Đề xuất các định hướng tăng cường quan hệ Việt - Nga trong bối cảnh mới
Chiều 24/4, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Học viện Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề 'Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga theo quan điểm lịch sử'.
Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham dự của đông đảo học giả, chuyên gia và đại diện các cơ quan nghiên cứu hai nước.
Hội thảo nhằm làm rõ những dấu mốc quan trọng và chiều sâu của quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Nga dưới góc nhìn lịch sử; đồng thời đánh giá vai trò của các yếu tố lịch sử trong việc định hình và củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Vũ Thùy Trang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và SNG (Viện Nghiên cứu châu Âu và châu Mỹ) nhấn mạnh, quan hệ Việt - Nga là mối quan hệ song phương có chiều sâu lịch sử, bền chặt và giàu ý nghĩa chiến lược. Việc nhìn lại từng giai đoạn lịch sử sẽ giúp đánh giá đầy đủ vai trò của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay trong quá trình phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhân lực, quốc phòng, an ninh.
Theo Tiến sỹ Vũ Thùy Trang, hợp tác song phương hiện nay còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả; cần cụ thể hóa nội hàm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện bằng những chương trình hợp tác thực chất ở cả cấp Trung ương và địa phương.
Trong lĩnh vực kinh tế, Tiến sỹ Vũ Thùy Trang đề xuất xây dựng cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ, thúc đẩy hợp tác trong các ngành mũi nhọn như năng lượng, công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, đồng thời rà soát, gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Về giáo dục, văn hóa, Tiến sỹ Vũ Thùy Trang đề xuất tăng cường giảng dạy tiếng Nga tại Việt Nam, mở rộng chương trình trao đổi học giả, sinh viên, đẩy mạnh ngoại giao nhân dân nhằm phát huy sức ảnh hưởng văn hóa của Nga, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc.
Tiến sỹ Ilya Zhenin, Trưởng phòng Thí nghiệm Nghiên cứu lịch sử toàn diện, Học viện Tổng thống Liên bang Nga cho rằng, tầm quan trọng của việc bảo tồn ký ức lịch sử là một phần không thể thiếu trong công tác giáo dục và xây dựng bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, giới trẻ ngày càng ít quan tâm đến lịch sử. Vì vậy, cần phát huy vai trò giáo dục lịch sử trong gia đình, nhà trường và toàn xã hội, kết hợp với việc sử dụng tài liệu minh chứng và ứng dụng công nghệ số.
Bên cạnh hợp tác văn hóa, giáo dục, các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của hợp tác kinh tế và vùng địa lý chiến lược. Giáo sư, Tiến sỹ Alexander Sokolovsky, khoa châu Á- Thái Bình Dương, Trường Nghiên cứu khu vực và quốc tế, Đại học bang Viễn Đông cho rằng, vùng Primorsky ở Viễn Đông Nga giữ vai trò chiến lược trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ Nga - Việt, đặc biệt về kinh tế, khoa học và đối thoại khu vực.
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm gần Việt Nam và các nước châu Á - Thái Bình Dương, Primorsky có hệ thống cảng biển, cơ sở hạ tầng hiện đại cùng các tuyến vận tải trực tiếp như tuyến đường biển của Công ty vận tải Fesco (Nga), trực tiếp nối cảng Vladivostok với cảng Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về nền tảng lịch sử của quan hệ song phương, những thành tựu hợp tác nổi bật trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ, từ đó đề xuất các định hướng tăng cường quan hệ Việt - Nga trong bối cảnh mới.