Việt Nam trong trái tim thế giới: Từ khát vọng độc lập đến biểu tượng nhân văn toàn cầu

Chiến thắng 30/4/1975 - sự kiện chấn động lịch sử nửa sau thế kỷ XX - đã được bạn bè quốc tế ví như 'mẹ của tất cả các chiến thắng', bởi lẽ đó không chỉ là thắng lợi của riêng Việt Nam mà còn là niềm kiêu hãnh chung của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Năm mươi năm sau ngày lịch sử ấy, hào quang của tinh thần chính nghĩa và sức mạnh đoàn kết mà Việt Nam khơi dậy vẫn lan tỏa khắp năm châu, gợi lên những bài học nhân văn sâu sắc và củng cố niềm tin vào một tương lai tươi sáng.

Nhà báo Pedro Gellert - nhà báo Gaston Fiorda.

Nhà báo Pedro Gellert - nhà báo Gaston Fiorda.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với hai nhà báo quốc tế - ông Pedro Gellert (tờ Regenacíon - cơ quan ngôn luận của Đảng Phong trào Tái thiết Quốc gia cầm quyền tại Mexico), người tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ và ông Gaston Fiorda, chuyên gia Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á của Đài phát thanh Quốc gia Argentina.

Cả hai đều là những nhân chứng, người đồng hành cùng phong trào phản chiến Việt Nam tại Mỹ và Mỹ Latinh trong những năm tháng lịch sử. Từ hồi ức sống động đến những góc nhìn thời đại, câu chuyện họ chia sẻ là một minh chứng sinh động cho sức lan tỏa toàn cầu của chiến thắng 30/4 - một biểu tượng nhân văn vượt qua mọi biên giới chính trị và địa lý.

Chiến thắng ngày 30/4/1975 không chỉ kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài và đau thương của Việt Nam, mà còn vang dội trên phạm vi toàn cầu. Nhiều học giả quốc tế nhận định đây là bước ngoặt đã "làm thay đổi lịch sử" khi lần đầu tiên một dân tộc nhỏ bé thuộc Thế giới thứ ba đánh bại một cường quốc hùng mạnh.

Diễu hành trên phố kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Diễu hành trên phố kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

"Đó không chỉ là chiến thắng của Việt Nam, mà còn là chiến thắng của tất cả các dân tộc trên thế giới", nhà báo Pedro Gellert (Mexico) nhấn mạnh, khẳng định ý nghĩa to lớn mang tính toàn nhân loại của ngày 30/4. Thắng lợi ấy được ông ví như "một cơn địa chấn chính trị" làm rung chuyển trật tự cũ, thổi bùng lên niềm cảm hứng cho các phong trào giải phóng dân tộc khắp nơi từ Á, Phi đến Mỹ Latinh.

Điều làm nên sức lan tỏa mạnh mẽ của chiến thắng 30/4 chính là tính chính nghĩa và khát vọng nhân văn cao cả kết tinh trong cuộc đấu tranh của người Việt Nam. Đó là cuộc chiến vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước - những giá trị phổ quát mà mọi dân tộc tiến bộ đều trân trọng. Chiến thắng ấy khẳng định một chân lý: lẽ phải và ý chí quật cường của nhân dân cuối cùng có thể đánh bại sức mạnh áp bức, dù kẻ thù có hùng mạnh đến đâu.

Nhà báo Gaston Fiorda (Argentina) cho rằng thắng lợi năm 1975 là minh chứng để "cả thế giới thấy dân tộc Việt Nam là một dân tộc đoàn kết", từ đó rút ra bài học rằng "sự đoàn kết sẽ không bao giờ bị đánh bại". Chính tinh thần đoàn kết dân tộc trên nền tảng chính nghĩa đã tạo nên sức mạnh Việt Nam - sức mạnh làm nên kỳ tích 30/4 và vang vọng trong trái tim nhân loại suốt nửa thế kỷ qua.

Chiến thắng của Việt Nam không thể tách rời khỏi sự ủng hộ mạnh mẽ từ phong trào đoàn kết quốc tế. Ngay trong thập niên 1960-1970, hàng triệu người trên khắp năm châu đã xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Ở nhiều quốc gia, từ Mỹ, Pháp, Anh cho đến Ấn Độ, Australia, Mexico, Argentina…, nhân dân tiến bộ coi "cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam như cuộc đấu tranh của chính mình" - như cách nói của nhà báo Pedro Gellert.

Tại chính nước Mỹ, phong trào phản chiến bùng nổ với quy mô chưa từng có đã khiến chính quyền Washington chia rẽ và buộc giới lãnh đạo phải từng bước xuống thang. Chỉ một tuần sau ngày 30/4/1975, hàng nghìn người đã tụ họp tại New York dưới rừng cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng để ăn mừng thắng lợi của Việt Nam, đánh dấu thất bại chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ. Thắng lợi của Việt Nam, vì vậy, không chỉ do lòng quả cảm và hy sinh của nhân dân Việt Nam, mà còn có sự góp sức quan trọng của làn sóng đoàn kết quốc tế rộng khắp ấy.

