Việt Nam - Nhật Bản 'bắt tay' triển khai loạt dự án công nghiệp chiến lược, công nghệ cao

Về mở rộng đầu tư nhằm nâng cao trình độ công nghiệp, Nhật Bản sẽ hỗ trợ xây dựng nhà máy sản xuất silicon đa tinh thể - vật liệu thiết yếu cho chuỗi cung ứng bán dẫn, cũng như thúc đẩy quá trình phi carbon hóa tại các khu công nghiệp ở Việt Nam.

Chiều 28/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác trong các ngành công nghiệp chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tham dự, phát biểu tại Diễn đàn. Diễn đàn còn có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam; Đoàn đại biểu Nhật Bản; đông đảo doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp, công nghệ của hai nước.

Tại Diễn đàn, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản cũng đã chia sẻ về kế hoạch hoạt động, hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác trong các ngành công nghiệp chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác trong các ngành công nghiệp chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn.

Mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp sản xuất Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru cho biết vào những năm 1990, ngành sản xuất chế tạo của Nhật Bản đã mở rộng sang Việt Nam và góp phần thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Với thị trường 100 triệu dân và nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Việt Nam thực sự là một điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng bất ổn, việc Nhật Bản và Việt Nam - những quốc gia có chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ - hợp tác để nâng cao trình độ công nghiệp là một cơ hội lớn.

Thủ tướng Ishiba khẳng định việc nâng cao trình độ ngành công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, tăng cường khả năng chống chịu trước những cú sốc bên ngoài sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước. Chính phủ Nhật Bản cùng khu vực tư nhân cam kết thúc đẩy công cuộc này thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân, bao gồm cả đào tạo nguồn nhân lực và phi carbon hóa.

Theo Thủ tướng Nhật Bản, điều này cũng phù hợp với phương hướng "kỷ nguyên mới" của Việt nam mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề ra. Nhật Bản hoan nghênh, đánh giá cao việc Việt Nam tập trung vào các ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính.

Thủ tướng Ishiba Shigeru cho biết tại hội đàm sáng ngày 28/4, hai Thủ tướng nhất trí nâng cấp quan hệ kinh tế song phương trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nhật Bản - Việt Nam.

Trong đó, về đào tạo nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - lĩnh vực trọng tâm của Việt Nam, hai bên đang chuẩn bị mở chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ chip bán dẫn tại Đại học Việt Nhật - một dự án hợp tác biểu tượng giữa hai nước.

Nhật Bản cũng sẽ tiếp nhận khoảng 250 nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ trong lĩnh vực bán dẫn, tương ứng với một nửa mục tiêu chiến lược quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, tăng cường trao đổi nhân lực thế hệ mới trong các lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến.

Về mở rộng đầu tư nhằm nâng cao trình độ công nghiệp, Nhật Bản sẽ hỗ trợ xây dựng nhà máy sản xuất silicon đa tinh thể - vật liệu thiết yếu cho chuỗi cung ứng bán dẫn, cũng như thúc đẩy quá trình phi carbon hóa tại các khu công nghiệp ở Việt Nam.

Nhật Bản cũng đang hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) để kết nối các startup với các doanh nghiệp hàng đầu của hai nước và đã đạt được những kết quả ban đầu. Cùng với đó, hỗ trợ nâng cao chức năng của NIC nhằm thúc đẩy chính sách khởi nghiệp của Việt Nam, qua đó góp phần giải quyết các thách thức xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp...

Thủ tướng Ishiba Shigeru hoan nghênh, đánh giá cao việc Việt Nam tập trung vào các ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính.

Thủ tướng Ishiba Shigeru hoan nghênh, đánh giá cao việc Việt Nam tập trung vào các ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính.

Trong lĩnh vực hợp tác phi carbon và năng lượng giữa Nhật Bản và Việt Nam, nhiều dự án đang được triển khai tích cực như điện gió ngoài khơi, phát triển mạng lưới truyền tải điện và điện sinh khối. Nhật Bản sẽ nỗ lực thực hiện các dự án này và cùng với Việt Nam - đối tác trong khuôn khổ Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) - dẫn dắt quá trình chuyển dịch năng lượng tại khu vực châu Á.

Qua những chia sẻ của các doanh nghiệp, Thủ tướng Nhật Bản tin tưởng sâu sắc rằng tiềm năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam là không có giới hạn.

"Chúng tôi mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa khu vực công và tư, cùng nhau xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn nữa, đem lại lợi ích cho cả hai nước", Thủ tướng Ishiba Shigeru nhấn mạnh và cho biết Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Điểm sáng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác thực chất giữa hai nước; hoan nghênh những chia sẻ chân thành, thực chất của các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn; cho thấy rõ khát vọng hợp tác cùng kiến tạo và cùng phát triển bền vững giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Thủ tướng nhấn mạnh Diễn đàn là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là minh chứng sinh động cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản đang bước vào giai đoạn phát triển mới với sự tin cậy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, nghĩ sâu làm lớn và những động lực hợp tác mới. Đây còn là không gian kết nối giữa tầm nhìn quốc gia và hành động doanh nghiệp, giữa định hướng chiến lược và giải pháp thực tiễn.

