Việt Nam – Trung Quốc tăng cường kết nối chiến lược giữa hai nền kinh tế

Trong khuôn khổ chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kết nối đường bộ, đường sắt, hàng không; kiểm nghiệm, kiểm dịch hải quan; thương mại nông sản; khoa học công nghệ; văn hóa và hợp tác địa phương.

Sau chuyến đi thăm Việt Nam cấp Nhà nước trong hai ngày 14 và 15-4 của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN

KTSG Online xin trích giới thiệu một số nội dung quan trọng của bản tuyên bố chung.

Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn

Hợp tác quốc phòng-an ninh là một trong những trụ cột của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, góp phần quan trọng vào việc củng cố tin cậy chiến lược giữa hai Đảng, hai nước. Hai bên nhất trí tăng cường các cơ chế hợp tác về quốc phòng, công an, an ninh, tòa án tối cao, viện kiểm sát tối cao, tăng cường giao lưu giữa các cơ quan tư pháp tương ứng của hai nước.

Hai bên nhất trí tăng cường giao lưu cấp cao và các cấp giữa quân đội hai nước; phát huy tốt vai trò của các cơ chế như Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, Đối thoại chiến lược quốc phòng. Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác giữa quân đội hai nước trong các lĩnh vực như công tác chính trị, đào tạo cán bộ, nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu chung; tăng cường hợp tác về công nghiệp quốc phòng, diễn tập, huấn luyện chung và tàu hải quân thăm lẫn nhau; tiếp tục mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực như y tế hậu cần, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và lĩnh vực an ninh phi truyền thống.

Đi sâu hợp tác biên phòng, tăng cường phối hợp về quản lý biên giới, triển khai tuần tra liên hợp biên giới trên đất liền, khuyến khích bộ đội biên phòng hai nước thiết lập quan hệ hữu nghị, tăng cường giao lưu hữu nghị vùng biên giới. Phát huy vai trò cơ chế tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, triển khai tốt các hoạt động tuần tra liên hợp trên vịnh Bắc Bộ; làm sâu sắc cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hải quân và cảnh sát biển hai nước.

Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi cấp cao giữa các cơ quan thực thi pháp luật hai nước; phát huy tốt vai trò của các cơ chế Hội nghị cấp Bộ trưởng về phòng chống tội phạm, Đối thoại an ninh chiến lược cấp Thứ trưởng, Đối thoại cấp Thứ trưởng về an ninh chính trị; triển khai hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, tình báo, chống khủng bố, đẩy nhanh thiết lập Đường dây nóng giữa Bộ trưởng Bộ Công an hai nước; phối hợp phòng chống các loại tội phạm qua biên giới.

Làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và cơ quan an ninh, thực thi pháp luật của Trung Quốc, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như phòng chống khủng bố, phòng chống tội phạm lừa đảo viễn thông, an ninh mạng, tội phạm kinh tế, mua bán người, quản lý xuất nhập cảnh, truy bắt tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài. Tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống “cách mạng màu” và “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; mở rộng hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Quản lý và Ứng phó tình trạng khẩn cấp Trung Quốc.

Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai nước, thực hiện tốt Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Tư pháp Trung Quốc và giữa Bộ Tư pháp hai nước, tổ chức Hội nghị giữa các cơ quan hành chính tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới hai nước lần thứ nhất trong năm nay, không ngừng hoàn thiện cơ chế hỗ trợ tư pháp, tăng cường học hỏi, giao lưu kinh nghiệm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN

Tăng cường kết nối chiến lược giữa hai nền kinh tế

Hai bên nhất trí coi việc Trung Quốc phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới, Việt Nam phát triển lực lượng sản xuất mới là cơ hội để xây dựng cấu trúc hợp tác toàn diện và sâu rộng hơn. Đẩy nhanh kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”; ưu tiên đẩy nhanh kết nối hạ tầng giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu.

Hai bên sẽ phát huy vai trò của Ủy ban liên hợp về hợp tác đường sắt Việt - Trung, thực hiện hiệu quả Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc hợp tác triển khai các dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Việt Nam - Trung Quốc, thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc sẵn sàng cùng với Việt Nam nghiên cứu triển khai hợp tác về công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.

