nhau gây thương tích nên bị kết án 5 năm, 6 tháng. Mạnh cho biết, khi thi hành án tại Trại giam Thanh Xuân, anh ta được Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ giúp đỡ, tạo điều kiện để cải tạo nên dần dần tôi lấy lại tinh thần, vững tin vào sự khoan hồng của Nhà nước ta. “Kết quả cải tạo của tôi luôn luôn khá, tốt, đã được giảm án 1 lần 5 tháng. Nếu được Chủ tịch nước đặc xá, tôi sẽ được về sớm hơn 1 năm. Lần này về, tôi sẽ đi học lại, cố gắng bù đắp quãng đời đã lãng phí. Gần 4 năm trong trại tôi đã thấm thía việc mất tự do, thấm thía nỗi khổ của bố mẹ nên tôi sẽ không bao giờ hành động thiếu suy nghĩ nữa” – Lê Tiến Mạnh cho biết.
Chưa được đặc xá lần này nhưng phạm nhân Hà Huy Hoàng, trú ở Lục Yên, Yên Bái thi hành án tại Trại giam Đại Bình luôn tin tưởng vào chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Tội danh khá nặng là giết người với án phạt 11 năm, Hà Huy Hoàng đã thi hành án được gần 5 năm. Anh ta cho biết, “Khi còn ngoài xã hội do thiếu hiểu biết nên bản thân đã vi phạm pháp luật và phải trả giá, phải vào trại giam chấp hành án. Trong thời gian chấp hành án tại Trại giam Đại Bình, tôi luôn được Ban Giám thị, Hội đồng giáo dục các cấp, cán bộ quản giáo quan tâm động viên, chỉ bảo ân cần giúp chúng tôi nhận rõ lỗi lầm của mình gây ra, an tâm, tự giác chấp hành án. Nhờ đó, kết quả cải tạo của tôi luôn đạt loại khá. Hi vọng, khi Chủ tịch nước đặc xá đợt tiếp theo, tôi sẽ nằm trong danh sách được đề nghị”.
Được biết, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2025, ngày 3/3/2025, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 266/2025/QĐ-CTN về đặc xá năm 2025. Thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước, Bộ Công an – Cơ quan Thường trực của Hội đồng Tư vấn đặc xá chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện, quán triệt đến tất cả các CBCS và phạm nhân để tìm hiểu nắm vững đối tượng, điều kiện được đặc xá; niêm yết Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá trong các buồng giam, khu giam, khu bệnh xá, nhà học tập, nhà gặp phạm nhân ở các phân trại; phát trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ các phân trại để phạm nhân nắm rõ được các điều kiện được đặc xá và các trường hợp không được đề nghị đặc xá năm 2025.
Theo đó, các đơn vị giam giữ đã công bố công khai Quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá để các phạm nhân biết, liên hệ với bản thân, tổ chức cho những phạm nhân đủ điều kiện viết “Đơn đề nghị đặc xá” và “Bản cam kết”. Hội đồng xét, đề nghị đặc xá của các đơn vị giam giữ tổ chức cho cán bộ quản giáo chủ trì họp đội phạm nhân, thảo luận, bình xét và bỏ phiếu kín giới thiệu những phạm nhân đủ điều kiện đề nghị đặc xá; lập biên bản kết quả họp đội phạm nhân, lập danh sách giới thiệu phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá năm 2025.
Đại tá Vũ Trọng Chiến, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc cho biết, sau khi các cơ sở giam giữ xét duyệt, 9 tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng tư vấn đặc xá đã kiểm tra, thẩm định các hồ sơ đề nghị đặc xá tại các trại giam, trại tạm giam của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; tiếp nhận các hồ sơ đủ điều kiện đặc xá và chuyển hồ sơ đến thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá và các cơ quan có liên quan để thẩm định. Cơ quan Thường trực đã tổng hợp, hoàn chỉnh danh sách người được đề nghị đặc xá trình cơ quan chức năng báo cáo Chủ tịch nước quyết định đặc xá.
Để tạo điều kiện cho các phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng đã chỉ đạo các trại giam tổ chức các lớp học tái hòa nhập cộng đồng, dạy kiến thức pháp luật, các kỹ năng hòa nhập và các kiến thức pháp luật. Đặc biệt là các dự án luật có liên quan trực tiếp với cuộc sống của người dân, nhất là với những phạm nhân mới chấp hành xong án phạt tù và các phạm nhân được đặc xá như: Luật Căn cước, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Căn cước…

Cán bộ quản giáo hướng dẫn phạm nhân lao động. Ảnh: Chiến Thắng.
Bên cạnh đó, trong quá trình thi hành án, phạm nhân cũng được dạy nghề, thi, cấp chứng chỉ và hoàn toàn có thể sử dụng chứng chỉ này đi xin việc phù hợp với nghề mình đã được học để đảm bảo cuộc sống, tránh tâm lý chán nản, tiêu cực và tái phạm tội. Trung tá Nguyễn Trọng Hưng, cán bộ giáo dục Trại giam Thanh Xuân cho biết, các phạm nhân sẽ được giới thiệu về các chính sách, quy định của pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng, vay vốn sản xuất kinh doanh, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm; một số quy định của Luật Đặc xá, quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá…; Ngoài ra, các phạm nhân được tham gia 2 chủ đề về giáo dục đạo đức và giáo dục kỹ năng sống để họ hiểu rõ trách nhiệm của bản thân, gia đình và xã hội; có kỹ năng vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng và tìm kiếm việc làm, các quy định về tái phạm tội, xóa án tích; quy định về bảo đảm ANTT, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm. Các phạm nhân cũng được giải đáp các thắc mắc của phạm nhân để họ hiểu rõ hơn về chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là chính sách tái hòa nhập cộng đồng, vay vốn để sản xuất kinh doanh theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Nói về chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đặc xá là chính sách khoan hồng đặc biệt của Đảng, Nhà nước, được quy định trong Hiến pháp. Chỉ trong 3 năm gần đây, 2021, 2022, 2024 đã tổ chức đặc xá, tha tù trước thời hạn cho hơn 9.000 người. Công tác đặc xá đảm bảo yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, đối ngoại, được nhân dân trong nước đồng tình, được dư luận quốc tế đánh giá cao. Đồng chí Thứ trưởng đề nghị các Cục chức năng phối hợp với Công an địa phương quản lý, giúp đỡ những người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng; chủ động tham mưu chính quyền địa phương tạo điều kiện, bố trí công ăn việc làm để người được đặc xá, thi hành án xong án phạt tù có thu nhập ổn định cuộc sống, không tái phạm…
Ngày mai – ngày trở về cũng là ngày mới của quãng đời mới. Phía sau cánh cổng trại giam chính là cánh cổng cuộc đời, là bầu trời rộng mở. Quãng đường phía trước của các phạm nhân dù cho còn nhiều gian nan, thử thách, nhưng họ đã sẵn sàng đối mặt, bởi trong quá trình cải tạo, họ đã được cung cấp hành trang để làm lại cuộc đời…