Viết tiếp câu chuyện hòa bình

Người trẻ hôm nay sẽ viết tiếp chương mới cho câu chuyện hòa bình của dân tộc bằng khát vọng, trí tuệ và lòng yêu nước sâu sắc

Trong những ngày tháng 4, chúng tôi có dịp gặp một số nhân chứng sống của Chiến dịch Hồ Chí Minh qua chương trình sinh hoạt chính trị "Viết tiếp câu chuyện hòa bình", do Đoàn Thanh niên Báo Người Lao Động phối hợp với Quận Đoàn 1, Đoàn Sở Tài chính, Đoàn Sở Xây dựng và Trung đoàn Gia Định tổ chức.

Lặng lẽ truyền cảm hứng

Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Ngô Tùng Chinh nay đã hơn 70 tuổi. Nhiều người quen gọi ông là Bé Đi.

"Bé là nhỏ bé, Đi là sẵn sàng lên đường. Ở đâu Tổ quốc cần, ở đó tôi có mặt" - đó là cách ông giải thích về bí danh Bé Đi.

Năm 1967, khi mới 12 tuổi, ông đã tham gia hoạt động giao liên trong vùng địch chiếm đóng. Sau khi một người anh ruột hy sinh trên chiến trường, ông quyết tâm chuyển sang lực lượng biệt động thành để được tham gia các trận đánh lớn.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Ngô Tùng Chinh và chị gái Ngô Thị Cẩm Tiên .Ảnh: QUỐC THẮNG

Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Ngô Tùng Chinh và chị gái Ngô Thị Cẩm Tiên .Ảnh: QUỐC THẮNG

Tháng 11-1968, trong một trận tập kích, ông sử dụng xe máy cài thuốc nổ, đánh đúng thời điểm. Trận đánh chỉ diễn ra trong 2 phút nhưng tiêu diệt 10 tên địch, làm bị thương 16 tên, gây chấn động.

Chỉ trong vòng 2 năm 1967 - 1969, Bé Đi đã tham gia 8 trận đánh lớn, tiêu diệt hàng trăm tên địch, vận chuyển thành công hơn 20 chuyến vũ khí qua các điểm nóng. Rồi ông bị địch bắt, giam giữ ở khám Chí Hòa. Khi địch đưa ra xét xử, Bé Đi khẳng khái tuyên bố: "Tôi là chiến sĩ cách mạng. Tôi bị bắt đi tù. Các ông cứ xử!".

Lời lẽ cứng cỏi của ông khiến công tố viên thốt lên: "Đây là một thiếu nhi, một cán bộ cộng sản cứng cựa!". Ông đáp: "Tôi chưa phải đảng viên Đảng Cộng sản, tôi đang phấn đấu để trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, để đủ tầm, đủ sức mạnh tiêu diệt Mỹ - ngụy".

Bé Đi bị tuyên án 10 năm khổ sai. Trong nhà lao thiếu nhi, ông cùng các bạn tù nhỏ tuổi phát động nhiều phong trào đấu tranh như chào cờ, chống đàn áp, đòi quyền sống. Đỉnh điểm là hình thức đấu tranh tự mổ bụng, lấy thân mình làm vũ khí để phản kháng lại những đòn tra tấn tàn ác.

Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ ấy, tháng 6-1973, nhà lao thiếu nhi buộc phải giải tán. Sau ngày thống nhất, ông tiếp tục cống hiến trong nhiều cơ quan, luôn giữ lối sống tận tụy.

Bà Ngô Thị Cẩm Tiên là chị ruột của ông Ngô Tùng Chinh. Tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, bà là một trong những đội viên xuất sắc của Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định, có nhiều chiến công thầm lặng.

Cũng như em trai, bà Tiên đi qua chiến tranh bằng tuổi trẻ, bằng những vết sẹo hằn trong tâm trí và thể xác. Bị địch bắt và tra tấn qua những nơi giam giữ tại Thủ Đức, Chí Hòa, Côn Đảo… nhưng bà vẫn giữ được bản lĩnh thép.

Khi đất nước hòa bình, bà được ra tù và tiếp tục dấn thân, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng. Nay đã 83 tuổi, bà vẫn bền bỉ truyền cảm hứng cho lớp trẻ hôm nay.

Mãi cháy sáng

Từ những ký ức khốc liệt của chiến tranh, những người như chú Bé Đi, cô Sáu "Thành Đoàn" không chỉ kể chuyện bằng lời mà bằng cả trái tim từng trải qua lửa đạn. Họ không chỉ nhắc nhớ một thời đã qua mà còn trao truyền ngọn lửa lý tưởng, giữ cho ngọn lửa ấy mãi cháy sáng trong lòng thế hệ hôm nay.

Thượng úy Nguyễn Phước Tường, trợ lý đối ngoại tại Ban Hành chính Hợp tác Quốc tế - Bệnh viện Quân y 175, là minh chứng sống động cho tinh thần bất khuất ấy. Anh tiếp nối lý tưởng của các thế hệ đi trước qua những hành động thiết thực trong công cuộc gìn giữ hòa bình và phục vụ đất nước trong thời bình.

Sinh ra trong hòa bình, thượng úy Tường chọn phụng sự trong lặng thầm - từ nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 đến vùng đất xa xôi Nam Sudan, trong màu áo lính mũ nồi xanh. Hai huy chương gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cùng bằng khen của Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu là những minh chứng cho bản lĩnh và trách nhiệm của người lính thời bình.

Nhưng hơn cả những phần thưởng, anh xem sứ mệnh được cống hiến là phần thưởng lớn nhất. Anh nói: "Tôi sinh ra trong hòa bình và hiểu rằng hòa bình là kết quả của biết bao hy sinh. Tôi muốn sống xứng đáng với điều đó".

Từ những căn hầm bí mật năm xưa đến bệnh viện dã chiến nơi đất bạn; từ tiếng hô xung phong thành lời thề chiến sĩ thời bình, những người như Nguyễn Phước Tường đang lặng lẽ kiên trì, không phô trương, nối dài hành trình bảo vệ Tổ quốc theo cách riêng của thế hệ mình. Đó là giữ gìn hòa bình bằng lý tưởng, trách nhiệm và lòng yêu nước sắt son.

Biểu tượng của trách nhiệm và tình yêu

Trong khuôn khổ chương trình "Viết tiếp câu chuyện hòa bình", Đoàn Thanh niên Báo Người Lao Động đã trao tặng 500 lá cờ Tổ quốc cho Quận Đoàn 1, góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc đến mọi miền đất nước.

Chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" do Báo Người Lao Động tổ chức không chỉ là hành động cụ thể mà còn là biểu tượng của trách nhiệm và tình yêu Tổ quốc; là cách mà thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống anh hùng, giữ vững lý tưởng cách mạng và xây dựng đất nước vững mạnh, độc lập, tự do.

Trần Thái

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/viet-tiep-cau-chuyen-hoa-binh-196250427205350411.htm
Zalo