Hai bên đánh giá cao việc Trung Quốc phê duyệt Hỗ trợ kỹ thuật (TA) lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và nhất trí sớm triển khai lập F/S, cố gắng sớm khởi công xây dựng; đẩy nhanh nghiên cứu Phương án đoạn đường sắt kết nối Lào Cai - Hà Khẩu, tạo cơ sở để sớm triển khai Phương án. Hoan nghênh ký kết Công thư viện trợ lập quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Tăng cường giao lưu hợp tác về kỹ thuật xây dựng đường bộ; đánh giá cao việc khởi công xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc), thúc đẩy khởi công xây dựng công trình giao thông qua biên giới tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) - Thiên Bảo (Trung Quốc).

Hai bên sẽ tiếp tục phát huy vai trò cơ chế Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt-Trung, đẩy nhanh xây dựng cửa khẩu thông minh tại các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 và khu vực mốc 119-1120 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), cân nhắc nhân rộng tại các cửa khẩu khác đủ điều kiện, bao gồm cửa khẩu Móng Cái-Đông Hưng; nâng cấp “kết nối mềm” về hải quan thông minh.

Trên cơ sở phù hợp quy tắc quản lý giờ cất/hạ cánh của hai bên, tạo điều kiện về gia hạn, bổ sung giờ cất/hạ cánh cho các hãng hàng không hai nước khai thác thị trường của nhau, khuyến khích các hãng hàng không hai nước khôi phục và mở thêm các chuyến bay theo nhu cầu thị trường. Hoan nghênh các công ty hàng không Việt Nam đưa vào vận hành máy bay thương mại của Trung Quốc dưới nhiều hình thức, ủng hộ tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực máy bay thương mại do Trung Quốc sản xuất.

Hai bên nhất trí phát huy tốt vai trò của “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực” (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) thúc đẩy thương mại song phương phát triển theo hướng cân bằng; phát huy vai trò của Nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại,

Nhóm công tác hợp tác thương mại điện tử, tiếp tục khai thác tiềm năng thương mại song phương, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác thương mại điện tử; thông qua đối thoại, hiệp thương, giải quyết thỏa đáng bất đồng về thương mại, mở rộng hơn nữa không gian hợp tác cho doanh nghiệp hai bên. Hai bên hoan nghênh việc ký Nghị định thư đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc như ớt, chanh leo, tổ yến thô, tổ yến sạch, cám gạo.

Trung Quốc đang tích cực triển khai thủ tục cấp phép chính thức cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam như hoa quả có múi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật. Phía Việt Nam sẽ đẩy nhanh nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc. Hai bên nhất trí, tăng cường hợp tác hải quan, mở rộng xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh của hai bên, triển khai tốt Kế hoạch công nhận lẫn nhau về “Doanh nghiệp ưu tiên” (AEO) và hợp tác “một cửa.”

Tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban liên hợp về hợp tác nông nghiệp Việt-Trung và Ủy ban liên hợp về hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm trồng trọt và chế biến sâu nông sản, đảm bảo an ninh lương thực, kiểm soát dịch bệnh tổng hợp.

Hai bên nhất trí sớm bàn bạc, ký kết Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ; triển khai hợp tác thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vịnh Bắc Bộ. Thực hiện tốt Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển Việt Nam - Trung Quốc và Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN

Tích cực giải quyết bất đồng, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tích cực tìm kiếm các giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, phù hợp với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc,” luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, cùng duy trì ổn định trên biển.

Thúc đẩy bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển sớm đạt tiến triển thực chất; tích cực triển khai hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, tăng cường hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất sớm đạt được “Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Hai bên nhất trí phát huy tốt vai trò của các cơ chế Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền, Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, tiếp tục thực hiện tốt ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc và các thỏa thuận liên quan; tăng cường quản lý khu vực biên giới; tích cực thúc đẩy mở và nâng cấp cửa khẩu biên giới. Tiếp tục triển khai hiệu quả “Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân.

Nguyên Tân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/viet-nam-trung-quoc-tang-cuong-ket-noi-chien-luoc-giua-hai-nen-kinh-te/
Zalo