Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban lãnh đạo Liên minh công chứng quốc tế
Việt Nam là một thành viên của Liên minh công chứng quốc tế, tổ chức lớn nhất của các công chứng viên trên phạm vi toàn cầu với 94 thành viên.
Ngày 21-1, Hiệp hội Công chứng Việt Nam với vai trò chủ nhà đã tổ chức Hội nghị Ban lãnh đạo Liên minh công chứng quốc tế (UINL) với sự tham gia của đại biểu từ 18 quốc gia đang giữ các vị trí lãnh đạo trong Liên minh công chứng quốc tế và chủ tịch các Ủy ban thuộc các châu lục.
Chương trình nghị sự bàn về các vấn đề quan trọng như Đạo luật mẫu về công chứng quốc tế; báo cáo kết quả hoạt động của các nhóm công tác và nhóm Ủy ban; việc cải cách điều lệ và quy chế; cử nhân sự bổ sung vào các nhóm công tác, các ủy ban của Liên minh…

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: T.T
Liên minh công chứng quốc tế là tổ chức lớn nhất của các công chứng viên trên phạm vi toàn cầu với 94 thành viên là các tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên tại các quốc gia áp dụng hệ thống công chứng Latin.
Trong những năm qua, Liên minh công chứng quốc tế đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đối với công chứng Việt Nam như: cử chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về chuyên môn, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách và hiện đại hóa hệ thống công chứng, khẳng định vai trò của công chứng trong việc bảo đảm an toàn cho các giao dịch dân sự quan trọng, đặc biệt việc xây dựng Luật Công chứng 2024 nhận được sự quan tâm và hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả từ UINL.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, Việt Nam mới thông qua Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thi hành từ 1-7-2025. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh công chứng đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm an toàn pháp lý, góp phần xây dựng một nền tư pháp minh bạch, công bằng và hiệu quả. Bộ Tư pháp Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng Liên minh Công chứng Quốc tế trong các sáng kiến hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực công chứng.
Về phía Hiệp hội Công chứng Việt Nam, ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch Hiệp hội, đã có những chia sẻ với các thành viên trong liên minh về ngành công chứng tại Việt Nam.
Theo đó, công chứng là dịch vụ chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch mà luật quy định phải công chứng. Ngành công chứng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong các giao dịch. Các giao dịch phải công chứng là các giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao, phòng ngừa rủi ro, tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia giao dịch.
Để được bổ nhiệm công chứng viên, các cá nhân phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, công tác trong ngành luật ít nhất 3 năm, phải tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng và đạt kết quả của kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.
Quyết định bổ nhiệm công chứng viên được ban hành bởi Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp cũng chịu trách nhiệm quản lý và giám sát hoạt động của các công chứng viên.
Theo thống kê đến tháng 12-2024, số lượng công chứng viên của cả nước là 3.457 công chứng viên. Số lượng này tăng lên đáng kể so với những năm trước đây, thể hiện sự phát triển và phổ biến của nghề công chứng tại Việt Nam.