Đặc biệt, tại khu vực Mỹ Latinh, tình đoàn kết với Việt Nam càng bền chặt do sự tương đồng về khát vọng độc lập và bối cảnh đấu tranh. Vào những năm 1970, nhiều nước Mỹ Latinh đang oằn mình dưới các chế độ độc tài quân sự được sự hậu thuẫn của các thế lực ngoại bang. Tấm gương Việt Nam chiến thắng đế quốc trở thành nguồn động lực lớn lao cho phong trào đấu tranh ở khắp khu vực.

Người dân được ngắm nhìn 10.500 drone trình diễn mừng Đại lễ 30/4 trên bầu trời TP Hồ Chí Minh.

Người dân được ngắm nhìn 10.500 drone trình diễn mừng Đại lễ 30/4 trên bầu trời TP Hồ Chí Minh.

"Đối với người dân Mỹ Latinh, Việt Nam là hình ảnh của sự ngưỡng mộ, là những người anh hùng, là hình mẫu lý tưởng mà họ hướng tới", nhà báo Gaston Fiorda chia sẻ. Ông cho biết, nhân dân Mỹ Latinh xem thắng lợi của Việt Nam như thắng lợi của chính họ, bởi Việt Nam đã chứng minh rằng một dân tộc bị áp bức có thể đứng lên đánh bại kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Tinh thần ấy đã gắn kết những trái tim cách mạng từ Hà Nội đến Buenos Aires, từ Havana đến Mexico City trong một mặt trận đoàn kết quốc tế chưa từng có tiền lệ.

Sự đồng lòng của bạn bè năm châu dành cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chính nghĩa đã để lại bài học sâu sắc về sức mạnh của tình đoàn kết. Thắng lợi 30/4 cho thấy các dân tộc trên thế giới, dù khác biệt về địa lý và văn hóa, vẫn có thể kết nối bởi những giá trị chung của nhân loại là hòa bình và tự do. Cho đến hôm nay, tinh thần "đoàn kết các dân tộc sẽ không bao giờ bị đánh bại" vẫn vang vọng như một di sản quý giá của thời đại, được hun đúc từ chính câu chuyện Việt Nam.

Trong mắt bạn bè quốc tế, hình ảnh Việt Nam hôm nay là một đất nước năng động, sáng tạo và giàu bản sắc, đồng thời luôn kiên định những giá trị nhân văn cốt lõi. Ông Pedro Gellert bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với công cuộc Đổi mới mà Việt Nam tiến hành từ cuối những năm 1980, xem đó là "một trải nghiệm đặc biệt quan trọng của nhân loại" trong việc xây dựng một xã hội công bằng và phồn vinh.

Theo ông, mỗi dân tộc có một con đường phát triển riêng, và Việt Nam đã tìm ra hướng đi phù hợp với mình để vừa tăng trưởng kinh tế nhanh, vừa giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc. "Thứ chúng ta tìm kiếm là một xã hội thịnh vượng, dân chủ, yêu hòa bình và công bằng", nhà báo người Mexico nhấn mạnh; đồng thời cho rằng, những bước tiến của Việt Nam chính là minh chứng cụ thể cho lý tưởng cao đẹp đó.

Pháo hoa được bắn tại TP Hồ Chí Minh ngày 30/4/2025.

Pháo hoa được bắn tại TP Hồ Chí Minh ngày 30/4/2025.

Thật vậy, từ chỗ phải đấu tranh để được tồn tại, Việt Nam giờ đây đang chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu, góp phần vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và tích cực hỗ trợ nhân đạo tại nhiều khu vực trên thế giới. Sự chuyển mình của Việt Nam sau 50 năm đã tạo ấn tượng mạnh mẽ: "Việt Nam sẽ trở thành một hình mẫu không chỉ ở Đông Nam Á, mà còn ở cả châu Á", ông Gaston Fiorda tin tưởng khẳng định khi chứng kiến những đổi thay tích cực ở dải đất hình chữ S này.

Trong hành trình hướng tới tương lai, Việt Nam mang theo hành trang là sự trân trọng quá khứ và niềm tin vững chắc vào chính mình. Bạn bè quốc tế như Gaston Fiorda và Pedro Gellert đều chung một niềm tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tỏa sáng, không chỉ như một dân tộc từng anh dũng đứng đầu sóng gió, mà còn như một điểm sáng về những giá trị nhân văn trong thế kỷ XXI.

Khát vọng độc lập, tự do năm xưa nay đã kết tinh thành khát vọng phát triển và cống hiến cho hòa bình bền vững. Chắc chắn, với tinh thần đoàn kết dân tộc và tình bằng hữu quốc tế luôn kề vai sát cánh, Việt Nam có đầy đủ sức mạnh để biến những kỳ vọng đó thành hiện thực. Chiến thắng 30/4 sẽ mãi là minh chứng hùng hồn rằng chính nghĩa, hòa bình và tình đoàn kết có thể chiến thắng mọi thử thách, tiếp tục soi đường cho dân tộc Việt Nam vững bước trong trái tim của thế giới.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/viet-nam-trong-trai-tim-the-gioi-tu-khat-vong-doc-lap-den-bieu-tuong-nhan-van-toan-cau-i766979/
Zalo