Thủ tướng đánh giá, qua hơn 50 năm vun đắp và xây dựng, với nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, thực chất, trở thành một hình mẫu quan hệ đặc biệt tốt đẹp với sự tin cậy chính trị cao, lợi ích ngày càng tương đồng, lĩnh vực hợp tác ngày càng toàn diện, bao trùm, lòng tin chiến lược ngày càng sâu sắc với tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả, cùng có lợi".

Quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, đi vào chiều sâu, thực chất. Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân đã trở thành một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước. Hoạt động hợp tác giữa các địa phương rất sôi động. Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới", mở ra kỷ nguyên mới trong hợp tác song phương.

Đặc biệt, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục phát huy vai trò trụ cột và là điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp vốn ODA và hợp tác lao động lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ ba, đối tác thương mại và du lịch lớn thứ tư của Việt Nam.

Tính đến tháng 3/2025, Nhật Bản hiện có hơn 5.500 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn gần 80 tỷ USD, trải rộng trên 59 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung vào công nghiệp sản xuất, chế biến, năng lượng, công nghệ cao. Trong quý I/2025, vốn đầu tư từ Nhật tăng trên 20%, là tín hiệu tích cực cho giai đoạn hợp tác mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục phát huy vai trò trụ cột và là điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục phát huy vai trò trụ cột và là điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với sự phát triển của Việt Nam và quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với rất nhiều thách thức như hiện nay, những lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch và kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo là chìa khóa cho phát triển nhanh và bền vững.

Việt Nam xác định con người là trung tâm, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là nền tảng, hợp tác quốc tế là động lực. Theo đó, Việt Nam cam kết phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh, bao trùm và bền vững.

Việt Nam tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với tinh thần "3 thông": "thể chế thông thoáng; hạ tầng thông suốt; quản trị và nhân lực thông minh". Đồng thời, chủ trương tạo đột phá về thể chế với tinh thần "đi sớm, đi trước, mở đường cho phát triển"; tập trung hoàn thiện hạ tầng thông suốt với hệ thống đường bộ, đường sắt cao tốc, sân bay, cảng biển quốc tế; đổi mới tư duy quản trị thông minh theo hướng vừa quản lý hiệu quả, vừa kiến tạo phát triển và huy động tối đa các nguồn lực.

Đặc biệt, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, sẵn sàng ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.

Đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp hai nước thông tin về kế hoạch hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn. Đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược, công nghiệp công nghệ cao và bán dẫn

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bước vào năm thứ hai của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản, hai nước cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, nhất là phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục đồng hành và tăng cường hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác phát triển (ODA), nhất là trong các lĩnh vực then chốt như công nghiệp chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, tài chính xanh, đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trung tâm tài chính quốc tế, chuyển đổi xanh. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ NIC để phát huy vai trò hạt nhân của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực chiến lược nêu trên, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục tin tưởng, gắn bó, hợp tác chặt chẽ, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đóng góp thiết thực hơn nữa cho sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia; góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Quan tâm, thúc đẩy triển khai nhanh các dự án hợp tác trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiến lược, công nghiệp chủ chốt, công nghệ cao. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và thực chất hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru chứng kiến trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. (Ảnh: VGP) "3 bảo đảm" và "3 cùng" với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản

Về phía Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam cam kết "3 bảo đảm" và "3 cùng" với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản.

"3 bảo đảm" gồm: Bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là hợp phần quan trọng của kinh tế Việt Nam; bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư; bảo đảm ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, thể chế, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư.

"3 cùng" gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào.

Thủ tướng cũng chia sẻ "3 đề cao" với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản, gồm: Đề cao thời gian, thời gian là vàng bạc; đề cao trí tuệ, con người là tài sản quan trọng nhất, trí tuệ con người là không có gì thay thế được, trí tuệ con người tạo ra trí tuệ nhân tạo và con người "phải thắng" trí tuệ nhân tạo; đề cao sự quyết đoán kịp thời, đúng lúc, không để mất cơ hội, không để mất thời gian.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru cùng các đại biểu dự Diễn đàn. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru cùng các đại biểu dự Diễn đàn. (Ảnh: VGP)

Trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao của các nhà lãnh đạo hai nước, với sự đồng hành của các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế với tinh thần "chân thành, tình cảm, tin cậy, thực chất, hiệu quả, cùng có lợi", với tầm vóc mới của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, hai bên sẽ cùng nhau hiện thực hóa những định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn, đóng góp vào phát triển nhanh và bền vững của mọi người, mọi doanh nghiệp, thúc đẩy quan hệ song phương, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả cũng như góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển cùng có lợi ở khu vực và trên thế giới.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/viet-nam-nhat-ban--bat-tay--trien-khai-loat-du-an-cong-nghiep-chien-luoc--cong-nghe-cao-139928.htm
Zalo